Vụ trường quốc tế phát sách có nội dung 18+: Không phải cứ đạt 1 đống giải thưởng là phù hợp để dạy học sinh!
Chiều 2/5, phụ huynh A.L. đăng tải bài viết trên một hội nhóm dành cho phụ huynh trường quốc tế, phản ánh về việc con chị được giáo viên dạy cho đọc một cuốn sách chứa yếu tố 18+. Cụ thể, trong bài viết này, chị A.L. thông tin cô N.H.Q.G., giáo viên tại trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) cho học sinh đọc cuốn Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian (On Earth We’re Briefly Gorgeous) của tác giả Ocean Vuong để đọc trong kỳ nghỉ lễ.
Theo những hình ảnh do vị phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội, cuốn sách này chứa những đoạn văn mô tả chi tiết về cơ thể người, bộ phận nhạy cảm và các hành động tình dục. Thậm chí, một đoạn văn có cả từ ngữ thô tục để nói về việc quan hệ tình dục nam – nam.
“Bản thân tôi là một phụ nữ ngoài 40, nhưng khi đọc những câu văn này, tôi còn đỏ mặt tía tai, huống hồ gì bé con nhà tôi chỉ là một học sinh lớp 11 vẫn còn non nớt. Tôi ngồi đọc sách cùng con mà giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm như vậy để dạy cho học sinh”, người mẹ chia sẻ.
Ở phần bình luận, phụ huynh đưa ra hàng loạt phản ứng trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng nội dung của cuốn này quá phản cảm, không phù hợp với học sinh lớp 11. Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại cho rằng đây là một cuốn sách hay, được review tốt, học sinh lớp 11 đã 16 – 17 tuổi đã có thể đọc như một cách để giáo dục giới tính.
Được dán nhãn 16+ ở nước ngoài, nhiều trường ở Việt Nam chọn vào mục “sách hay”
Tại Việt Nam, Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian được bán phổ biến ở nhiều nhà sách và các trang thương mại điện tử. Dù có những phần nội dung khá “trần trụi” và nhạy cảm, thế nhưng, ngoài các phần giới thiệu về nội dung, tác giả, giải thưởng, các nhà sách trực tuyến lớn đều không dán nhãn hay có cảnh báo về hạn chế độ tuổi.
Trong khi đó, tên các trang giới thiệu sách ở nước ngoài, sách được dán nhãn 16+.
Trên các trang giới thiệu sách ở nước ngoài, sách được dán nhãn 16+.
Đáng nói, ISHCMC không phải là trường duy nhất giới thiệu Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian cho học sinh. Trong phần giới thiệu sách của một trường THPT tư thục thuộc hệ thống giáo dục nổi tiếng khác, cuốn sách này cũng được dành những lời có cánh.
Hay không có nghĩa là phù hợp
Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian được viết dưới dạng lá thư của đứa con trai gửi người mẹ mù chữ, với hy vọng nếu có kiếp sau thì bà sẽ trở lại và đọc được tâm sự của anh. Cuốn sách nói về tình yêu, gia đình, bản sắc và trải nghiệm của người nhập cư…, được đánh giá là một tác phẩm đáng để cảm nhận và suy ngẫm, nhắc nhở về tình người và những khoảnh khắc thoáng qua nhưng đẹp đẽ trong cuộc đời.
Ngay khi ra mắt, Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian đã trở thành best-seller của New York Times và giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau. Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian cũng được trao giải thưởng Sách hay 2022 ở hạng mục Văn học.
Bỏ qua những vấn đề về tính văn chương, nghệ thuật… nhiều người đánh giá, việc tồn tại những ngôn từ và nội dung dung tục, thô thiển khiến Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian hoàn toàn không phù hợp đưa vào trong môi trường giáo dục thôi để làm tư liệu tham khảo cho học sinh.
Sách được dán nhãn 16+ ở nước ngoài chưa chắc phù hợp với học sinh tuổi 16 trong nước, chưa kể, cũng chẳng có một trường học nào ở Âu Mỹ dạy chính thức một tác phẩm văn học có yếu tố thô tục. Bên cạnh đó, việc nhà xuất bản bỏ qua thao tác gắn nhãn độ tuổi cũng có thể khiến các đối tượng không phù hợp tiếp cận sách. Khi đó, sách không phải mang tác dụng bổ sung kiến thức mà sẽ là “độc dược” cho tinh thần của trẻ.
Nếu cần “vẽ đường cho hươu chạy an toàn” về vấn đề giáo dục giới tính, cha mẹ hay nhà trường có thể có những tiết học, những buổi trò chuyện về việc học sinh quan hệ tình dục cần an toàn, tránh nguy cơ lây bệnh, tránh có thai sớm. Những giờ học về giới tính như thế này sẽ cho học sinh kiến thức đúng đắn và an toàn hơn những nguồn thông tin sai lệch.
Việc nhiều trường học giới thiệu sách cho học sinh mà không tìm hiểu kĩ cho thấy sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của người làm công tác giáo dục. Có khi, chính người giới thiệu cũng chưa từng đọc qua tác phẩm, chỉ bị “ru ngủ” bởi những lời quảng bá, giải thưởng rồi “dúi” vào tay học sinh mà không biết liệu nó có phù hợp với con em mình.
Liên quan đến sự việc nói trên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin Sở đã yêu cầu trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) báo cáo về vụ việc phụ huynh phản ánh con được phát sách chứa nội dung 18+.
Đại diện Sở nêu rằng những phản ánh của phụ huynh học sinh cho thấy nhà trường chưa rà soát kỹ nội dung sách trước khi phát cho học sinh. Do đó, Sở yêu cầu trường khẩn trương kiểm tra lại và báo cáo gấp cho Sở.
Hiện, Sở GD&ĐT đang chờ báo cáo từ phía nhà trường để xác định phản ánh của phụ huynh là đúng hay sai. Khi đó, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo để xử lý vụ việc.