Image Alt

ᴍTintuc

  /  Giáo dục   /  Khoảnh khắc đưa con ra khỏi đồn cảnh sát, cuối cùng tôi cũng hiểu: Tại sao nên trở thành một bậc cha mẹ khó tính

Khoảnh khắc đưa con ra khỏi đồn cảnh sát, cuối cùng tôi cũng hiểu: Tại sao nên trở thành một bậc cha mẹ khó tính

Đêm hôm kia, tôi đang làm thêm giờ thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đồn cảnh sát, nói rằng con trai tôi và hai bạn cùng lớp bắt nạt một nam sinh lớp dưới. Tôi không tin nổi, cúp điện thoại và lao lên xe. Trên đường đi tôi cứ nghĩ mãi: “Con trai vốn luôn thành thật và thân thiện, sao có thể bắt nạt người khác, chứ đừng nói đến một bạn học chưa hề quen biết”.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều tình huống, có thể là hiểu lầm, có thể là mâu thuẫn nhỏ do tai nạn, có thể là bạn đã làm điều gì chọc giận con trai tôi, có thể con chỉ tham gia chứ không làm gì cả. Tuy nhiên, điều tôi không bao giờ mong đợi đã đến: Con trai tôi hóa ra là người duy nhất ra tay trong vụ việc này. Hai người bạn cùng lớp còn lại chỉ đe dọa bằng lời nói.

Tôi quay lại nhìn đôi vai con trai đang run lên vì sợ hãi, sau khi xác nhận một lần nữa xem con có làm gì không, tôi đỡ con lên, cúi đầu chân thành xin lỗi nạn nhân và bố mẹ cháu. Cuối cùng, phụ huynh đã chấp nhận lời xin lỗi của chúng tôi.

Trên đường cùng con về nhà, cuối cùng tôi không khỏi thốt lên câu hỏi: “Con trai, mẹ không tin con lại tùy tiện bắt nạt bạn. Hôm nay xảy ra chuyện gì vậy?”.

Khoảnh khắc đưa con ra khỏi đồn cảnh sát, cuối cùng tôi cũng hiểu: Tại sao nên trở thành một bậc cha mẹ khó tính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không ngờ, tôi vừa dứt lời, con trai đã òa khóc: “Dạ… Con xin lỗi mẹ, con thực sự không muốn đánh cậu bé đó. Con hoàn toàn không biết cậu ấy. Sau giờ học, Trần Lĩnh và Tiểu Minh nói rằng con là một kẻ hèn nhát. Khi con cãi lại, họ hỏi con có dám đánh cậu bé này không. Con không muốn bị gọi là kẻ hèn nhát nên đã ra tay”.

Sau khi nghe con kể lại, tôi cảm thấy tức giận và tiếc nuối: Tôi tức giận vì con trai tôi đã làm sai điều gì đó để được người khác chấp nhận, tôi hối hận vì đã không dạy trước cho con trai mình cách chọn bạn bè xung quanh.

Hãy làm bậc cha mẹ “hợm hĩnh” khi nói về chuyện kết bạn của con mình

Sau sự việc này, cuối cùng tôi cũng hiểu sâu sắc lý do tại sao Giáo sư Lý Mai Cẩn khuyên mọi người nên trở thành những bậc cha mẹ “hợm hĩnh” khi nói về chuyện kết bạn của con mình. Hãy chọn lọc, đừng để con chơi với ai cũng nghĩ “còn nhỏ, lo gì”.

Sau khi về nhà, tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc với con. Vì mục đích này, tôi đã kiểm tra rất nhiều thông tin và kết quả rất ngạc nhiên: Dữ liệu cho thấy phần lớn tội phạm ở tuổi vị thành niên là do tình bạn “bất cẩn”.

Tôi nhớ một cảnh sát trẻ cũng chia sẻ về vụ bắt nạt học đường. Trong số hơn 10 trẻ tham gia bắt nạt, có 6 trẻ hoàn toàn không quen biết nạn nhân và không biết tại sao lại đánh họ, chúng chỉ đấm đá một người lạ vì lòng trung thành với bạn bè.

Điều đáng sợ hơn nữa là: Ngoài đời, có rất nhiều đứa trẻ không thể phân biệt được giữa “tình bạn chân chính” và “lòng trung thành”: Một số trẻ bị bạn bè dụ dỗ nói dối cha mẹ để xin tiền; Một số trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu của bạn bè và học cách trốn học, lười biếng; Một số trẻ sẽ bị bạn bè tống tiền và kiểm soát bằng “tình bạn”.

Có một loại áp lực gọi là áp lực ngang hàng. Nó đề cập đến việc trẻ em vô thức hoặc bị buộc phải làm điều gì đó để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa và tỏ ra hòa đồng, bất kể điều đó đúng hay sai và liệu chúng có cần làm những thứ này hay không.

Quá trình lớn lên của mỗi đứa trẻ không thể tránh khỏi chủ đề “kết bạn”. Chỉ là tâm trí trẻ chưa trưởng thành, quan điểm sống chưa hình thành đầy đủ, thiếu nhận thức và khả năng lựa chọn bạn bè, nếu không cẩn thận có thể gặp phải tình bạn độc hại và lạc lối.

Vì vậy, khi nói đến việc kết bạn, chúng ta phải là những bậc cha mẹ “hợm hĩnh”, giúp con thoát khỏi những người bạn kém cỏi và tạo dựng một vòng bạn bè chất lượng cao.

Quy tắc kết bạn 3 xa, 3 gần

Có lần tôi đọc được câu này: “Hãy kết giao với những người thông thái, đi cùng những bậc thầy, ở cùng phòng với những bậc hiền nhân và mượn trí tuệ của người khác để đạt được thành công cho riêng mình”.

Muốn con trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, chúng ta phải dạy con “Ba xa ba gần” ngay từ khi còn nhỏ.

1. Hãy tránh xa những người bạn có hành vi và thói quen xấu, thân thiết với những người có hành vi và thói quen tốt

Bạn bè cùng trang lứa có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Chỉ bằng cách khuyến khích trẻ kết bạn với những người có tư cách tốt, thói quen tốt thì trẻ mới tránh được những thói quen xấu và trở thành người tốt hơn.

Một trong những đối tượng bạn bè có thể kết giao đó chính là những người bạn ngoan ngoãn, biết chăm sóc, quan tâm hiếu nghĩa với cha mẹ. Theo đó, hãy tránh xa những người bạn thường xuyên cãi hay nói nặng lời với bậc sinh thành. Ngoài ra, một mẫu đối tượng bạn khác cũng nên dạy con từ chối kết bạn đó là những người hay nói dối, lươn lẹo. Khi tiếp xúc với những người bạn này một thời gian lâu dài, trẻ sẽ dễ học tính xấu, dễ sa vào lợi ích trước mắt mà quên đi lòng tự trọng, nguyên tắc phải – trái trong đời sống.

2. Hãy tránh xa những người bạn tiêu cực, lười biếng, phàn nàn và ở gần những người bạn tích cực

Tôi đã đọc câu chuyện này: Có một cặp anh em sinh đôi với những tính cách rất khác nhau, người anh bi quan và thích phàn nàn khi mọi việc không như ý muốn, người em là người lạc quan và luôn nhìn thấy mặt tích cực. Cha mẹ của họ muốn trung hòa tính cách của các con nên đã chuẩn bị nhiều món quà khác nhau vào ngày sinh nhật:

Họ đã chuẩn bị một chiếc xe đạp mới toanh cho cậu anh trai và một thùng phân ngựa bốc mùi cho đứa em. Kết quả là cậu anh trai đã bật khóc khi nhìn thấy món quà của mình: “Con không thể đi xe đạp, bên ngoài tuyết đang rơi rất nhiều”. Khi người em mở quà ra nhìn thấy mùi phân ngựa thì vui mừng reo lên: “Nói nhanh cho con biết, cha mẹ giấu con ngựa ở đâu?”.

Bạn thấy đó: Đối với một đứa trẻ lạc quan, tích cực thì dù ngoài trời mưa thì trong nhà vẫn luôn có nắng. Đối với một đứa trẻ thụ động, lười biếng, hay phàn nàn thì dù ngoài trời nắng đẹp nhưng trong lòng vẫn có mây đen.

Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra: “Con người là loài động vật duy nhất có thể nhận biết tín hiệu. Những gợi ý tích cực sẽ tác động tốt đến trạng thái cảm xúc và sinh lý của con người, khiến họ cảm thấy vui vẻ và làm việc chăm chỉ; Những gợi ý tiêu cực sẽ khiến mọi người vô thức bị bao phủ trong sương mù và mất tinh thần chiến đấu”.

Khi con chúng ta kết bạn với những đứa trẻ lạc quan và tràn đầy năng lượng tích cực thì những gì trẻ nhìn thấy và cảm nhận cũng vui vẻ, tích cực và mạnh mẽ. Nếu kết bạn với những đứa trẻ tiêu cực, lười biếng và đầy năng lượng tiêu cực thì những gì nhìn thấy và cảm nhận sẽ đen tối, nhàm chán.

Trầm cảm và suy sụp có tính lây lan, sự lười biếng và tính xấu có tính ăn mòn. Những phẩm chất của bất cứ ai mà con cái chúng ta chọn ở cùng sẽ đi vào tâm trí và trái tim của chúng.

3. Hãy tránh xa những người cản trở con phát triển và ở gần những người đồng cảm với con

Chúng ta phải nói với con mình càng sớm càng tốt: Hãy tránh xa những người bạn luôn lợi dụng, đòi hỏi đủ thứ từ con mà không chịu cho đi và ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con. Họ là những chướng ngại vật trên con đường phía trước của con. Chỉ bằng cách tránh xa sớm và từ bỏ một cách dứt khoát, con mới có thể tiến về phía trước.

Chúng ta không thể ép con không được kết bạn. Những gì chúng ta có thể làm là: Hãy quan tâm kịp thời đến những người bạn xung quanh con, đồng thời khi con gặp phải những “người bạn độc hại” hãy kịp thời nhắc nhở con đề phòng và tránh xa.

Tôi nhớ Giáo sư Lý Mai Cẩn từng nói trong một bài giảng: “Nếu bạn lo lắng con mình có bạn bè lộn xộn, có thể dễ dàng giải quyết vấn đề đó bằng một bữa ăn. Khi con sinh nhật, hãy tổ chức một buổi họp mặt gia đình và mời tất cả những người bạn thân nhất của con đến nhà thay vì nhà hàng.

Bởi vì khi được gọi đến nhà, bạn có thể tranh thủ trò chuyện cùng các con trong lúc nấu nướng, có thể hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của từng đứa trẻ. Nếu phát hiện ra trẻ có bạn xấu, chúng ta không được đổ lỗi ngay tại chỗ cho bạn của trẻ làm trẻ xấu hổ, cũng không nên la mắng hay ra lệnh cho trẻ chấm dứt quan hệ. Bởi vì mọi đứa trẻ đều có quyền chủ động lựa chọn bạn bè. Nếu chúng ta mạnh tay ra lệnh, rất dễ khơi dậy tâm lý nổi loạn của con và khiến mọi chuyện đi ngược lại ý định ban đầu của chúng ta.

Cách tốt nhất là:

Đầu tiên, hãy tôn trọng quyền lựa chọn bạn bè của con, đừng phán xét bạn bè của con một cách tùy tiện và hãy bình tĩnh trao đổi: “Tại sao con lại kết bạn với đứa trẻ này?”. Chỉ khi giành được cơ hội nói chuyện, chúng ta mới có thể hiểu được nhu cầu tâm lý kết bạn của con.

Thứ hai, có thể cho trẻ kể một số chi tiết, cảm xúc về tình bạn này. Nếu trẻ cảm thấy không tốt hoặc có khuynh hướng xấu, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để nói với trẻ một số nguyên tắc và nhận thức đúng sai khi kết bạn, chẳng hạn như: Đừng kết bạn theo cách tâng bốc; Dũng cảm nói không với những yêu cầu vô lý; Tránh xa những người yêu cầu con làm những việc phi pháp hoặc nguy hiểm; Hãy tránh xa những người bạn không tôn trọng mình, lợi dụng con, ghen tị, tấn công, đe dọa và thao túng con…

Là cha mẹ, chúng ta đôi khi phải học cách “hợm hĩnh”, “làm cao” để dạy con sàng lọc bạn bè, tránh xa “những người bạn độc hại”. Miễn là con cái chúng ta có những nguyên tắc và điểm mấu chốt về tình bạn cũng như ý thức rõ ràng về đúng sai, chúng ta sẽ không lo lắng về việc con cái bị ảnh hưởng bởi “tình bạn độc hại”.

* Tâm sự của một bà mẹ ở Trung Quốc đang thu hút sự chú ý.

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x