Phải nói rằng, kiểu thiết kế oval của cửa sổ máy bay có tính thẩm mỹ rất cao và trở thành một trong những biểu tượng hình ảnh của loại phương tiện này. Nhưng thực chất, việc thiết kế cửa sổ máy bay hình oval có nhiều mục đích hơn thế.
De Havilland Comet, một thiết kế máy bay phản lực thương mại thời kỳ đầu, có cửa sổ được thiết kế hình vuông. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm kể từ khi được ra mắt, có tới 3 chiếc máy bay De Haviland Comet gặp phải các tai nạn thảm khốc.
Sau vụ tai nạn thứ ba vào năm 1954, các cuộc điều tra xác định rằng cả ba vụ tai nạn đều do khung cửa sổ máy bay bị nứt do thiết kế hình vuông của chúng. Các chuyên gia tiết lộ rằng cửa sổ vuông có tác dụng rất tệ trong việc giảm căng thẳng do áp suất cabin trên máy bay ngày càng tăng khi lên độ cao lớn.
Rõ ràng, độ cao là một yếu tố cần thiết của một chuyến bay thương mại. Khi càng ở trên cao, lực cản sẽ ít hơn, đồng nghĩa với việc sử dụng ít nhiên liệu hơn. Điều đó lý tưởng cho các hãng hàng không vì nó giúp họ tiết kiệm tiền và giảm tác động của chuyến bay đến môi trường. Ở độ cao cao hơn cũng ít nhiễu loạn hơn, giúp chuyến bay được vận hành thoải mái hơn.
Vì nguyên nhân nêu trên, giải pháp của các nhà thiết kế máy bay đưa ra là hoán đổi những cửa sổ hình vuông thành hình oval. Điều này giúp phân bổ đều áp lực tác dụng lên cửa sổ và làm giảm khả năng bị nứt vỡ, giúp máy bay có tính an toàn hơn.
Phần hẹp nhất của hình oval sẽ được thiết kế để đảm bảo đường cong không tạo ra ứng suất không an toàn cho vật liệu xung quanh. Gần đây bắt đầu có một số nhà thiết kế thích lựa chọn hình chữ nhật, nhưng chúng sẽ luôn phải có các góc cong bo tròn ở 4 góc.
Bên cạnh yếu tố tăng cường an toàn, thì dạng thiết kế hình bo tròn này còn một số lợi ích bề ngoài như giúp hành khách có thể có được khu vực quan sát lớn hơn, phù hợp với đa dạng tầm chiều cao khi ngồi của hành khách.