Nguỵ Vĩnh Khang (SN 1983) xuất thân trong gia đình không mấy khá giả ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cha của Khang là thương binh nên mọi việc trong gia đình đều do mẹ quán xuyến. Bà cũng là lao động chính trong nhà, thu nhập chủ yếu từ công việc tại một cửa hàng bách hóa.
Niềm hy vọng của cả nhà
Gia cảnh khó khăn nên cha mẹ luôn coi Vĩnh Khang là niềm hy vọng lớn, tia sáng giúp gia đình thoát nghèo. Không phụ sự kỳ vọng ấy, chàng trai ấy lớn lên với trí thông minh vượt trội.
Ngụy Vĩnh Khang là niềm hy vọng lớn của cha mẹ. (Ảnh: Sohu)
Vừa lên 2 tuổi, Vĩnh Khang có thể đọc chữ, thậm chí đọc thuộc thơ Đường và biết hơn 1.000 chữ Hán.
Chỉ 2 năm sau, cậu bé quê Hồ Nam khiến mọi người trầm trồ khi hoàn thành chương trình của học sinh trung học.
Trong những năm tháng học tại trường tiểu học, Vĩnh Khang luôn là cái tên nổi bật bởi trình độ siêu phàm. Cậu bé này chỉ học lớp 2 và lớp 6, sau đó lên thẳng trường trọng điểm cấp 2 mà không cần học thêm các lớp khác.
13 tuổi, thần đồng Hồ Nam trở thành sinh viên đại học trẻ nhất tỉnh. Vĩnh Khang chỉ mất 4 năm để hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ. Cậu gây sốt khi được nhận vào Học viện Khoa học Trung Quốc và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ lúc 17 tuổi.
Hàng xóm của nhà Vĩnh Khang từng cho biết, ở nơi họ sống, tên của quan chức đứng đầu huyện, tỉnh có thể không biết nhưng riêng tên thần đồng Nguỵ Vĩnh Khang, không một ai không nhớ.
Vĩnh Khang không chỉ là niềm hy vọng của gia đình mà còn trở thành sự kỳ vọng của cả nước. Ai cũng tin rằng khi trưởng thành, cậu sẽ có tương lai tươi sáng và giúp cha mẹ thoát khỏi tình cảnh nghèo khó. Nhưng niềm tin ấy lại chính là con dao 2 lưỡi khiến cuộc đời của thần đồng “tuột dốc”.
Thần đồng không biết làm việc nhà
Vừa thương, vừa kỳ vọng nên mẹ không bao giờ bắt Vĩnh Khang động tay vào công việc nhà. Bà muốn con trai tập trung tất cả thời gian, công sức vào việc học.
Vĩnh Khang dành 100% thời gian cho việc học. (Ảnh: Sohu)
Nhiều người cho rằng điều đó hoàn toàn bình thường bởi những công việc như giặt giũ, dọn dẹp không quá nặng nhọc, ai làm cũng được. Tuy nhiên mãi sau này người ta mới biết, kể cả những công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa mặt… Vĩnh Khanh đều được mẹ chăm chút.
Để không làm tốn thời gian học hành của con, mẹ thậm chí đút cho Vĩnh Khang ăn từng thìa cơm. Thần đồng và mẹ luôn ở cạnh nhau cả ngày. Ngoại trừ học, mọi việc khác của Vĩnh Khang đều do mẹ lo liệu.
Vì thế khi lên tới đại học, thần đồng Hồ Nam vẫn loay hoay với các hoạt động đơn giản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Anh không biết lo ăn uống, vệ sinh cho bản thân thế này.
Điều đó khiến Vĩnh Khang ngày càng trở nên thụ động. Những lời bàn tán xuất hiện khiến chàng sinh viên trẻ tuổi dần tự ti. Cậu sinh viên trẻ từng có ý muốn thoát khỏi sự bao bọc của mẹ nhưng vì không có khiến thức xã hội, thiếu khả năng tự chăm sóc, không thể sống tốt nếu chỉ có một mình.
Có lần, bạn học nhìn thấy Vĩnh Khang bằng ánh mắt thương hại bởi giữa tiết trời lạnh giá ở Bắc Kinh, anh chỉ biết mặc một chiếc áo mỏng và đeo dép lê. Ai cũng cho rằng anh là kẻ ngốc thay vì một thiên tài.
Càng ngày Vĩnh Khang càng rơi vào khủng hoảng vì không thể hoà hợp với cuộc sống tự lập. Anh bị Học viện Khoa học Trung Quốc đuổi học vì tinh thần và học lực sa sút.
Sau sự việc này, nhiều người đã gọi anh với cái tên rất đau lòng: “Thần đồng đáng thất vọng nhất Trung Quốc”.
Chứng kiến con trai “tuột dốc” và trở nên thất bại, mẹ Vĩnh Khang nhận ra sai lầm của mình trong cách giáo dục con. Tình thương yêu, sự bao bọc của người mẹ đã khiến cậu con trai trở thành một người thụ động.
Điển hình, khi Vĩnh Khanh còn nhỏ, mẹ anh luôn ngăn cản anh giao tiếp, vui chơi với bạn bè. Có người đến thăm, mẹ anh còn nói dối rằng con không có nhà vì muốn dành thời gian học nhiều nhất cho con. Người mẹ này không muốn đứa con thần đồng của mình mất tập trung.
Cuộc sống của Vĩnh Khang ngày càng “tuột dốc” vì sự nuông chiều của mẹ. (Ảnh: Sohu)
Làm lại cuộc đời
Suốt nhiều năm chỉ làm bạn với trang sách, Vĩnh Khanh dần trở thành chàng trai cô độc, hoàn toàn không có kỹ năng sống, tâm lý cũng bất ổn. Mãi đến khi hậu quả ập đến, gia đình Vĩnh Khang mới nhìn thấu mọi việc.
Tuy nhiên thời điểm đó, Vĩnh Khang vẫn còn trẻ, mẹ cho rằng vẫn còn kịp để cả gia đình cũng thay đổi và giúp làm lại cuộc đời.
Thần đồng bắt đầu được làm quen với công việc nhà và được động viên ra ngoài kết bạn. Vì thế mà Vĩnh Khang như được lớn lên thêm một lần.
Ở tuổi 20, anh đi học lại ở Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Tuy đây không phải một ngôi trường nổi tiếng nhưng ở đó, anh được bắt đầu một cuộc sống mới, được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc nên có ở tuổi sinh viên.
Sau này, Nguỵ Vĩnh Khang cũng không lựa chọn học tiếp lên cao hay đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực chuyên sâu. Sau những thất bại trong quá khứ, anh chỉ mong muốn cuộc sống bình dị.
Hoàn thành chương trình đại học, Vĩnh Khang làm công việc bình thường, kết hôn và sinh con. Cuộc sống của anh ngày càng trở nên kín tiếng.
Cuối năm 2021, anh đột ngột qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh khiến nhiều người tiếc nuối, xót xa trước hoàn cảnh của cựu thần đồng.
Từ câu chuyện về cuộc đời Nguỵ Vĩnh Khang, nhiều bậc cha mẹ đã rút ra bài học lớn trong việc nuôi dạy con cái.
Nguồn: Sohu