Một độc giả tên là Vân đã gửi tin nhắn cho chúng tôi, kể về một câu chuyện trong đợt dịch bệnh này. Vào hôm mùng 5 Tết, Vân đã bảo chồng mình đi mua khẩu trang. Người chồng quay về nói rằng đã đi mấy hiệu thuốc rồi mà vẫn không mua được, nhưng không sao cả, không ra ngoài là được, cần mua thức ăn thì để anh ta đi là được rồi.
Vân rất cảm động, mặc dù bình thường không rõ anh ta đối xử với cô thế nào nhưng lúc này đây anh ta vẫn rất có trách nhiệm.
Ăn cơm trưa xong, chồng cô nói muốn đi thăm bố mẹ anh ta, năm nay chưa qua thăm gia đình nên cứ thấy không yên tâm.
Nhà đẻ với nhà chồng của Vân đều khu bên cạnh nhau, một cái ở phía Đông, một cái ở phía Tây. Lúc mua nhà cũng đã xem xét để tiện quan tâm chăm sóc cho cả hai bên gia đình.
Cô ấy cùng đi cùng xuống tầng với chồng, mỗi người sẽ tự về nhà mình để thăm bố mẹ. Vân đi được một đoạn rồi mới chợt nhớ ra quên mang theo túi thuốc mua cho mẹ từ năm ngoái nên đành quay về lấy.
Nhìn xa xa, cô bỗng thấy anh chồng đang xách một túi đồ từ chỗ cổng siêu thị trong khu nhà mình ra, lại còn đeo cả khẩu trang, rồi mới đi đến nhà thăm mẹ anh ta.
Vân cảm thấy rất khó hiểu, chẳng phải anh ta nói rằng không mua được khẩu trang hay sao? Tại sao vừa mới tách ra một tí mà đã có để đeo rồi? Hay là trong siêu thị này bán?
Cô ấy đi vào trong hỏi thử, họ trả lời là không bán. Vân càng nghĩ càng thấy bực bội, chờ lúc chồng về nhà cô ấy đã lén lục túi áo anh ta, lôi ra được một cái khẩu trang còn nguyên trong túi bóng chưa xé ra dùng.
Cô ấy cầm đi hỏi chồng mình đầu đuôi câu chuyện, mới đầu anh ta nói là lấy từ chỗ bố mẹ anh ta, sau đó Vân lại hỏi anh ta rằng cô thấy anh ta đeo khẩu trang từ lúc đang trên đường đến nhà bố mẹ cơ mà, giải thích thế nào đây?
Anh ta đành phải nói thật: lúc sáng đi mãi mà không mua được cái khẩu trang nào, trên đường đi có người tốt bụng phát miễn phí, nhưng mỗi người chỉ được lấy nhiều nhất là 2 cái, anh ta lấy ở chỗ đấy. Không phải chỉ là một cái khẩu trang thôi ư, có cần thiết phải tranh cãi gay gắt thế không?
Vân không cãi nhau với anh ta nữa nhưng đã trong lòng đã có chủ định rồi. Cô ấy nói rằng, lấy nhau mười mấy năm, người đàn ông này làm cái gì cũng giấu giấu diếm diếm, chưa bao giờ đối xử thật lòng với cô.
Không phải cô không nghĩ đến việc li hôn nhưng bố mẹ cô đều khuyên rằng “Tính nó thế, không phải người xấu, không ngoại tình cũng không đánh vợ, hôn nhân là chuyện lớn của đời người, ở đâu ra kiểu muốn ly hôn là ly hôn.”
Cô ấy cũng sợ con trẻ bị tổn thương nên luôn bù đắp cho nó. Một cái khẩu trang khiến cho Vân nhìn thấu được lòng dạ của chồng mình. Nếu như gặp phải nguy hiểm gì anh ta chắc chắn sẽ không quan tâm đến cô.
Đợi qua đợt này cô sẽ ly hôn với anh ta, anh ta tuyệt đối không phải một người đáng để cô tin cậy dựa dẫm vào. Có người nói, “khó khăn, hoạn nạn giống như một cái gương vậy, là người hay là ma chỉ cần soi một cái là biết ngay.”
Thật vậy, đợt dịch bệnh này không những chỉ ra được nhiều bản chất tốt và xấu của con người, mà còn soi ra được rất nhiều bộ mặt thật của hôn nhân.
Tôi còn đọc được một câu chuyện trên mạng. Một cặp vợ chồng đã ly thân vài năm, người chồng đi từ Vũ Hán về, tự giác lên phường báo cáo tình trạng bản thân, bộ phận kiểm soát dịch bệnh địa phương yêu cầu anh ta tự tiến hành cách ly tại nhà.
Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là do anh ta suốt ngày đi nhậu nhẹt bia rượu với bạn bè nên mới cãi nhau, hai người tách ra mỗi người ở một nhà, ly thân được mấy năm rồi, dù chưa làm thủ tục ly hôn nhưng cũng không khác ly hôn mấy.
Người vợ nghe tin chồng phải cách ly tại nhà riêng, ngày ba bữa cơm đưa tới tận cửa, làm các món thay đổi khác nhau cho anh ta ăn, còn hầm canh, mua thuốc cho anh ta nữa. Còn những người anh em chè chén, rượu thịt của anh ta thì chẳng thấy mặt mũi kẻ nào.
May thay người chồng không sao cả, anh ta đã vượt qua đợt cách ly thời gian ủ bệnh. Qua đợt này anh ta mới biết rằng trên thế giới này người mà có thể tin tưởng dựa dẫm vào nhất, không ai khác chính là vợ mình.
Anh ta đã xin lỗi vợ một cách chân thành, hai người làm hòa với nhau. Khó khăn hoạn nạn mới biết lòng người, ai là người thật tâm đối xử tốt với bạn, lúc này có thể biết rõ.
Một bạn tên Mai từng kể một câu chuyện về thời điểm ba năm thảm họa thiên nhiên ở thế kỉ trước.
Vào thời đó, đến cả rau dưa cũng không đủ để ăn, trẻ con, người lớn đều đói xanh cả mắt.
Một cô hàng xóm không biết lấy đâu ra nửa bát gạo, nấu được một bát cháo đặc thơm lừng, đợi tối chồng về nhà thì để ông ấy ăn.
Người chồng về đến nhà, người vợ gạt ông ấy rằng mình ăn một bát rồi, người đàn ông không tin, đẩy bát cháo đến trước mặt vợ bảo bà ấy ăn đi, ông ấy biết sức khỏe vợ mình rất yếu.
Người vợ không nỡ ăn, để sáng hôm sau hâm nóng lại cho chồng ăn, người chồng không động vào miếng nào, lén phần cháo lại cho vợ làm bữa trưa…
Cứ thế, một bát cháo đẩy qua đẩy lại, ai cũng không nỡ ăn, để đến lúc thiu mất. Cho đến hôm nay, hai ông bà già đã hơn 70 tuổi.
Lần nào nói về chuyện này đều nói một cách rất tự tin, nhờ có bát cháo lót dạ này họ mới vượt qua được cửa ải khó khăn ngày ấy, cũng nhờ có bát cháo này mới biết thế nào là hoạn nạn có nhau, cả đời đều không cãi nhau.
Thời gian gần đây chúng tôi cũng đọc được khá nhiều những câu chuyện giữa hai vợ chồng trên internet:
- Chồng đeo khẩu trang đi mua thức ăn, mua xong về nhà bỏ đồ xuống rồi đi rửa tay. Tôi bắt đầu nấu cơm, anh ấy nấu cùng với tôi, hai đứa nhỏ thì ở trong phòng sách làm bài tập. Giống như vô số những ngày cuối tuần bình thường, thế mà lại tuyệt nhất đấy.
- Tôi nói với bố đứa nhỏ nhà tôi là hiếm khi ba người nhà mình ở nhà cùng nhau nhiều ngày thế mà không cãi nhau. Bố nó nói “hai mẹ con em là cả thế giới đối với anh, được ở cùng với hai mẹ con là anh hạnh phúc lắm rồi, cãi nhau cái gì cơ chứ?
- Sáng ra thức dậy làm cơm cho chồng làm bác sĩ ăn, anh ấy không nỡ để tôi phải dậy sớm, muốn để tôi ngủ thêm một lúc. Tôi lại càng không nỡ để anh ấy ngày nào cũng phải nguy hiểm, vất vả vậy nên cứ ậm ừ cho xong. Nhà là nơi ấm áp nhất, yên tâm nhất, tiếp cho mình nhiều năng lượng nhất.
- Ở nhà mười mấy ngày thế mà không thấy chán, ngày nào cũng nấu đủ loại món ăn khác nhau để ba mẹ con nó ăn, ai cũng béo lên mấy cân, vợ nói rằng sống những ngày tháng tràn đầy tình yêu thế này thì có béo cũng thấy vui.
Cùng nhau hưởng thụ hanh phúc thì dễ, cùng nhau trải qua khó khăn mới khó, nhưng chỉ cần có tình yêu, không có khó khăn nào không vượt qua được cả.
Trong cuốn tiểu thuyết “Khuynh thành chi luyến” của Trương Ái Linh, Bạch Lưu Tô và Phạm Liễu Nguyên thích nhau nhưng mỗi người lại mang những tâm sự khác nhau, đều tính toán để đoạt được những thứ mang lại lợi ích lớn nhất cho mình.
Cuộc chiến đó đã tác thành cho họ, hai người cùng ăn cùng uống trong trong môi trường giành giật nhau từng tí một đó rồi thành ra sống phụ thuộc, nương tựa lẫn nhau. Đến lúc này họ mới thôi phòng bị, cảnh giác đối phương, thành thật đối xử, yêu đối phương thật lòng.
Trong đó có một đoạn thế này: Trong cái thế giới hỗn loạn này, tiền bạc, đất đai, chẳng có gì là tồn tại mãi mãi cả. Chỉ có hơi thở trong lòng ngực cô ấy và người nằm bên cạnh cô ấy là đáng tin thôi.
Tự nhiên cô ấy bò đến bên người Liễu Nguyên, từ bên ngoài ôm lấy người đang nằm trong chăn, anh ấy vươn tay ra khỏi chăn, nắm lấy tay cô.
Họ nhìn rõ, biết rõ, hiểu rõ đối phương hơn ai hết. Chỉ cần sự thấu hiểu đối phương sâu sắc hiện ra trong nháy mắt đó cũng đủ để họ sống hòa thuận bên nhau đến tám năm, mười năm.
Đúng vậy, ý nghĩa lớn nhất của hôn nhân, chính là sự nương tựa lẫn nhau, hai người cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, cũng nhau chống lại mọi hiểm nguy, cùng nhau đối mặt với thế giới lạnh lẽo nhưng cũng không thiếu ấm áp này.
Cùng nhau vượt qua hết cửa ải này đến cửa ải khác, rồi mới thấy được sức mạnh đặc biệt của hôn nhân. Mỗi đôi vợ chồng đi đến cuối đời đều là sống chết có nhau.
Hôn nhân là sự nghiệp cả đời của hai người, phải trao trái tim mình cho đối phương thì mới vận hành tốt được. “Anh yêu em/ Em yêu anh”, chỉ mất 2 giây để nói ra ba chữ này nhưng lại cần dùng thời gian cả đời người để chứng minh.
Vợ chồng có thể sống bên nhau mười mấy ngày thì cũng có thể giữ chắc đối phương đến lúc bạc đầu.
Không ai biết được, ngày mai và điều bất trắc, cái nào sẽ đến trước, tương lai còn dài, không ai chống lại được thế sự vô thường. Bắt đầu một năm 2020 không yên bình này, hi vọng những ai đã trải qua cũng sẽ học được thế nào là trân trọng.
Diệp Thảo