Lâm Gia Văn (SN 1998) lớn lên trong gia đình gia giáo tại Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), ông bà và bố mẹ đều là giáo viên. Kế thừa những tinh hoa từ thế hệ đi trước, Lâm Gia Văn sớm trở nên nổi bật so với bạn bè đồng trang lứa.
Thần đồng được cả quốc gia kỳ vọng
Khi mới học tiểu học, Lâm Gia Văn đã bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử. Cậu đọc nhiều sách và không ngừng đặt ra những câu hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân. Tài năng của Gia Văn được gia đình phát hiện và bồi dưỡng từ sớm.
Lên cấp phổ thông, mức độ am hiểu về kiến thức lịch sử của Lâm Gia Văn vượt xa các học sinh khác, trở thành nhân vật nổi tiếng ở trường.
Lâm Gia Văn đam mê mãnh liệt với lịch sử. (Ảnh: Sina)
16 tuổi, anh trở thành tác giả của cuốn sách lịch sử “Khi Đạo giáo thống trị Trung Quốc” . Tác phẩm sau khi xuất bản nhanh chóng tạo ra tiếng vang trong lĩnh vực sử học. Tác giả cuốn sách nhận được nhiều lời ca ngợi bởi ngòi bút sâu sắc, điêu luyện. Thậm chí có người còn đánh giá chắc chắn tác phẩm này phải do một tiến sĩ viết ra, không ai nghĩ rằng một cậu học sinh cấp 3 có thể viết cuốn sách với lượng tri thức đồ sộ như vậy.
Thời điểm ra mắt sách trên, Lâm Gia Văn giấu danh tính bản thân vì không muốn trở thành tâm điểm truyền thông. Ước muốn của anh là làm người bình thường, được học tập nghiên cứu và thoả sức viết sách.
Một giáo viên lịch sử nổi tiếng từng phải thốt lên: “Lâm Gia Văn là nhà nghiên cứu lịch sử tài năng nhất mà tôi từng gặp”.
Không lâu sau, anh tiếp tục xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên “Nỗi buồn và niềm vui cho thế giới”. Một lần nữa Lâm Gia Văn tạo ra cơn chấn động trong giới văn học Trung Quốc.
Tuy nhiên khác với lần trước, vì lợi ích của nhà trường và gia đình, Lâm Gia Văn đã công bố danh tính với công chúng.
Bị kịch ập đến với Lâm Gia Văn sau khi cậu công khai danh tính. (Ảnh: Sohu)
Lựa chọn ra đi vĩnh viễn ở tuổi 18
Tưởng rằng việc công khai danh tính sẽ mang lại hào quang, sự thành công cho chàng trai trẻ nhưng không, đó lại là khởi nguồn của bi kịch.
Lâm Gia Văn hứng chịu cái nhìn nghi ngờ của những người xung quanh. Ít ai tin rằng ở tuổi đời rất trẻ, anh lại viết được những điều cao siêu như vậy, kiến thức của anh ngang bằng sự hiểu biết của nhiều giáo sư.
Anh trở thành nạn nhân của bạo lực mạng. Từ đây, anh bắt đầu tự hoài nghi về chính bản thân. Áp lực dư luận đã đẩy Lâm Gia Văn tới căn bệnh trầm cảm. Bệnh tình của tác giả trẻ này ngày càng nghiêm trọng.
Giai đoạn này, Lâm Gia Văn rơi vào trạng thái cô đơn, luôn cảm thấy mệt mỏi khi cố gắng hoà đồng cùng bạn bè đồng trang lứa. Thời gian rảnh rỗi, anh thích tập trung vào nghiên cứu lịch sử và đọc sách thay vì giao tiếp với mọi người.
Tối 24/12/2016, Lâm Gia Văn quyết định nhảy lầu, ra đi vĩnh viễn ở tuổi 18. Trước khi qua đời, anh có nhiều dấu hiệu mắc bệnh tâm lý, trong đó, biểu hiện rõ nhất là việc thường xuyên tháo kính và đi vào phòng ngủ, nhìn quanh những tấm bằng khen thưởng nhưng không cảm thấy vui như trước.
Sau khi Lâm Gia Văn yên nghỉ, gia đình tìm được bức thư tuyệt mệnh: “Con mong muốn 2 quyển sách này không được tái bản. Đối với số sách còn lại, con muốn bố mẹ tiêu hủy hết”.
Tin tức “Thần đồng Lịch sử Trung Quốc” tự sát khiến dư luận bàng hoàng, thương tiếc. Bức thư cuối cùng anh viết cho thấy nỗi đau, sự uất ức cùng cực.
Đọc thư, bố mẹ Lâm Gia Văn khóc cạn nước mắt khi biết trong những giây phút cuối đời, chàng trai vẫn hy vọng bố mẹ sẽ sống vui vẻ trong quãng đời còn lại.
Lâm Gia Văn viết thư tuyệt mệnh và ra đi ở tuổi 18. (Ảnh: Sina)
Trong lá thư, Lâm Gia Văn không quên gửi lời đến bác sĩ từng điều trị bệnh tâm lý cho mình. Anh biết ơn vì trong giai đoạn khó khăn nhất, bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc, đồng hành. Mặc dù quá trình điều trị không đạt kết quả tốt nhưng anh mong bác sĩ không nghĩ ngợi về sự ra đi của mình.
Bên cạnh đó, Lâm Gia Văn cũng gửi lời cảm ơn thầy cô, bạn bè, những người đã tin tưởng anh. Điều khiến tất cả mọi người đau đáu là cuối thư, “thần đồng” nói vẫn yêu môn lịch sử.
“Cuộc sống này có quá nhiều áp lực, dù đã cố gắng nhưng tôi không thể vượt qua. Tôi muốn giải thoát bản thân sang thế giới khác”, Lâm Gia Văn nhắn nhủ.
Sự ra đi của Lâm Gia Văn được cho là nỗi mất mát lớn với ngành lịch sử Trung Quốc. Nhiều người nhận định nếu còn sống và tiếp tục cống hiến, anh chắc chắn làm được những điều lớn lao hơn, trở thành niềm tự hào của đất nước tỷ dân.
Nguồn Sina, Sohu