Trong khi nhiều phụ huynh “đau đầu” về chi phí học hành của con, bà mẹ ở Đồng Nai lại có loạt “chiêu” dạy con 0 đồng nghe mà nể
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng từ khi có con, hầu hết tiền bạc đều dành cho việc học hành của con cái, lâu lắm rồi mới sắm cho mình một bộ quần áo, giày dép tươm tất. Để con mình có thể giành chiến thắng ở vạch xuất phát và trở thành người giỏi giang, thành đạt trong tương lai, các bậc cha mẹ thậm chí dốc hơn 100% sức lực và tài lực cho con học đủ thứ ngay từ khi con mới vài tuổi.
Chuyện phụ huynh thỉnh thoảng lên than thở chi phí ăn học của con trên những hội nhóm không hề hiếm. Có thể hiểu lý do tại sao nhiều vợ chồng trẻ chưa dám sinh con khi điều kiện kinh tế chưa vững. Nuôi con rất áp lực, cần nhiều thời gian, công sức.
Tuy nhiên cũng có phụ huynh biết “liệu cơm gắp mắm”, không tốn quá nhiều tiền mà con vẫn có thể tiếp thu kiến thức, trưởng thành tử tế. Chị Mai Phương (36 tuổi) ở Biên Hoà, mẹ của bé Thái Phong 4 tuổi là trường hợp như thế.
Vừa đi làm, vừa cày “job” đêm nhưng bà mẹ này vẫn đồng hành, nuôi dạy con với chi phí 0 đồng. Chị cho rằng, học hành là chặng đường dài, chị sẽ lựa chọn phương án phù hợp với quan điểm giáo dục, tài chính của cha mẹ và khả năng của con.
Bé Thái Phong, con trai chị Phương
1. Cho con học từ trải nghiệm
Chị chọn trường công để tránh bị động chi phí nếu chẳng may gia đình khó khăn. Con mới mầm non nên có cơ hội là chị mang con theo, đây là những buổi ngoại khóa chất lượng khi con được nghe kỹ sư “training”, minh họa về ô tô và các hệ thống tự động mà con rất thích.
Với quan niệm tri thức, nhân cách được hình thành qua nhiều năm chọn lọc và tích lũy, chị sắp xếp cho bé gặp những bạn bè ưu tú của gia đình, để bé có thể hỏi bất cứ điều gì trong lĩnh vực chuyên môn của cô chú.
Ví dụ, cuối tuần mẹ sẽ cho con gặp một bác sĩ rất giỏi, có thể nối lại bàn tay đã đứt lìa/một chú kỹ sư chuyên thiết kế nhà cao tầng/một chú kỹ sư chuyên thi công hệ thống nước thải siêu to khủng lồ cho cả thành phố/một cô bán bánh ngon nhức nách, con muốn hỏi gì thì chuẩn bị.
Chị Phương trang bị cho con niềm đam mê khám phá, công cụ tìm kiếm và kỹ năng tự học suốt đời. Đây là “bộ công cụ” chị đã được mẹ trang bị từ nhỏ, nhờ chúng, chị đã vượt qua được những thời điểm cực kỳ khó khăn, làm được những job mà chị chưa bao giờ nghĩ tới.
2. Có làm thì mới có ăn
Không làm mà muốn có ăn là nguồn cơn của vô vàn tội lỗi. Bé nhà chị Phương từ nhỏ đã nhận thức được việc mẹ phải lao động mới có tiền. Bé được quản lý tiền riêng (1 cái ví 2 ngăn có khoảng 50 ngàn đồng) từ lúc 3 tuổi nên ít đòi mẹ mua linh tinh và mẹ lắc đầu thì thường sẽ không đòi nữa dù rất thích.
Bà mẹ chia sẻ: “Con mình không được thưởng tiền khi làm việc nhà hay được điểm tốt và chắc chắn không bao giờ mình thưởng tiền cho các mục này. Hàng tháng, mình đưa 200 ngàn đồng cho đồng nghiệp của mình nhờ phát “lương ngoan” cho cháu, con ngoan chăm chỉ đi học cho mẹ đi làm, bác trả lương cho con vì con hỗ trợ mẹ trong công việc.
Bé đi giao hàng cùng mẹ, mẹ sẽ cho bé 5 ngàn đồng vì cùng mẹ làm việc tạo ra tiền. Nghĩa là không bao giờ được phép nghĩ đến chuyện lấy tiền từ túi mẹ. Chỉ khi con tham gia trực tiếp vào công việc thì con có tiền, là khách hàng trả cho con, không phải mẹ trả”.
Chị mở 1 tài khoản chứng chỉ quỹ, khi nào bé dư 10 ngàn đồng trở lên sẽ nạp vào cho con xem tiền lên xuống thay vì bỏ heo (chị hướng dẫn cho con khoản nào được phép bỏ quỹ, khoản nào phải bỏ ví dự phòng, vì sao phải tiết kiệm và tiết kiệm thế nào để không ảnh hưởng đời sống).
3. Tận dụng các công cụ giáo dục miễn phí, thường xuyên trau dồi kỹ năng sống
Chị Phương sử dụng Youtube Kid khóa tính năng tìm kiếm, duyệt thủ công từng nội dung (mẹ đã xem trước) và sẽ thu lại ngay nếu phát hiện con sử dụng Youtube thường, tuyệt đối cấm xem Tiktok (điện thoại chị cũng không có Tiktok).
Bà mẹ này lựa chọn các kênh giáo dục chuẩn bằng tiếng Anh chuẩn để con xem, xem kỹ rồi mới duyệt. Con chị Phương hiện có thể giao tiếp một số nội dung đơn giản bằng tiếng Anh/Trung với người Anh/Trung dù không đi học thêm ngoại ngữ. Ngoài ra, bé học chữ, học Toán bằng tiếng anh trên Khan Academy Kid. App miễn phí hoàn toàn.
Kỹ năng phòng chống thất lạc: Bé biết giới thiệu bản thân đơn giản bằng tiếng Anh/Trung, nhớ số điện thoại của 4 người thân + số điện thoại của Phòng Cảnh sát hình sự CA TPHCM (0693.187.200). Ngoài ra, lúc 3 tuổi, chị Phương dạy con cách tìm kiếm nhà mình (bằng giọng nói) trên Google maps (mẹ tạo địa điểm trên Google với cái tên độc nhất, không trùng + số điện thoại của mẹ).
Bé biết quy trình check-in máy bay, tàu hỏa, xe khách, phà, khi đi phương tiện công cộng thì phải làm gì để tự quản lý đồ của mình và không lạc mẹ, nếu lạc thì phải tìm ai, trình bày thế nào (do đã được đi nhiều và mẹ cho diễn tập nhiều lần với các chú công an), biết đường từ ngã tư lớn gần nhất trên quốc lộ 1A về nhà (khoảng 2.5km) vì chị luôn yêu cầu con chỉ đường cho mẹ chạy.
Con phải tự quản hành lý của bản thân (mũ + áo khoác + balo + ví tiền lẻ có khoảng 100 ngàn đồng nếu đi xa) và luôn nhớ rằng dòng cuối cùng của các bảng hiệu gọi là địa chỉ, là nơi con đang đứng. Hãy gọi cho mẹ và đọc dòng chữ đó nếu không may con bị lạc (cháu biết đọc, tuy còn hơi vấp).
Con thường xuyên được cùng mẹ làm việc, bán hàng. “Do ngành hàng của mình rất đặc thù (cả hàng mình bán online và mặt hàng công ty mình kinh doanh) nên khách hàng liên tục hỏi về đặc tính sản phẩm, cách sử dụng… Bé thường xuyên đứng bên mẹ, mọi người thấy bé nhỏ quá nên hay trêu ghẹo, hỏi khó bé, bé được quyền trả lời trong hiểu biết của bản thân (tất nhiên có mẹ bên cạnh vietsub lại cho chuẩn). Đây là cách mình rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp nhận, xử lý, sắp xếp và diễn đạt thông tin cho con”, chị Phương chia sẻ.
Bé Phong cũng thường xuyên được tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm công nghệ mới. Công việc vừa đi làm nhưng kết hợp đi chơi luôn nên coi như đi dã ngoại. Thỉnh thoảng chị Phương đưa con đi bảo tàng, công viên. Vừa chơi vừa chỉ cho con về những thứ xung quanh.
Có thể thấy, dù không chi nhiều tiền cho con học thêm, tham gia các lớp ngoại khóa, các lớp trải nghiệm… tuy nhiên con chị Phương vẫn được trang bị những kỹ năng “xịn xò” nhờ sự đồng hành tuyệt vời của mẹ.