Tranh cãi quan điểm: Nước bạn làm việc thâu đêm suốt sáng, ở mình 5h30p chiều đã chấm vân tay đi về, sơ hở là “chữa lành” thì khó mà phát triển được!
Đời sống công sở, văn hóa đi làm, khả năng thăng tiến, tiền tiết kiệm và đầu tư cho tương lai… chưa bao giờ là chủ đề hết hot. Không chỉ những người làm công ăn lương mà cả những chủ doanh nghiệp cũng có rất nhiều trăn trở khi nhắc đến 2 chữ “đi làm.”
Mới đây, nhiều người dùng MXH đã cùng nhau chia sẻ loạt ảnh: Các thư viện tại Trung Quốc mở cửa xuyên đêm để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên; những tòa nhà văn phòng của thương hiệu toàn cầu như Douyin, Huawei sáng đèn dù đã là 2 giờ sáng…
Loạt ảnh làm việc thâu đêm suốt sáng dấy lên nhiều tranh cãi
Mỗi “tác giả” status có một cách trình bày quan điểm và diễn đạt khác nhau, song, thông điệp chung mà những người đăng tải loạt ảnh này muốn nói ra đó là:
Nhân sự nước bạn đã giỏi lại còn chăm. Nhân sự nước mình đi làm chỉ mong check-out tan ca. Sơ hở là rủ nhau “đi trốn” để “chữa lành”. Vậy bao giờ mới theo kịp người ta?
Nhiều người đi làm thiếu lửa, thích giàu nhưng mê “đi trốn để chữa lành”
Trong những người nằm ở “phe” sống chết hết mình vì công việc, có chia sẻ của Anh Nguyễn Tùng Giang – CEO của G Investment Group và Orson Trading, đồng thời là nhà sáng tạo nội dung số với hơn 25k followers.
Ở góc độ của người làm chủ, anh đưa ra góc nhìn bao quát rằng các doanh nghiệp Việt đã đạt được thành tựu nhất định ở thị trường nội địa, đạt được tăng trưởng tốt trong mảng thời trang hay mỹ phẩm. Song, khả năng “ăn nên làm ra” tại thị trường quốc tế, hay thậm chí là khả năng cạnh tranh lâu dài trên thương trường Việt của các doanh nghiệp kể trên vẫn còn khiến anh nghi ngại.
Tìm hiểu nguyên nhân, anh Giang cho rằng một trong những yếu tố làm hạn chế mức tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của các thương hiệu nói riêng và nền kinh tế Việt nói chung nằm ở “thế hệ hiện tại không đủ máu lửa” – chỉ những người lao động trong thị trường chưa cố gắng và đóng góp hết mình cho công việc.
Anh cũng đăng tải lại loạt ảnh cho thấy khả năng làm việc siêu phàm của thanh niên nước bạn như một cách ngẫm về phong cách làm việc chill chill nhiều người trẻ Việt hiện nay.
Không chê bai cũng không đánh giá, song anh Giang kể ra những tấm gương làm việc mà anh ngưỡng mộ hiện nay, đã được chứng kiến xung quanh mình.
“Mình thật sự rất ngưỡng mộ những anh em bán hàng livestream, vì mọi lúc online kể cả 4 giờ sáng mình vẫn thấy có người đang live bán. Nhiều trường hợp trong đó là người không may khuyết tật, người vừa chăm con bệnh vừa live. Mình thấy ý chí đó mà truyền vào doanh nghiệp mình thì còn gì bằng”.
Chốt lại quan điểm, anh cho rằng: “Đường đi không có nỗ lực, người không có ý chí sẽ không thể nào về đích được.” Anh thừa nhận bản thân cũng là một trong những người cần phải chấn chỉnh về mức độ cố gắng: “Nói trên Facebook thì dễ nhưng làm thì khó, hy vọng trong tương lai mình sẽ xây dựng được những công ty, đội nhóm, con người máu lửa như vậy”.
Ảnh minh hoạ
Không nhẹ nhàng như anh Giang, Hằng Túi (Nguyễn Bích Hằng) – người vốn được biết đến với câu chuyện từ bàn tay trắng trở thành đại gia truyền cảm hứng làm giàu cho hội chị em nổi tiếng miền Bắc, lại cất tiếng nói gai góc hơn.
Cô cũng chia sẻ lại loạt ảnh các công ty nước ngoài sáng đèn cả đêm để làm việc để minh hoạ cho điều mình muốn nói.
“Bảo sao tuyển nhân viên bây giờ khó lắm. Cuộc đời sợ nhất là người đã giỏi còn chăm hơn mình. Sợ nhất phải tránh xa hội lười, đặc biệt đã nghèo còn lười. Hội này kéo mình, thậm chí cả công ty mình về cái ngưỡng ăn chơi rảnh rỗi sinh đủ các loại nông nổi.
Hỏi có thích giàu không thì ai chả thích! Nhưng hỏi có quyết tâm, dám chịu trách nhiệm không thì lại quay ra tự dưng thích bình yên, biết đủ và chữa lành. Nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn!”.
Người dùng N.A. bày tỏ quan điểm ủng hộ chuyện làm việc sống chết hết mình để nhanh chóng đuổi kịp mức tăng trưởng của các nước bạn, theo cách “mềm mỏng” hơn nhưng cũng không kém thực tế, đụng chạm đến số đông.
“Khi giá trị gia tăng trên mỗi người lao động ở Singapore đạt mức gần 130.000 USD thì Việt Nam đứng vị trí thứ 6 từ dưới lên trong bảng xếp hạng với giá trị gia tăng trên mỗi người lao động đạt dưới 10.000 USD.”
Chị cho rằng, để Việt Nam thoát khỏi tình trạng người dân có thu nhập thấp, quy mô thị trường khó thu hút đầu tư từ các “ông lớn” trên thế giới, thì cần học tập văn hóa làm việc của cống hiến hơn nữa:
“5 giờ 30 phút chiều đã chấm vân tay để đi về và lúc nào cũng có tư tưởng muốn “đi trốn”, “chữa lành” thì khó mà phát triển được. Người trẻ ở các nước phát triển thường xuyên làm việc tăng ca đến 9:00-10:00 tối là chuyện bình thường hàng ngày. New York, Thượng Hải… là những thành phố không ngủ vì các tòa cao ốc luôn sáng đèn đến sáng với những con người làm việc không ngừng nghỉ. Ước gì có một Hà Nội hay TP.HCM cũng như vậy…”.
Ảnh minh hoạ
Ai có chí lớn thì ra biển lớn, cuộc sống đâu chỉ có mỗi thành tựu về vật chất
Loạt quan điểm nêu trên “động chạm” đến không ít người. Họ đã lên tiếng!
P.A, một người từng có kinh nghiệm làm việc cho công ty Bắc Kinh (Trung Quốc) chỉ ra rằng thực chất các tòa nhà văn phòng luôn sáng đèn thâu đêm tại Trung Quốc là do nhân sự làm việc theo ca, không phải do họ “cày” thâu đêm suốt sáng. Họ cũng có “chu trình” nghỉ ngơi – làm việc – chữa lành chứ không phải cứ thấy đèn sáng là nghĩ mỗi cá nhân nào làm việc từ 6h sáng đến xuyên đêm được. Sức khoẻ con người là có giới hạn và thước đo trong cuộc sống cũng không thể chỉ được tính bằng thành công hay nỗ lực trong công việc, sự nghiệp mà ra!
“Chỉ dựa trên vài ba cái hình ảnh mà phán ghê dữ. Kiểu như tài xế taxi, những người làm ngày thì đêm ngủ, những người làm đêm thì ngày ngủ. So sánh giữa hai quốc gia khập khiễng, nhiều Gen Z cũng rất đỉnh. Để đòi hỏi sự cống hiến thì doanh nghiệp đó phải xứng đáng trước đã”, P.A nói.
Anh T. – từng là giảng viên bậc Thạc sĩ tại Trường Đại học RMIT cho biết lương thưởng tại Việt Nam do các chủ doanh nghiệp chi trả không đủ để khích lệ nhân sự nỗ lực cống hiến. Anh đưa ra ví dụ thực tế nhiều công ty khởi nghiệp không đủ quỹ lương để chi trả cho nhân viên cứ chưa nói đến chuyện trả được đồng tiền hậu hĩnh xứng đáng với công sức để nhân sự lao thân “cày ngày càng đêm”. Việc nhiều lương nhiều. Thức đêm, OT có những khoản tiền tươi thơm phức thì tự động nhân sự sẽ xung phong “cày”. Chưa có những điều khoản, chế độ thoả đáng về mặt vật chất thì chuyện tự nguyện cống hiến rất thấp.
Ảnh minh hoạ
Chị Y., thẳng thắn phản bác lại lại xu hướng “làm việc tới hơi thở cuối cùng” vì bản thân đã nhận cái kết đắt với căn bệnh suy thận sau nhiều năm “cày” quá sức.
Chị gửi gắm lời khuyên: “Lao lực để kiếm tiền, hay làm đủ để bình yên là lựa chọn của bản thân. Mọi sở hữu đều là con số 0, vô nghĩa nếu không có số 1 là sức khỏe đứng trước. Ai có chí lớn cứ lao ra tạo thành tựu. Bạn mệt, bạn yếu, bạn tổn thương nên cuối tuần bạn dành thời gian cho mình để ổn định lại tinh thần là chuyện đương nhiên”.
Đứng giữa quan điểm ủng hộ hay phản đối, anh D. L. chia sẻ ý kiến trung lập, đồng ý cần phải nhìn lại khả năng đóng góp của nhân sự, nhưng cũng không nên cổ súy văn hóa “cày cuốc” mà không quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Có điều, anh cảm thấy lo lắng khi nhìn ra bức tranh toàn cảnh, vì thực tế đã chỉ ra rằng có những vùng đất, lãnh thổ vì dân cư ở đó ham chơi hơn làm mà ngày càng trở nên nhỏ bé. Mỗi cá nhân không giàu có, làng mạc nghèo nàn, cứ thế teo tóp dần đi và không thích nghi với nhịp sống mới.
Nếu có cái nhìn bao quát và đủ sâu sắc về những gì đang diễn ra hiện tại, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng lo sợ về một ngày bị tụt lại phía sau và chịu nhiều thiệt thòi khi “vươn ra biển lớn”.
Còn bạn, bạn đang nghĩ gì về những điều “ngổn ngang” này?