Ngày 25/4, ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, đây là chính sách nhằm khuyến khích thí sinh nam theo học ngành sư phạm mầm non, “ngành học này nhiều năm qua không có sinh viên nam theo học”. Ngành sư phạm mầm non hiện rất cần các thầy giáo trong quản lý cũng như giáo dục trẻ.
Chính sách của trường Sư phạm Đà Nẵng nhằm khuyến khích thí sinh nam theo học ngành mầm non. (Ảnh minh hoạ)
Trẻ nhỏ trong những năm đầu đời rất cần sự giáo dục toàn diện, được tiếp xúc với các cô giáo và thầy giáo. Chính sách trường đưa ra như sự ghi nhận và khích lệ các bạn nam mạnh dạn vượt qua những “định kiến” nghề nghiệp để lựa chọn ngành học mà mình yêu thích.
“Chúng tôi cho rằng không có thí sinh nào chọn ngành học vì phần thưởng, nhưng phần thưởng lại là sự động viên cho các em khi lựa chọn nghề, đặc biệt là những ngành nghề mà xã hội đang rất cần trong khi chưa được nhiều người lựa chọn”, vị đại diện trường nói.
Đây là năm đầu tiên trường Đại học Sư phạm áp dụng chính sách khen thưởng này cho ngành Giáo dục mầm non. Nhà trường dành 10 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho nam sinh viên theo học ngành này.
Thông tin này sau khi được công bố thu hút nhiều sự chú ý. Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số người cho rằng trường đang thiên vị sinh viên nam, hàng năm rất nhiều nữ sinh đăng ký ngành này tại sao không được thưởng.
Trước những bình luận trên, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ: “Bên cạnh khen thưởng cho sinh viên nam theo học ngành giáo dục mầm non, trường còn có các chính sách khuyến khích khác cho sinh viên đăng ký các ngành khoa học cơ bản, tặng thưởng cho sinh viên đạt giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế”.
So với các khoản thưởng khác cho sinh viên toàn trường, 5 triệu đồng dành cho nam sinh đăng ký ngành giáo dục mầm non không phải số tiền lớn. “Vì là chính sách khuyến khích nên không thể phủ hết tất cả đối tượng người học mà nhà trường hướng tới các đối tượng cần khuyến khích, động viên chứ không có sự phân biệt đối xử nào trong việc khen thưởng”, ông San nói thêm.
20 năm chỉ tuyển được 1-2 sinh viên nam
Suốt 20 năm qua, ngành giáo dục mầm non trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chỉ tuyển sinh được 2 sinh viên nam.
Là một trong hai sinh viên đặc biệt, anh Lê Đình Hoàng giờ đây đã trở thành thạc sĩ, giảng viên ngành giáo dục mầm non của trường. Theo anh Hoàng, chính sách mới này đưa ra kịp thời và hợp lý trong bối cảnh ngành giáo dục mầm non thiếu trầm trọng nam giáo viên. Tại các cơ sở mầm non hiện nay đa phần là các cô giáo dạy.
Từ thực tế nhiều năm đi dạy trước khi thành giảng viên đại học, anh Hoàng cho hay trẻ mầm non không quan trọng người dạy là thầy hay cô. “Nhiều người cho rằng nam giới sẽ gặp hạn chế việc chăm sóc trẻ nhưng quá trình làm việc, chúng tôi đều phân chia nhiệm vụ phù hợp như khi vệ sinh cá nhân, thầy giáo sẽ chăm sóc bé trai, còn cô giáo sẽ hỗ trợ bé gái. Còn trong việc dạy học, chúng tôi bình đẳng”, anh Hoàng nói.
Ở độ tuổi của trẻ mầm non, được tiếp xúc và nhận sự dạy dỗ từ cả thầy và cô sẽ tốt cho sự phát triển bởi mỗi người sẽ có phương pháp, kỹ năng khác nhau. “Các bạn nam yêu thích sư phạm và trẻ nhỏ hãy mạnh dạn theo đuổi ngành giáo dục mầm non, công việc này chắc chắn sẽ mang tới nhiều trải nghiệm thú vị”, anh Hoàng nói.
Ủng hộ chính sách mới của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng Linh cho rằng, giáo dục trẻ mầm non rất sự cân bằng giữa cô giáo và thầy giáo, thực tế các nước phát triển, tỷ lệ giáo viên mầm non là nam giới khá cao, các thầy sẽ đảm nhận nhiệm vụ dạy thể chất, các hoạt động ngoài trời.
“Xã hội cần phá bỏ định kiến về việc giáo viên dạy mầm non nhất nhất phải là nam giới. Chính sách làm phong phú môi trường, tác phong dạy học cũng giúp trẻ lứa tuổi mẫu giáo tự tin, mạnh dạn hơn”, tiến sĩ Linh cho hay.