Team Hỏa Lò “cầu cứu” netizen trước bài tập môn Hóa có tình tiết lạ, các học bá chung tay giúp vẫn chưa ra kết quả
10 người thì có đến 9 người cho rằng tuổi học sinh quả thực quá sướng, vô lo vô nghĩ, nhiệm vụ quan trọng nhất chỉ là học và học mà thôi. Nhưng mà khoan đã nhé, riêng cái “nhiệm vụ học” đấy đã đủ khiến học sinh phát tín hiệu cầu cứu “ét o ét” rồi bởi môn nào cũng dài cũng khó.
Mà để liệt kê một môn học khiến học sinh phải gục ngã nhiều nhất thì chắc chắn môn Hóa sẽ bị điểm mặt gọi tên từ sớm. Không hiểu sao, môn này khó từ lúc “nhập môn” cho tới khi tốt nghiệp luôn với nào là nguyên bảng tuần hoàn hóa học, hóa trị, cân bằng phương trình, đã thế còn chia thành hóa hữu cơ, vô cơ… Nhưng mà khó thì khó, bạn vẫn buộc phải công nhận một điều rằng môn Hóa ứng dụng rất nhiều vào thực tế.
Mới đây, Đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hòa Lò cũng phải cầu cứu vì bài toán về chủ đề vượt ngục nhưng không phải theo cách thông thường đâu mà ứng dụng Hóa học để… vượt ngục. Thế mới thấy, biết tí kiến thức Hóa là mọi thứ dễ dàng hơn hẳn.
Team Hỏa Lò cầu cứu netizen trước bài tập môn Hóa có chủ đề… vượt ngục (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể đề bài như sau: “Tại Nhà tù Hoả Lò, muốn vượt ngục thì tù nhân phải tìm mọi cách cưa được các chấn song sắt và mở khóa khu xà lim. Bà Băng Tâm đã giấu axit cho vào ống lông ngỗng rồi thả vào liễn canh, mỗi lần vận chuyển một ít cho các đồng chí thực hiện vượt ngục. Khi đồng chí Vũ Đức Chính thực hiện nhỏ axit vào các chấn song, đã có chất rắn X được tạo thành. Biết 5,6 gam Fe tan vừa hết trong dung dịch H2SO4 loãng sau đó cô cạn cẩn thận dung dịch sau phản ứng thì thu được 27,8 gam chất rắn X. Vậy công thức của X là?”.
4 đáp án đưa ra để mọi người lựa chọn là: A: FeSO4.5H2O; B: FeSO4.7H2O; C: FeSO4.3H2O; D: FeSO4.
Những ai mê môn Hóa khi nhận được đề bài này phản ứng đầu tiên là lấy giấy bút ra để cân bằng phương trình, hóa trị các thứ. Những ai chưa yêu môn Hóa lắm thì chắc đọc để biết thôi chứ cũng chỉ biết cười trừ vì đâu có biết cách nào. Còn riêng đối với Đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hòa Lò, theo ghi nhận sau khi cầu cứu netizen bất thành thì team này đã “rời khỏi cuộc trò chuyện” và sau đó lựa chọn…. đi pha chế thử để xem phản ứng thế nào.
Team Hỏa lò đã “rời khỏi cuộc trò chuyện” để đi pha chế thử
Hiện nay, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc đây là đề bài môn Hóa thật, hay chỉ là content của team Nhà tù Hòa Lò. Dạo quanh phần bình luận bên dưới bài đăng, cũng chưa thấy “học bá” nào đưa ra đáp án cuối cùng. Dẫu sao thì nhiều người không khỏi thích thú trước bài đăng này. Chính việc áp dụng thêm những tình tiết thực tế vào bài tập môn Hóa khiến mọi thứ trở nên sinh động hơn, ai cũng “nhập tâm” như tham gia vào hành trình vượt ngục thật sự vậy.
Đúng là Gen Z khi làm truyền thông có khác, sáng tạo vô biên!
Tổng hợp