Image Alt

ᴍTintuc

  /  Đời sống   /  Sự lười biếng có tác động tích cực đến hiệu suất làm việc như thế nào?

Sự lười biếng có tác động tích cực đến hiệu suất làm việc như thế nào?

Đương nhiên tôi sẽ không đưa ra lý do hợp tình hợp lý để bạn nằm dài cả ngày hay lướt tóp tóp trong vô định, và đến khi chán nản thì mới phát hiện ra mình đã có một ngày thật vô nghĩa hoặc tệ hơn là bỏ lỡ những công việc quan trọng và cấp bách cần giải quyết.

Sự lười biếng ở đây dành cho đầu óc của bạn, để đầu óc thật sự nghỉ ngơi và tách rời khỏi công việc. Lười biếng theo định nghĩa này tưởng chừng đơn giản nhưng khá khó khăn đối với những người lao động trí óc. Nếu bạn lao động chân tay, chúng ta có thể hoàn toàn tách rời công việc bằng một giấc ngủ hay đơn giản là nằm nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm. Nhưng với những người lao động trí óc, chúng ta thường xuyên OT trong vô thức mà không nhận ra.

Nếu bạn check một email nào đó lúc 5h chiều thì khả năng cao bạn sẽ dành cả buổi tối suy nghĩ về nó, những next step bạn phải thực hiện để hoàn thành một yêu cầu nào đó trong email, hoặc đơn giản là công việc dở dang của ngày hôm nay sẽ không để bạn yên thân, đợi đó đến ngày mai mới suy nghĩ. Nhìn chung, công việc trí óc sẽ không ngừng ám ảnh chúng ta và bộ não ít khi thực sự được lười biếng.

Car Newport – chuyên gia về khoa học máy tính tại Đại học Georgetown đã đưa ra 3 lý do lớn chứng minh rằng sự lười biếng vô cùng quan trọng cho hiệu suất làm việc (từ cuốn sách Deep Work của ông)

Lý do số 1: Thời gian nghỉ ngơi sẽ bổ trợ cho những suy nghĩ quan trọng

Nhà tâm lý học người Hà Lan – Ap Dijksterhuis đã làm một thí nghiệm về việc ra quyết định mua ô tô. Trên những đối tượng tiến hành thí nghiệm, ông yêu cầu một nửa trong số họ tìm hiểu nghiên cứu thật kỹ thông tin và ra quyết định. Nửa còn lại bị phân tâm bởi các câu đố dễ dàng sau khi đọc thông tin và phải lập tức đưa ra quyết định mà không có thời gian phân tích. Cuối cùng nhóm số 2, nhóm không có thời gian suy nghĩ lại đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Qua một vài nghiên cứu khác nữa của ông và cộng sự càng khẳng định được thuyết tư duy theo tiềm thức (unconscious thought theory – UTT).

Theo đó, việc chủ động tính toán để đưa ra quyết định sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn là cập nhật các thông tin liên quan, sau đó chuyển sự chú ý sang một việc khác và để tiềm thức làm việc. Nghỉ ngơi không nhất thiết là phải giảm thời gian làm việc mà thay vào đó bạn có thể đa dạng hóa hình thức làm việc, ý thức hoặc tiềm thức.

Lý do số 2: Thời gian nghỉ ngơi giúp bạn phục hồi năng lượng cần thiết để làm việc sâu

Gần như không có gì nghi ngờ và bàn cãi về lý do này, mục đích của nghỉ ngơi chính là để phục hồi và sạc lại năng lượng. Tuy nhiên, hãy xem thêm một dẫn chứng thú vị của Cal Newport. Một thí nghiệm đơn giản đăng trên tạp chí Psychological Science năm 2008 với 2 nhóm nghiên cứu, 1 nhóm được yêu cầu đi dạo trong khu vườn thực vật rậm rạp tại Michigan, nhóm còn lại đi dạo trong trung tâm thành phố, sau đó cả hai đều được giao nhiệm vụ cần sự tập trung. Kết quả là nhóm đi dạo trong môi trường tự nhiên đem lại hiệu quả lớn hơn 20% nhóm còn lại. Các thí nghiệm giống như vậy cũng đem lại kết quả tương tự. Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng việc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên giúp cải thiện khả năng tập trung của con người (nghiên cứu xác nhận lý thuyết phục hồi sự chú ý (attention restoration theory – ART).

Từ thí nghiệm này ta có thể sử dụng thiên nhiên như một giải pháp sáng giá để cho bộ não nghỉ ngơi và phục hồi. Giờ thì thay vì căng thẳng do tắc đường hay ám ảnh công việc tồn đọng trên đường đi làm về, hãy thoải mái ngắm hoàng hôn hay những hàng cây trên đường nhé.

Lý do số 3: Công việc mà thời gian rảnh rỗi buổi tối có thể thay thế được thường không quan trọng 

Lý do số 3 ngày có liên quan đến thuyết thực hành có chủ đích của Anders Ericsson. Thực hành có chủ đích là cố gắng phát huy khả năng với một kỹ năng nhất định có hệ thống. Việc thực hành có chủ đích đòi hỏi 2 yếu tố, một là dồn toàn tâm toàn sức vào một kỹ năng cụ thể và hai là đón nhận phản hồi để có thể sửa đổi.

Tuy nhiên việc “toàn tâm toàn sức” hay tập trung cao độ chỉ kéo dài tối đa 1 giờ đối với người chưa có kinh nghiệm và kéo dài 4 giờ với chuyên gia. Bởi vậy nếu lịch trình của bạn là làm việc cả ngày lẫn đêm thì khả năng cao thời gian làm việc trong buổi tối không có hiệu quả nếu bạn đã đốt cháy hết sự tập trung vào ban ngày.

Với 3 lý do này, sự lười biếng là vô cùng cần thiết cho não bộ và hiệu suất. Bạn phải có cho riêng mình những chiến thuật để phớt lờ những thứ gây cản trở quá trình lười biếng của bạn. Đơn giản như đặt ra nguyên tắc không liếc nhìn email sau giờ hành chính hoặc tắt thông báo trên các nền tảng giao tiếp chỉ dành cho công việc trong khoảng thời gian bạn muốn não nghỉ ngơi.

Với những công việc dở dang, hãy có một kế hoạch cụ thể để giải quyết chúng, bạn sẽ thấy yên tâm lười biếng hơn khi biết rằng mình có một plan cho những công việc đó, mình sẽ giải quyết theo timeline đó thay vì lúc này, khi mình cần nghỉ ngơi. 

Rà soát và đánh dấu tích cho những công việc đã hoàn thiện cũng phần nào giúp bạn giải phóng suy nghĩ của mình khỏi công việc trong thời gian nghỉ ngơi. Bạn chắc chắn sẽ đạt được hiệu suất cao hơn khi có một bộ não liên tục được sạc đầy năng lượng thay vì một cái đầu kiệt quệ và một cơ thể rệu rã.

Cuốn sách “Deep Work – Làm ra làm chơi ra chơi”, tác giả: Cal Newport

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x