Nội đấu tại Apple tranh giành quyền thay thế “cụ ông 63 tuổi” Tim Cook: Đế chế 2,8 nghìn tỷ USD rúng động vì “cuộc chiến vương quyền” sau khi iPhone dần thất sủng
CEO Tim Cook được đánh giá là một người kế nhiệm thành công sau Steve Jobs. Kể từ khi lên nắm quyền điều hành vào năm 2011, vị giám đốc này đã cho ra mắt Apple Watch (Đồng hồ thông minh), Vision Pro (Kính thực tế ảo), thúc đẩy mảng dịch vụ như điện toán đám mây và đặc biệt là tối đa hóa lợi nhuận iPhone.
Ở độ tuổi 63, CEO Tim Cook đã phục vụ Apple lâu hơn nhiều so với mức trung bình các CEO trong Fortune 500.
Thế nhưng việc tập trung tối đa hóa lợi nhuận của iPhone mà không đưa ra được bất kỳ sản phẩm đột phá công nghệ nào như thời Steve Jobs bắt đầu bộc lộ yếu điểm. Quãng thời gian cổ đông hài lòng về CEO Tim Cook dần trôi qua khi doanh số iPhone giảm tốc và thậm chí suy giảm, trong khi nhà táo khuyết không có lấy một sản phẩm thay thế nào trong cuộc đua công nghệ hiện nay.
Như một lẽ tất yếu, những cơn sóng ngầm bắt đầu âm ỉ trong nội bộ Apple khi nhà lãnh đạo 63 tuổi dần bị thất sủng trước cổ đông.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là ai có thể thay thế được CEO Tim Cook để vực dậy Apple và quan trọng hơn là liệu Tim Cook có muốn từ bỏ quyền lực hay chưa?
Sóng yên biển lặng trước bão tố
Kể từ khi kế nhiệm Steve Jobs đến nay, CEO Tim Cook không có nhiều thay đổi với đội ngũ điều hành Apple. Phần lớn các lãnh đạo cấp cao của hãng vẫn là những đồng nghiệp thân thiết của Tim Cook từ thời Steve Jobs.
Ngoài sự ra đi đầy tiếc nuối của nhà thiết kế nổi tiếng Jony Ive và trưởng bộ phận bán lẻ Angela Ahrendts thì hầu như ban lãnh đọa vẫn giữ nguyên suốt 10 năm qua.
Mặc dù bề ngoài yên ắng như vậy nhưng đế chế 2,8 nghìn tỷ USD này lại đang rúng động vì hàng loạt yếu tố bất lợi.
Đầu tiên, Apple đang đối mặt vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ và Châu Âu, nơi chính phủ yêu cầu hãng cho phép bên thứ 3 tham gia chợ ứng dụng cũng như nền tảng thanh toán trực tuyến trên các thiết bị của mình. Xin được nhắc rằng chợ ứng dụng App Store là nơi tạo ra doanh thu 20 tỷ USD mỗi năm cho Apple.
Tiếp đó, doanh số iPhone đang sụt giảm, nhất là ở thị trường chủ chốt Trung Quốc.
Hiện iPhone vẫn là nguồn thu chủ lực của Apple khi chiếm đến một nửa doanh số của hãng. Thế nhưng doanh số iPhone trong quý I/2024 chỉ đạt 46 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 51,3 tỷ USD cùng kỳ năm trước, qua đó cho thấy sự thất bại thảm hại của dòng iPhone 15 mới ra mắt năm ngoái.
Khoảng 95% số sản phẩm iPhone, AirPods, Macs và iPads của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của nhà táo khuyết, vào khoảng 74 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên báo cáo của Counterpoint Research cho thấy doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm 19%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó số liệu của IDC thì nhận định doanh số iPhone đang giảm với mức chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.
Thế rồi sự thất bại của dòng kính thực tế ảo Vision Pro hay việc loại bỏ dự án xe điện iCar khiến Apple chưa tìm ra được sản phẩm kế nhiệm cho iPhone.
Trên thực tế, CEO Tim Cook đã nghĩ đến việc tìm người kế nhiệm. Vào tháng 11/2023 trên podcast “At Your Service”, vị giám đốc này đã thừa nhận mình có thể từ chức bất cứ lúc nào và một trong những nhiệm vụ của ông là chuẩn bị người kế nhiệm, đảm bảo rằng Hội đồng quản trị có nhiều lựa chọn khả dĩ nhất có thể.
Dù không tiết lộ nhưng CEO Tim Cook cho biết kế hoạch “truyền ngôi” của mình vô cùng chi tiết nhằm đảm bảo sự chuyển giao quyền lực được thuận lợi.
Chuyên gia phân tích Toni Sacconaghi của Sanford C Bernstein, người đã theo dõi Apple suốt 20 năm cho biết chủ đề người kế nhiệm “cụ ông 63 tuổi” Tim Cook đang trở thành vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm sau những kết quả ảm đạm của hãng.
Một số nguồn tin nội bộ Apple dự đoán nếu Tim Cook từ chức thì khả năng cao Giám đốc vận hành (COO) Jeff Williams sẽ thay thế khi ông này đã trở thành ứng cử viên hàng đầu trở thành người kế nhiệm từ vài năm trước.
Thế nhưng câu chuyện lại chẳng đơn giản như vậy.
Cuộc đua khốc liệt
Năm 2015, CEO Tim Cook bổ nhiệm Williams làm COO thay thế chính bản thân mình sau khi lên chức mới. Cùng năm đó, Williams góp phần giúp hãng đưa ra thị trường sản phẩm Apple Watch để rồi 4 năm sau đó thay thế Ive làm trưởng bộ phận thiết kế.
Dù đóng góp của Williams là vô cùng lớn cũng như nhận được sự tín nhiệm của Tim Cook nhưng vị giám đốc này có một yếu điểm chết người: 61 tuổi.
Với việc chỉ kém Tim Cook 2 tuổi, nhiều người trong Apple cho rằng Hội đồng quản trị sẽ khó lòng để Williams kế nhiệm chức vụ CEO khi vị trí này đòi hỏi một nhân sự đủ khả năng, bao gồm cả sức khỏe, để lãnh đạo tập đoàn trong ít nhất 10 năm tới, điều mà Steve Jobs và Tim Cook đã làm.
“Nếu 5 năm trước thì Williams có khả năng lên thay thế Tim Cook làm CEO, nhưng hiện giờ thì chưa chắc”, một giám đốc giấu tên trả lời truyền thông Phương Tây.
Tất nhiên nhiều người cho rằng Tim Cook có thể phá vỡ truyền thống để tại vị lâu hơn nữa. Suy cho cùng ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện cũng đã 81 tuổi thì việc một CEO lớn tuổi điều hành công ty siêu quốc gia không có gì là lạ.
Thế nhưng thế giới đang thay đổi từng ngày, nhất là trong ngành công nghệ và Apple cũng không có kết quả kinh doanh mong muốn. Do đó kịch bản tích cực nhất là CEO Tim Cook sẽ chỉ tại vị thêm 3 năm nữa và nhường ghế lại cho người kế nhiệm.
Trong khi Williams bị chê quá già thì một số nguồn tin lại cho rằng Giám đốc kỹ thuật phần cứng John Ternus có thể lên làm người kế nhiệm.
Vì doanh thu của Apple chủ yếu vẫn đến từ bán thiết bị phần cứng là iPhone nên một chuyên gia kỹ thuật phần cứng lên kế nhiệm CEO có vẻ hợp lý. Bản thân ông Ternus cũng mới 50 tuổi và có thể gắn bó lâu dài với Apple hơn Williams.
Ngoài ra ông Ternus cũng nhận được sự yêu mến từ cả Tim Cook và Wiliams cùng dàn lãnh đạo khác.
“CEO Tim Cook rất quý Ternus vì ông ấy có thể thuyết trình tốt, cư xử hòa nhã và không bao giờ gây xung đột qua những bức email, luôn là người ra quyết định thận trọng. Ông ấy có nhiều tố chất quản lý giống như Tim Cook”, một người thân cận trong đội ngũ điều hành Apple nói.
Đồng quan điểm, cựu nhà thiết kế Christopher Stringer tại Apple gọi Ternus là người đáng tin cậy và không bao giờ thất bại với bất cứ vai trò nào được giao.
Giám đốc Eddy Cue tại Apple, một người thân cận với Tim Cook cũng cho rằng Ternus có khả năng là CEO tiếp theo.
Chính bản thân Ternus cũng đang xuất hiện nhiều hơn trong vai trò là gương mặt đại diện của Apple. Vị giám đốc này đi đầu trong buổi công bố iPad mới ngày 7/5 mới đây. Trước đó vào tháng 12/2023, chính Ternus đã tham gia phỏng vấn truyền hình dài 30 phút về ngành chip, khiến nhiều nhân viên đồn đoán về vai trò kế nhiệm tương lai của Ternus.
Tuy nhiên, cơ hội của Ternus không phải 100%.
Những cái tên khác
Ông Ternus gia nhập Apple vào năm 2001 và do còn quá trẻ nên không được tiếp xúc nhiều với ban lãnh đạo hãng. Phải mất 20 năm thì Ternus mới dần leo lên đảm nhiệm phụ trách sản xuất iPad rồi Mac và AirPods. Năm 2020, vị giám đốc này được trao quyền đảm nhận trách nhiệm sản xuất iPhone.
Hiện nhóm kỹ thuật phần cứng của Apple Watch báo cáo cho Ternus thay vì là Williams.
Tuy nhiên Ternus lại không được các kỹ sư hàng đầu ở Apple tôn trọng khi cho rằng vị giám đốc này mang hơi hướng quá an toàn. Việc thiếu những bước đi táo bạo, đặt cược cho tương lai hay thực hiện những vụ sáp nhập khổng lồ hoặc tạo nên các cuộc cách mạng đột phá đều không nằm trong từ điển của Ternus.
Trớ trêu thay, đổi mới và đột phá lại đang là những gì mà Apple cần để thoát khỏi cảnh trì trệ hiện nay. Nếu Steve Jobs tạo nên cú hích cho Apple bằng hàng loạt sản phẩm mang tính cách mạng thì hiện nay nhà táo khuyết chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Quay trở lại với Ternus, những người từng hợp tác phát triển Apple Watch cùng giám đốc này cho biết ông thiếu sự đột phá để giúp dòng sản phẩm này thành công trở thành mặt hàng thay thế được iPhone. Những ý tưởng được Ternus đưa ra như robot cá nhân hay tích hợp chip vào máy Mac trên thực tế đã bị nhiều doanh nghiệp khác thực hiện.
Ngoài ra do trẻ hơn những giám đốc lớn tuổi cũng như chưa đóng góp hay có thành tích gì nổi trội nên Ternus không đủ “uy quyền” để lãnh đạo tất cả các nhóm.
“Ternus là một người tuyệt vời nhưng ông ấy còn quá trẻ so với những giám đốc khác nên không đủ uy tín để thuyết phục các giám đốc khác. Trong các cuộc họp, tính cách an toàn khiến tiếng nói của Ternus quá nhỏ bé chứ không giống vị thế của một giám đốc phụ trách. Nếu lên làm CEO của một tập đoàn nghìn tỷ USD thì bạn phải cho thấy được tiếng nói của mình”, một nhân viên giấu tên khác cho hay.
Những cái tên khác được nhắc đến bên cạnh Ternus gồm có Craig Federighi, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật phần mềm và Deirdre O’Brien, người đứng đầu bộ phận bán lẻ.
Tuy nhiên cho đến hiện nay thì vẫn chưa rõ ai có thể là người thay thế được CEO Tim Cook khi những cơn sóng cạnh tranh ngầm trong nội bộ Apple đang tiếp diễn.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu CEO Tim Cook có dập tắt những lời đồn này để ổn định công ty hay sẽ để các “ứng viên” tự chứng minh khả năng của mình?
*Nguồn: Tổng hợp