LPBank cho biết tình trạng lừa đảo mạo danh thương hiệu ngân hàng, tổ chức tín dụng đang diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, kịch bản và phương thức tấn công thường xuyên thay đổi.
Tội phạm công nghệ cao tạo ra hàng loạt website, email giả mạo gần giống với website, email ngân hàng, tổ chức tài chính để chào mời các dịch vụ trái phép liên quan đến thẻ tín dụng như: dịch vụ nâng hạn mức, rút tiền mặt, đáo hạn thẻ, chuyển trả góp… Tiếp đó, hướng dẫn khách hàng truy cập website giả mạo, cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm quyền kiểm soát trên thiết bị di động.
“Ứng dụng giả mạo có giao diện khá giống với ứng dụng, website chính thống của tổ chức tín dụng. Các đối tượng giả mạo thường yêu cầu khách hàng đóng một số loại phí để được chỉnh sửa thông tin, duyệt giải ngân khoản vay không có thật nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền” – LPBank cảnh báo.
Một thủ đoạn khác tinh vi hơn là gửi cảnh báo giả ứng dụng ngân hàng, giả màn hình cuộc gọi, tin nhắn dụ khách hàng thực hiện thao tác nào đó, mục đích lấy thông tin đăng nhập, gồm cả khuôn mặt, từ đó vượt qua lớp bảo mật sinh trắc học. “Khách hàng cần cảnh giác nếu thấy dấu hiệu lạ như điện thoại tốn pin, nóng bất thường, hiển thị thông báo lạ, sử dụng nhiều dữ liệu, hay các ứng dụng đòi cấp quyền quá nhiều…” – LPBank khuyến cáo.
Công ty tài chính Home Credit cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới là “vay tiền bằng iCloud”. Thủ đoạn này người vay không cần gặp mặt, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, người dùng chỉ cần có tài khoản iCloud (ứng dụng được tích hợp sẵn trong từng thiết bị Apple, có chức năng quản lý ảnh, tệp, ghi chú,… và các dữ liệu khác) và có thể vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một cách dễ dàng.
“Khách hàng được yêu cầu đăng nhập và đồng bộ tài khoản iCloud do đối tượng cung cấp trên điện thoại của nạn nhân trước khi làm hợp đồng vay. Sau khi làm theo yêu cầu, khách hàng sẽ bị đối tượng chiếm dụng quyền kiểm soát điện thoại và các dữ liệu cá nhân, không được giải ngân như hứa hẹn và bị đòi tiền chuộc để lấy lại quyền kiểm soát điện thoại” – Home Credit cảnh báo.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dù liên tục cảnh báo nhưng vẫn rất nhiều người bị lừa mất tiền từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và đánh vào tâm lý của người dùng.