Thế là tôi đã quay trở lại cuộc đời làm công ăn lương. Tôi có một công việc tự do (gig) đem lại thu nhập cao trong ngành kĩ sư. Có vẻ như sau 9 tháng du lịch, cuộc sống của tôi lại trở về bình thường. Quãng thời gian 9 tháng đó tôi đã sống rất khác, nên việc đột ngột chuyển về lại lối sống 9-to-5 này đã giúp tôi nhận ra điều gì đó mà trước nay tôi không để ý.
Kể từ thời điểm tôi nhận công việc này, tôi ít cẩn trong hơn trong chuyện tiền nong. Không đến nỗi ngu ngốc, chỉ là tôi rút tiền khỏi ví mau lẹ hơn. Ví dụ nhỏ cho việc này là tôi lại mua những ly cà phê đắt tiền, cho dù chúng không thể sánh được với flat white New Zealand tuyệt hảo, và tôi chẳng được tận hưởng cảm giác được thưởng thức nó trong một patio cafe đầy nắng. Khi không ở đây, tôi bớt bốc đồng trong chi tiêu. Tôi không bàn về những khoản chi lớn, xa xỉ, mà là những khoản nho nhỏ, thông thường, tùy hứng cho những thứ không mang lại nhiều giá trị lắm cho cuộc sống của mình. Trong khi thực chất, tôi vẫn không được trả lương trong vòng hai tuần tới.
Lối sống của bạn đã được thiết kế từ trước
Ngẫm lại thì, tôi vẫn luôn làm như vậy khi tôi có một công việc tốt – chi tiêu một cách vui vẻ trong suốt “các lần xả”. Sau khi dành 9 tháng sống đời ba lô không thu nhập, tôi khó mà không nhìn ra hiện tượng này.
Tôi cho rằng tôi có lối tiêu tiền như vậy vì giờ đây, một vị thế nhất định đã quay trở lại với tôi. Tôi tiếp tục làm công việc chuyên môn, được trả lương cao, và điều này cho phép tôi đạt tới ngưỡng phung phí nhất định. Có một cảm giác quyền lực lạ kì khi bạn bỏ ra vài đồng hai mươi đô mà không chút mảy may suy nghĩ. Sử dụng thứ quyền lực với đồng tiền ấy đem lại cảm giác khá là hay ho, nhất là khi bạn biết rằng sẽ chẳng mấy chốc tiền rồi sẽ “mọc lại”. Mà việc tôi làm cũng không hề cá biệt. Những người khác có vẻ cũng đang làm điều tương tự. Trên thực tế, tôi nghĩ tôi chỉ là đang quay trở về tâm lý tiêu dùng thông thường sau khoảng thời gian tạm rời xa nó.
Một trong những khám phá bất ngờ nhất từ chuyến đi của tôi đó là mỗi tháng đi du lịch nước ngoài (ngay cả những quốc gia đắt đỏ hơn Canada), tôi vẫn tiêu ít tiền hơn cả khi tôi là một người làm công ăn lương khi ở quê nhà. Tôi có nhiều thời gian rảnh hơn, ghé thăm những thắng cảnh tuyệt vời nhất trên thế giới, gặp gỡ những con người mới, tôi bình tâm và mặt khác tôi có được khoảng thời gian đáng nhớ. Thế mà bằng cách nào đó cuộc sống ấy vẫn tiêu tốn của tôi ít tiền hơn cả lối sống khiêm tốn 9-to-5 tại nơi đây, thành phố ít đắt đỏ nhất tại Canada.
Có vẻ đồng tiền của tôi đem lại nhiều hơn tôi trong thời gian đi du lịch. Vì sao vậy?
Văn hóa những thứ không cần thiết
Ở phương Tây này, lối sống chi tiêu không cần thiết đã được cố ý dựng nên và được nuôi dưỡng trong cộng đồng nhờ vào doanh nghiệp lớn. Các công ty ở mọi ngành đều tồn tại dựa trên xu hướng sử dụng tiền một cách bất cẩn của người dân. Bất kể lúc nào họ cũng sẽ tìm cách kích thích thói quen chi tiêu thông thường hay không cần thiết.
Trong phim tài liệu The Corporation, một nhà tâm lý học marketing bàn luận về một trong những phương pháp cô sử dụng để gia tăng doanh số bán hàng. Nhân viên của cô thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng từ hành vi làm nũng của trẻ lên khả năng phụ huynh bỏ tiền mua món đồ chơi cho chúng. Họ khám phá ra rằng 20 đến 40% các khoản chi cho đồ chơi đã không xảy ra nếu đứa trẻ không làm nũng. 1 trong 4 chuyến đi đến các theme parks (các công viên theo chủ đề) cũng vậy. Thành quả của nghiên cứu được phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm trực tiếp đến đối tượng trẻ em, khuyến khích việc các em đòi người lớn mua đồ. Chỉ riêng chiến dịch marketing này đã đại diện cho nhiều triệu dollar đã được chi ra cho những nhu cầu hoàn toàn được trù liệu. “Bạn có thể thao túng để khách hàng thấy muốn, và sau đó là mua sản phẩm của bạn. Đó là một trò chơi.” – Lucy Hughes, đồng sáng tạo “The Nag Factor”.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về việc một điều gì đó vẫn đang diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Các công ty lớn không kiếm tiền nhờ vào việc quảng bá một cách nghiêm túc về những giá trị tốt đẹp mà sản phẩm của họ mang lại. Họ làm điều đó bằng cách tạo ra một nền văn hoá mà ở đó hàng trăm triệu người mua nhiều hơn rất nhiều những gì họ thực cần và dùng tiền để xua đi cảm giác thiếu hài lòng trong cuộc sống.
Chúng ta mua đồ để làm ta vui lên, để chạy theo những người xung quanh để lấp đầy cái nhìn từ hồi bé về thế giới người lớn, để “phát thanh” cho cả thế giới biết về địa vị của bản thân, và vì rất nhiều lý do thuộc phạm trù tâm lý, việc mua đồ không mấy liên quan đến tính hữu dụng của mặt hàng. Có bao nhiêu đồ vật trong nhà bạn mà bạn chẳng hề dùng đến trong năm vừa qua?
Lý do thực sự của khái niệm tuần làm việc 40 giờ
Công cụ tối ưu để các tập đoàn duy trì văn hóa kiểu này là nâng tầm khái niệm tuần làm việc 40 giờ trở thành một lối sống bình thường. Dưới những điều kiện làm việc này, người ta chỉ có thể bố trí cuộc sống vào các buổi tối và cuối tuần. Cách bố trí này tạo ra cho chúng ta một xu hướng theo cách rất tự nhiên, đó là chi mạnh tay vào giải trí và tiện lợi phẩm vì thời gian rảnh quá hạn hẹp.
Tôi mới chỉ quay lại công việc một vài ngày thôi, nhưng đã nhận ra rằng càng nhiều những hoạt động lành mạnh đang dần rơi rụng: đi bộ, tập thể dục, việc đọc, thiền định hay viết lách. Một sự tương đồng dễ thấy giữa các hoạt động này là chúng hầu như chẳng tốn kém tiền của, nhưng cần thời gian. Đột nhiên giờ đây tôi có thêm rất nhiều tiền và mất đi rất nhiều thời gian, điều đó có nghĩa tôi có nhiều điểm chung với một người lao động Bắc Mỹ điển hình hơn tôi của vài tháng trước. Khi tôi ở nước ngoài, tôi sẽ chẳng do dự mà dành cả ngày lang thang trong một vườn quốc gia hay dành vài tiếng đồng hồ đọc sách trên bãi biển.
Giờ đây, chỉ nghĩ tới những việc đó thôi đã cũng đã là sai. Chọn một việc trong số đó để làm thôi cũng đã đủ để lấy đi một ngày cuối tuần quý giá của tôi rồi! Sau giờ làm, về tới nhà, tôi chẳng còn muốn tập luyện. Sau bữa cơm hay trước khi đi ngủ hay ngay khi tôi vừa thức dậy tôi cũng không muốn tập, và đấy lại chính là tất cả thời gian tôi có vào những ngày thường.
Đây có vẻ là một bài toán đi kèm lời giải đơn giản: làm việc ít đi để thời gian rảnh nhiều lên. Tôi đã tự chứng minh cho bản thân rằng, tôi có thể sống một cách trọn vẹn, đem lại cảm giác hài lòng với số tiền ít hơn số tôi đang làm ra ngay lúc này. Thật không may là, điều này gần như bất khả thi trong ngành của tôi, cũng như trong hầu hết các ngành nghề khác. Bạn làm việc 40+ giờ, hoặc là bạn khỏi phải đi làm. Văn hóa ngày làm việc tiêu chuẩn đã được thiết lập vào tâm trí khách hàng và các nhà thầu của tôi một cách vững chắc nên việc đòi hỏi họ không tìm đến tôi sau 1pm là bất khả thi, kể cả trước đó tôi đã thuyết phục được sếp đi chăng nữa.
Nếp làm việc 8 tiếng một ngày được phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh vào thế kỉ 19, như một sự nghỉ ngơi cho công nhân nhà máy, những người mà khi đó đang trong trạng thái bị khai thác/ bóc lột để làm việc 14 hay 16 tiếng một ngày. Khi công nghệ và các phương pháp được nâng cấp, người lao động ở tất cả các ngành có khả năng tạo ra nhiều giá trị hơn trong ít thời gian hơn. Hẳn bạn sẽ nghĩ điều này giúp ngày làm việc rút ngắn lại. Nhưng ngày làm việc 8 tiếng vẫn sinh lời quá tốt cho doanh nghiệp lớn, chẳng phải vì lượng công việc được hoàn thành trong 8 tiếng (lượng thời gian hoàn thành công việc thực sự của một nhân viên văn phòng trung bình là dưới 3 tiếng trong khoảng 8 tiếng đó) mà là bởi nó tạo ra bộ phận công chúng vui-vẻ-nhờ-mua-sắm.
Giữ cho thời gian rảnh hiếm hoi có nghĩa rằng người ta chi nhiều hơn cho tiện lợi, sự hài lòng, và bất kì thứ gì đem lại cảm giác nhẹ nhõm trong khả năng của họ. Nó giữ họ tiếp tục xem truyền hình, cùng các quảng cáo. Nó đảm bảo khi ở ngoài công việc, họ không có tham vọng.
Chúng ta đã được dẫn dắt vào một nền văn hóa được sắp đặt để rồi sẽ mệt mỏi, thèm khát sự nuông chiều, sẵn lòng trả thật nhiều tiền cho sự tiện lợi và giải trí, và quan trọng nhất, bất mãn một cách mơ hồ với cuộc sống để mà tiếp tục mong cầu những thứ mình không có. Chúng ta mua thật nhiều vì lúc nào cũng cảm thấy vẫn còn thiếu cái gì đó. Các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã được xây dựng nên trong một cách thức được tính toán kĩ lưỡng dựa trên khái niệm ban thưởng, thói nghiện, và chi tiêu không cần thiết. Chúng ta tiêu tiền để mua vui, để ăn mừng, để sửa chữa các vấn đề, để nâng cao vị thế, và để làm vơi bớt sự nhàm chán. Bạn có tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả người dân dừng mua tất cả những món thừa thãi, chẳng có giá trị lâu dài trong cuộc sống không? Nền kinh tế sẽ sụp đổ và không bao giờ hồi phục lại.
Tất cả những vấn đề nổi cộm tại Mỹ, bao gồm thừa cân béo phì, trầm cảm, ô nhiễm và tham nhũng là hệ quả từ việc tạo ra và duy trì nền kinh tế hàng tỷ đô la. Để nền kinh tế “khỏe mạnh”, nước Mỹ cần duy trì trạng thái không lành mạnh. Những người khỏe mạnh, hạnh phúc thì không nhiều khi thấy cần những thứ họ không có, và vì thế họ chẳng mua thêm lắm rác, không cần được giải trí nhiều đến thế, và thế nên cũng không xem nhiều quảng cáo.
Văn hóa ngày làm việc 8 tiếng là công cụ mạnh nhất của doanh nghiệp lớn trong việc giữ con người ở nguyên trong trạng thái không thỏa mãn. Ở trạng thái này, cách giải quyết vấn đề là đi mua cái gì đó.
Bạn có lẽ đã nghe đến “Luật Parkinson”, có liên quan đến việc sử dụng thì giờ: bạn được giao càng nhiều thời gian để làm việc gì, thì bạn sẽ càng tiêu tốn thời gian để làm. Sẽ thật bất ngờ về khối lượng công việc bạn có thể hoàn thành trong 20 phút nếu bạn được cho 20 phút mà thôi. Nhưng nếu bạn có cả buổi chiều, khả năng sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Đối với tiền bạc, phần lớn chúng ta hành xử tương tự. Chúng ta càng kiếm được nhiều thì tiêu càng nhiều. Không phải thu nhập tăng kéo theo việc chúng ta tự dưng cần nhiều hơn, mà đơn giản chúng ta làm vì chúng ta có thể.
Tôi không nghĩ bỏ chạy khỏi cả hệ thống xấu xí và đi vào rừng sống, vờ câm điếc là cần thiết. Nhưng rõ ràng chúng ta có thể làm tốt hơn khi hiểu rõ về cái mà thương mại muốn chúng ta trở thành. Họ đã làm việc trong hàng thập kỷ để tạo ra hàng triệu khách hàng lý tưởng, và đã thành công. Trừ khi bạn là một dị nhân đích thực, còn không, lối sống của bạn thực ra đã được định sẵn rồi. Một khách hàng hoàn hảo là người tuy không thỏa mãn, nhưng sống với với hi vọng, không có hứng thú trong việc phát triển bản thân một cách nghiêm túc, gắn chặt với màn hình vô tuyến, làm việc toàn thời gian, kiếm tiền khá tốt, đắm chìm trong thời gian rảnh và bằng cách nào đó xoay sở được để đủ sống.
Đó có phải là bạn không? Tôi đã có thể trả lời là không một cách hùng hồn vào hai tuần trước, rằng đấy không phải tôi. Nhưng nếu tất cả các tuần của tôi đều như những gì đã diễn ra trong tuần này, đó có lẽ là một suy nghĩ viển vông.
Linh Khanh Nguyen