Image Alt

ᴍTintuc

  /  Đời sống   /  Những câu chuyện nhảm nhí chúng ta tự kể cho mình

Những câu chuyện nhảm nhí chúng ta tự kể cho mình

Tôi không xem TV nhiều, nhưng tôi đã xem từng tập phim của Mad Men. Tôi luôn nhận thấy bộ phim này mang lại góc nhìn thật hấp dẫn về tâm lý con người.

Phim lấy bối cảnh những năm 1960, ở Đại lộ Madison, New York và xoay quanh sự lên ngôi và sụp đổ của công ty quảng cáo uy tín Sterling Cooper. Nhân vật chính là Don Draper, một thành viên hợp danh và là giám đốc sáng tạo của công ty.

Don có nhiều bí mật – về danh tính, chuyện ngoại tình, và gia đình. Anh cũng là một giám đốc điều hành xuất sắc, lôi cuốn, và đôi khi tàn nhẫn. Anh ấy biết làm thế nào để đạt được kết quả, và dù cho không phải lúc nào cũng được thích, Don vẫn được mọi người từ những người cấp dưới đến đối thủ của mình dành cho sự tôn trọng không nhỏ.

Có lẽ điều thú vị nhất của bộ phim này là nó rất ít được điều khiển bởi yếu tố cốt truyện. Hầu hết thời gian, phim không tạo ra sự hào hứng cho người xem. Những nhân vật trong phim cùng những quyết định, sự phức tạp trong tính cách và cuộc sống của họ mới là thứ định hình câu chuyện. Đặc biệt là Don, anh ta làm tôi nhớ đến người nào đó từ một cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky.

Trong suốt các mùa của series này, chúng ta thấy lỗi lầm và tài năng của anh ta; chúng ta tiếp xúc với nỗi tức giận và sự lãnh đạm của anh ta; chúng ta cảm nhận được tác động của những lời nói dối, và chúng ta cũng thấy lay động trước những gì đã được làm nên bởi sự chu đáo của Don. Đó quả là một hành trình khám phá một bản thể với những bước tiến triển nhưng có lẽ, quan trọng hơn, đó là bức khảm về những cuộc đời có liên quan đến nhau.

Don và nhân vật Peggy Olson làm nên một mối quan hệ trung tâm trong bộ phim. Ban đầu Peggy được tuyển dụng làm thư ký cho Don, nhưng theo thời gian, đạo đức làm việc cùng sức sáng tạo của cô được Don ghi nhận, và cô trở thành copywriter nữ đầu tiên tại công ty kể từ Thế chiến II. Cuối cùng, đó là một mối quan hệ giữa hai người ngang nhau và anh tôn trọng cô với vai trò điều hành.

Tuy nhiên, có một phân cảnh giữa hai người họ trong phần 2 mà tôi tin là đã nắm bắt được phần nào về yếu tố khiến cho toàn bộ bộ phim trở nên chân thực và cực kỳ hấp dẫn.

Vào cuối mùa đầu tiên, Peggy sinh em bé sau một cuộc tình chớp nhoáng với đồng nghiệp. Nó không phải là một đứa trẻ cô ấy muốn có. Trong hoàn cảnh của cô ấy, sống trong xã hội thời đó, một mình nuôi đứa con ngoài giá thú, không phải là điều lý tưởng. Nhưng cô ấy phải đưa ra lựa chọn, và lựa chọn ấy là gì thì chúng ta vẫn chưa được rõ.

Phần 2 lấy bối cảnh khoảng một năm sau khi kết thúc phần đầu tiên, chúng ta biết rằng Peggy vừa trở lại làm việc. Khi cô vắng mặt, gia đình cô đã dựng lên một câu chuyện giả để che giấu cho cô, nhưng chúng tôi không được thấy những gì xảy ra trong thời gian đó cho tới phân cảnh hồi tưởng mở ra. Ở đó, vì không tin vào câu chuyện trên, Don đã cất công đi tìm hiểu.

“Có phải là anh đó không?” Cô ấy hỏi khi thức giấc trên giường bệnh. “Thật sự là anh sao?”

“Đúng vậy. Là tôi đây.” Don nói.

“Sao anh lại ở đây?”

“Cô được thăng chức và rồi biến mất. Quà Giáng sinh dành cho cô vẫn ở trên bàn làm việc. Tôi gọi đến nhà cô. Cô bạn cùng nhà cho tôi số điện thoại mẹ cô.”

“Ôi trời.” Peggy gượng dậy.

“Mẹ cô nói rằng cô đang phải cách ly. Bệnh lao. Tôi đoán nói như vậy là để tôi bớt bận tâm.”

“Tôi xin lỗi.”

“Cô làm sao vậy?”

“Tôi không biết.”

“Họ muốn cô làm gì?

“Tôi không biết.”

“Cô có biết”. Don nhìn thẳng vào mắt cô ấy. “Làm đi. Cứ làm theo bất cứ điều gì họ nói.

Peggy không đáp lời. “Peggy, nghe tôi nói,” Don tiếp tục, “ra khỏi đây và tiến về phía trước. Việc này chưa từng xảy ra.”

Don ngừng lại một chút rồi nói tiếp “Rồi sẽ có ngày cô cảm thấy sốc, vì chuyện này chưa từng xảy ra.” (Original: “It will shock you how much this never happened.”)

Cảnh phim khép lại cùng với đó. Trong sáu mùa tiếp theo sau, chúng ta không bao giờ nghe một lời nào về toàn bộ sự việc này.

Nhà văn Joan Didion mở đầu tuyển tập các bài tiểu luận của mình, The White Album bằng một sự thật cơ bản: “Chúng ta sống nhờ những câu chuyện ta tự kể cho bản thân.”

Nó như là một lời tuyên bố, đơn giản mà sâu sắc. Chúng ta sống trong một thế giới vô định, một thế giới lộn xộn và chúng ta tạo ra những câu chuyện kể có tính ổn định, dễ dàng để có thể hiểu nó. Chúng cho ta thứ để bám vào trong một hiện thực chẳng có sẵn một nền tảng phổ quát cho tất cả chúng ta đứng lên trên đó.

Nếu không có điều đó, cuộc sống của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì. Những ký ức sẽ trở nên vô nghĩa. Sẽ không tồn tại một trật tự nào. Nếu không chuẩn bị trước cho điều đó, chúng ta sẽ đáp mình xuống một nơi luyện ngục tinh thần, nơi mà điều có nghĩa và điều vô nghĩa khó mà phân định, đủ để đánh bay sự tồn tại của chúng ta bằng nỗi sợ hãi.

Tuy nhiên, ta cần nhớ một điều quan trọng là những câu chuyện này hữu ích nhưng không phải là thật. Chúng là những mô hình đã được đơn giản hóa mà chúng ta tạo ra để hiểu thế giới. Chúng ta đã quyết định tạo ra một nguyên nhân và một kết quả trong một chuỗi các sự việc, nhưng không vì thế mà những mối quan hệ này tồn tại một cách vững chắc trong đời thực. Trên thực tế, hầu hết chúng đều không tồn tại, hay ít nhất là không tồn tại theo cách chúng ta vẫn nghĩ.

Đây là thứ được gọi bằng cái tên “ngụy biện tường thuật” (narrative fallacy). Bộ não của chúng ta không tránh được việc nhìn vào loạt thông tin – vốn thường có các mối quan hệ nguyên nhân – kết quả vô cùng phức tạp – và tạo ra sợi dây kết nối giản đơn, có tính hợp lý. Hệ quả là, chúng ta nhầm tưởng, gán vào đó những ý nghĩa trong khi thực tế là chẳng có gì cả. Hay như Joan Didion sau này đã thể hiện một cách hung hồn trong bài tiểu luận của mình:

“Chúng ta tìm kiếm bài giảng từ các vụ tự tử, bài học xã hội, đạo đức từ vụ giết năm người. Chúng ta diễn giải những gì ta thấy, lựa ra cái dễ làm nhất trong nhiều lựa chọn. Chúng ta, đặc biệt là các cây viết, sống hoàn toàn dựa vào việc áp đặt một dòng tự sự lên những hình ảnh khác hẳn nhau, bằng những “ý tưởng” – “ý tưởng” chúng ta đã học cách dùng để làm đóng băng những ảo ảnh đang dịch chuyển trong khi chúng vốn dĩ mới là trải nghiệm thực sự.”

Việc làm này chứa đựng một sự nguy hiểm rõ ràng. Câu chuyện của chúng ta càng tách rời khỏi hiện thực, chúng ta càng có khả năng đặt mình vào những tình huống gây ra xung đột. Thế giới này, suy cho cùng, chẳng quan tâm những suy tư và cảm xúc của chúng ta và nó cũng chẳng ngần ngại trừng phạt chúng ta nếu ta không từ bỏ việc cản trở nó vận hành.

Nhưng, khó thấy hơn và có lẽ quan trọng hơn, có một nguy cơ thật sự khi tạo ra ý nghĩa cho một câu chuyện chẳng những sai mà hơn nữa, còn gò bó cái nhìn của ta về bản thân mình vào một cái hộp chật chội để đến nỗi ta giới hạn đi những khả năng chúng ta có ngay trước mắt. Nếu câu chuyện ta vẽ ra cứng nhắc, với những mối liên kết đã đóng băng mất rồi, thì con đường phía trước cũng sẽ cứng nhắc tương tự thế.

Nếu bạn nhìn mình như một người đã từng gặp nhiều quá nhiều trắc trở, có khi đó cũng đang là câu chuyện sẽ dẫn dắt tương lai của bạn. Nếu bạn nhìn nhận sự chịu đựng và nghịch cảnh luôn là những sợi chỉ kết nối các sự kiện trong đời bạn với nhau, có vẻ như những gì xảy ra trong tương lai cũng sẽ bị chi phối bởi cách diễn giải tương tự mà thôi, dù chúng xảy ra đúng là do vậy một cách khách quan, hay là không.

Tất cả chúng ta đều sống với một bản thể, được vận hành nhờ vào một dòng chảy của những ký ức. Những ký ức ấy được đan kết với nhau để tạo ra nhân vật tưởng tượng của chính nó, sống trong bộ phim của chính nó.

Nhưng, cuộc sống không phải là một bộ phim. Sự lầm lẫn sẽ chỉ dẫn tới những nỗi đau không đáng có.

Khi tôi lần đầu tiên hiểu ra được cảnh phim giữa Don và Peggy, dĩ nhiên tôi đã rất kinh ngạc về sự táo bạo của nó, nhưng tôi cũng có một chút khó chịu. Theo như trí nhớ của tôi, khán giả chúng ta không được biết thêm bất kỳ điều gì rõ ràng về những gì đã xảy ra với đứa trẻ đó. Mặc dù vậy, chuyện chắc chắn không thể dễ dàng như gạt bỏ đi và chỉ việc quên luôn cả một tập phim đã diễn ra, phải không?

Một người mẹ có liên kết sinh học với đứa trẻ mới chào đời. Xé bỏ đi hoàn toàn sự kết nối ấy mà không có một chút dấu hiệu của sự đau khổ nghe có vẻ là một dạng đàn áp tâm lý không hề lành mạnh. Trên thực tế, việc Peggy đã dành ra hẳn độ một năm xa công việc sau khi sinh con. Điều cho thấy cô ấy thuộc về nhóm những người khó có thể cho qua điều đó một cách dễ dàng.

Có thể họ đã nhầm, có thể trong đời thật, mọi việc không diễn ra như thế.

Nhưng cứ nghĩ mãi, tôi dần nhận ra họ đã thể hiện đúng một cách hoàn hảo. Biến sự việc về đứa trẻ trở thành một phần câu chuyện cuộc đời sẽ là một việc thường tình, một việc được coi là lẽ thường đối với hầu hết mọi người trên thế giới này. Nhưng những nhân vật trong phim này, họ khác, và Peggy khác, và dù đúng là cách cô ấy đối mặt với nó không phổ biến, nó cũng không kém chân thật hơn.

Cô ấy đã có thời gian để đối mặt với nối đau. Cô ấy đã tê liệt trước tình huống đó, có lẽ trong suốt nhiều tháng trời, cho tới khi Don tới gặp để nói chuyện. Cô ấy nhận ra sức nặng của hoàn cảnh của mình và còn lẩn trốn vì xấu hổ và sợ hãi.

Tuy nhiên, tới một lúc, khi có một sự giúp đỡ, cô cũng nhận ra rằng, tương tự như việc cô có thể gán ý nghĩa cho một tình huống như vậy, theo thời gian, cô cũng có thể loại bỏ ý nghĩa đó đi và chuyển cuộc sống của mình theo hướng tốt hơn. Câu chuyện ban đầu cô tự nói với mình không đi theo hướng tuần tự, tuyến tính như cô nghĩ, và cũng không cần phải như vậy.

Sự thật là vũ trụ – và thế giới nhỏ bé của chúng ta trong đó – là một mớ hỗn độn. Chúng ta dù có cố gắng cũng không thể thấu hiểu nó hoàn toàn. Các nguyên tử va chạm, các ngôi sao nổ tung, và cuối cùng, ở đâu đó trong một chuỗi nguyên nhân – kết quả vô tận, một cái gì đó xảy ra làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta một cách vô lý.

Nếu có thấy việc xảy ra mang ý nghĩa gì, hay mong muốn nó có một ý nghĩa gì thì đó thì cũng là điều tự nhiên. Và điều tự nhiên hơn cả là định nghĩa bản thân bạn bằng một câu chuyện nơi một sự việc là lời giải thích.

Điều này phần nhiều có ý nghĩa, và nó thậm chí có thể hữu ích. Nhưng, đến một lúc nào đó, bạn phải nhận ra rằng việc xảy ra chỉ đơn giản xảy ra thôi, một thông tin chỉ là một thông tin, và giống như việc các sự kiện, thông tin có thể tồn tại trong sự kết nối với nhau, chúng cũng có thể tồn tại một cách độc lập. Và trên thực tế, hầu hết chúng vốn dĩ là như thế, và chẳng có vấn đề gì khi ta hành xử dựa trên nhận thức ấy.

Đôi khi, nỗi đau khủng khiếp mà bạn phải đối mặt và cuộc đấu tranh mà bạn phải chịu đựng không phải là một bài học sâu sắc, cũng không phải là một điều định nghĩa con người bạn. Nó chỉ là một ký ức mơ hồ về một sự việc và kéo theo một cảm giác, và nó nằm trong quá khứ, vậy thôi.

Điều này nói thì dễ hơn làm, và đối với một số người, thật sự không dễ dàng gì. Nhưng cũng không phải không thể làm. Thực ra, nó chính là thứ kìm hãm hầu hết mọi người, ngăn họ đến nơi họ muốn đến, khiến họ mắc kẹt trong cái mương được tạo hình từ câu chuyện họ chọn để định nghĩa cuộc đời mình.

Có cả một khoảng trời đầy tiềm năng phía trước chúng ta, và có vô số luồng xác suất dẫn ta đến một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, cách duy nhất để khai thác được nó là thoát khỏi các nhà tù mà chúng ta tự tạo ra cho mình.

Con người vốn kiên cường; bạn kiên cường. Chúng ta không cần đến một câu chuyện để trói buộc mình.

Linh Khanh Nguyen

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x