Sau tiệc sinh nhật, cô giáo ở Hà Nội phát cho học sinh 1 túi bánh kẹo: Về đến nhà, phụ huynh nhắn 1 tin khiến ai nấy sửng sốt
“Cho con đi học bây giờ áp lực nhiều thứ quá!” – Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây thu hút sự chú ý và tranh luận khi đăng một “status” than thở về câu chuyện sinh nhật ở lớp con mình. Chẳng là con của chị năm nay 3 tuổi. Hôm trước ở lớp con có 1 bạn tổ chức sinh nhật. Tất nhiên sẽ có bánh kem, kẹo, thạch, bim bim và ti tỉ thứ trên đời khác. Các con hào hứng, thích thú lắm. Có vẻ mẹ bạn đó cũng mua nhiều nên cô chia mỗi con 1 túi mang về.
“Bình thường ở nhà mình cũng không cho con ăn nhiều những đồ ngọt đó nhưng thấy con rất vui nên mình cũng thấy hạnh phúc, thoải mái vì điều này”, người mẹ cho biết.
Không ai ngờ ngay tối hôm đó, trong nhóm lớp có một phụ huynh nhắn tin phản ánh. Theo hình ảnh được đăng tải, bà mẹ này cho rằng, mình đã nhờ cô không cho con ăn những đồ công nghiệp và bánh kẹo ngọt. Nhưng nay con về thì lại thấy trong balo khiến chị bức xúc. “Cứ một người tạo thói quen, một người lại phá thế này thì sao được ạ. Biết là các anh chị tổ chức sinh nhật cho bé, nhưng nên chọn đồ phù hợp với con đúng không ạ? Chúng ta vẫn nghe đọc hàng ngày về tác hại của những món này mà. Mình có thể mua đồ ăn dặm, sữa chua khô sao cứ phải bim bim và thạch ạ?”, bà mẹ gay gắt.
Đọc tin nhắn trong nhóm, người đăng bài viết cho rằng: Nếu là con mình tổ chức sinh nhật thì mình chạnh lòng lắm. Đâu phải ai cũng có điều kiện mua toàn đồ “organic” cho con? Chẳng nhẽ vì thế mà đánh mất cả niềm vui được thổi nến cắt bánh với các bạn ư? Cuộc sống này sao phải khắt khe với các con đến thế ạ?
Không ai ngờ ngay tối hôm đó, trong nhóm lớp có một phụ huynh nhắn tin phản ánh.
Câu chuyện của chị ngay lập tức nhận về nhiều bình luận trái chiều.
Yêu cầu khắt khe hay chính đáng?
Nhiều người cho biết, họ “giật thót” khi đọc tin nhắn của phụ huynh nói trên, bởi từ tước đến nay, dịp sinh nhật con, họ cũng toàn mua bánh kẹo bim bim sữa để tổ chức. May mà phụ huynh trong lớp vẫn rất ủng hộ. Những người này cho rằng, sống tập thể, không thể theo ý của từng cá nhân được. Hơn nữa tháng có 1-2 lần. Các mẹ cũng mua bánh kẹo của công ty sản xuất, không phải hàng trôi nổi. Mua bánh kẹo organic không rẻ, không phải ai cũng có điều kiện mua cho cả lớp ăn cùng.
Thêm nữa, mỗi người sống 1 môi trường khác, văn hoá khác. Đối với bạn đó là đồ bỏ đồ độc hại nhưng với người khác thì lại là món quà quý. Mình không thể ép tất cả sống theo ý mình được. Nếu không cho con ăn, phụ huynh có thể gói lại, đem tặng cho người khác hoặc thậm chí vứt đi là được.
“Tiền nhà người ta thì người ta muốn mua gì chả được. Việc của bạn là nhận và xử lý sau đó thế nào tuỳ bạn. Chứ can thiệp sâu hay ‘giáo dục’ lại lối sống của người khác thế là không ổn lắm. Chưa kể cách nói chuyện với người khác cũng thiếu tôn trọng. Thái độ này nên chơi một mình cả đời”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Nhiều người góp ý, từ nay có sinh nhật ở lớp cô giáo có thể báo trước. và sẽ không cho con ăn, con tham gia với bạn. Có phụ huynh không cho con ăn bánh kẹo bim bim nhưng biết dạy con mình không ăn và khi cô phát mang về nhà cũng tự bạn nhỏ mang đi cho/bỏ. Cho nên điều quan trọng vẫn là dạy con mình trước.
Tài khoản Phương Thảo chia sẻ: “Ở lớp con mình cũng thỉnh thoảng có phụ huynh như thế. Và thường những người khắt khe thế thì con nhà họ lại rất thèm ăn đồ bánh kẹo snack linh tinh. Biết là ăn nhiều không tốt nhưng nếu thế có thể dặn cô trước không cho con ăn là được. Nhưng nói thật là ở lớp con mình có bé bị cấm đoán thế nhưng bé vẫn ‘ăn vụng’ thèm thuồng rất khổ thân. Cô giáo bắt gặp thấy tội quá nên nhắc con không ăn nữa chứ cũng không dám mách lại bố mẹ bé vì sợ bé bị mắng”.
Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cho rằng, có những gia đình con khó nuôi, hoặc gia đình họ coi trọng thực phẩm của con, thì ăn đồ ngọt họ không thích là đúng. Kẹo ăn tí còn tạm chấp nhận chứ ăn thạch thì rất sợ. Mình nên lắng nghe 2 chiều, chọn đồ tốt thì con mình cũng đảm bảo sức khỏe.
“Tôi hỏi thật, có bao nhiêu % các mẹ đi mua bánh kẹo sữa tha tới lớp nhờ cô tổ chức sinh nhật cho con nắm được các khuyến cáo về độ tuổi, về đối tượng sử dụng, về lưu ý với người cơ địa mẫn cảm với thành phần nguyên liệu? Và nếu không may 1 trong số các cháu ở lớp rơi vào nhóm mẫn cảm, xảy ra hậu quả đáng tiếc thì có đẻ ra con mà đền nhà người ta được hay không mà lên án phụ huynh khó tính kia?
Hàng đống các bài học về dậy thì sớm, về phát triển bất thường do thực phẩm biến đổi ien, về ngộ độc do mẫn cảm với thành phần nguyên liệu… nhan nhản mà vẫn không biết sợ. Con nhà mình nuôi sao tùy mình. Nhưng như thế không có nghĩa là mình dễ dãi cả với sự an nguy của con nhà khác thông qua vài cái bánh cái kẹo”, một người nói.
Có phụ huynh cho biết, nhà mình rất khắt khe nên đã chọn trường và các phụ huynh khắt khe về ăn uống giống mình cho con học. Nói không với đồ ăn công nghiệp, sữa thú, thực phẩm rác, thực phẩm biến đổi gen. Đi học lấy kiến thức chứ không đánh đổi cả sức khoẻ của con lấy kiến thức.
Một người gay gắt: “Tôi thấy là nên dẹp cái phong trào tổ chức sinh nhật tại lớp đi. Họ khó tính cũng có cái lý của họ mà. Mấy thứ bánh kẹo đó tôi ở quê, con học trường làng nhưng tôi cũng thấy nó không hề tốt vì không phải phụ huynh nào cũng đủ khả năng chọn lọc xem thứ gì phù hợp với trẻ con. Vấn đề không chỉ nằm ở tiền đâu mà còn nằm ở kiến thức của phụ huynh”.
Bên cạnh đó, có người cho rằng ai cũng có 1 tiêu chuẩn riêng, vậy nên phải chọn môi trường cho phù hợp sẽ không gây ức chế cho bản thân và người khác. Như trường con của chị yêu cầu không mang kẹo bánh đến sinh nhật, chỉ hoa quả và bánh gato, bánh handmade thì tạm chấp nhận. Bản thân chị cũng ít cho con ăn và con cũng không thích ăn lắm nhưng lâu lâu vẫn muốn con được ăn 1 – 2 lần. Tuy nhiên cũng rất tôn trọng trường nên đành gác lại hết, mua đúng những thứ trường cho phép mà thôi.
Hiện câu chuyện vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.