Nữ sinh học giỏi bỏ nhà hơn 20 năm, sống khổ ở xứ người cũng quyết không về nhà, ai nghe chuyện cũng thở dài
Cô gái Đới Liễu sinh ra trong một gia đình tri thức ở thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc. Mẹ cô là giáo sư đại học và bố là nhà báo. Từ nhỏ, Đới Liễu đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ gia đình và luôn có thành tích học tập xuất sắc. Cô là niềm tự hào của cha mẹ. Vì không khí gia đình rất cởi mở nên mối quan hệ cha mẹ – con cái trong nhà họ Đới cũng rất tốt.
Đặc biệt Đới Liễu và bố có mối quan hệ thoải mái, có thể nói chuyện tự nhiên như một người bạn. Cả 2 bố con đều thích đọc sách nên thường đọc sách cùng nhau cũng như trao đổi về nội dung sách. Ông Đới chưa bao giờ vắng mặt trong chặng đường trưởng thành của con gái, luôn là người chứng kiến và thường xuyên động viên, hỗ trợ cho con gái mình.
Tuy nhiên đến khi Đới Liễu học cấp 3, bố lại quan tâm, kiểm soát quá mức cuộc sống của con gái. Dù vẫn rất thần tượng, coi bố là hình mẫu để học hỏi nhưng Đới Liễu dần khó chịu với việc phải báo cáo chi tiết cho bố về các hoạt động cũng như tình trạng học tập của mình.
Có lẽ do bị kiểm soát quá mức hoặc đang ở độ tuổi thiếu niên nổi loạn nên Đới Liễu ngày càng bất mãn, không còn có thể trò chuyện thân mật với bố như trước. Cô bắt đầu muốn trốn thoát khỏi gia đình.
Đới Liễu lúc nhỏ và bố mẹ
Năm 1999, Đới Liễu thi đại học và đạt số điểm 687. Cô vô cùng vui mừng vì với số điểm cao chót vót này, cô sẽ đỗ vào Đại học Bắc Kinh – ngôi trường danh giá top đầu Trung Quốc và cũng là niềm mơ ước của Đới Liễu.
Tuy nhiên đến khi nhận giấy thông báo nhập học, Đới Liễu ngỡ ngàng vì tờ giấy nhận được lại là thông báo nhập học của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Hóa ra ông Đới đã cố tình đổi nguyện vọng của con gái. Trước đây, ông Đới từng thi ngôi trường này nhưng thiếu mất 1 điểm. Ông hy vọng con gái có thể tiếp bước ước mơ của mình. Bên cạnh đó, ông cho rằng, nếu theo học tại ngôi trường này thì khi tốt nghiệp sẽ trở thành viên chức nhà nước, có công việc ổn định.
Nhưng đối với Đới Liễu, một học sinh yêu thích ngành nghệ thuật tự do thì Đại học Bắc Kinh chính là niềm mơ ước cháy bỏng. Đới Liễu đã chăm chỉ học tập hơn 10 năm, nỗ lực hết sức mình nhưng không ngờ chính người bố mà cô luôn thần tượng lại là người dập tắt ước mơ của cô.
Hai bố con sau đó cãi vã nảy lửa. Ông Đới vẫn cho rằng quyết định của mình là đúng. Đới Liễu sau đó nhập học Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc với tâm trạng suy sụp, chán nản. Suốt những năm đại học, Đới Liễu dành cả ngày trong thư viện để học tập chăm chỉ với hy vọng một ngày nào đó sẽ thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ.
Trong những năm con gái học đại học, ông Đới cũng thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập và đến thăm trường nhiều lần nhằm can thiệp vào cuộc sống đại học của con gái. Mong muốn trốn thoát của Đới Liễu cũng ngày càng mạnh mẽ.
Chẳng bao lâu, cơ hội đã xuất hiện. Khi Đới Liễu là sinh viên năm thứ hai, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên đi du học ở Hàn Quốc với tư cách là sinh viên trao đổi. Trường ở Hàn Quốc có thể cấp học bổng toàn phần cho sinh viên.
Đới Liễu được tuyển chọn đi du học nhờ thành tích xuất sắc. Do hạn chế về địa lý nên sau đó, ông Đới không thể kiểm soát con nhiều như lúc trước. Ông Đới lúc đầu nghĩ rằng, con vì tò mò nên mới đi du học Hàn Quốc và sẽ về sau khi tốt nghiệp. Dù gì Đới Liễu cũng là đứa con duy nhất của gia đình.
Tuy nhiên, Đới Liễu đã xa nhà hơn 20 năm. Khi liên lạc lại với mẹ, cô nói với mẹ rằng cô sắp định cư ở nước ngoài và không có ý định quay trở lại Trung Quốc. Một câu nói đã khiến cha mẹ già bật khóc, gia đình hạnh phúc vốn có đã tan vỡ, ly tán.
Người ta nói rằng sau khi tốt nghiệp, môi trường làm việc áp lực ở Hàn Quốc khiến Đới Liễu rất chán nản, nhưng dù vậy, cô không muốn trở lại Trung Quốc.
Sau đó, Đới Liễu gặp người chồng hiện tại trong một chuyến đi nghỉ dưỡng. Hai người mở một quán ăn chỉ phục vụ bữa sáng, sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống.
Khi có tuổi, Đới Liễu dần mở lòng hơn. Cô bày tỏ muốn chu cấp cho cha mẹ đến lúc họ qua đời. Tuy nhiên, ông Đới vẫn canh cánh trong lòng chuyện con gái ra đi không lời từ biệt.
Câu chuyện của gia đình nhà họ Đới khiến nhiều người phải thở dài ngao ngán. Thực tế không riêng gì ông Đới, rất nhiều bậc cha mẹ thường có thói kiểm soát con cái, bắt con phải làm theo ý mình dù con đã khôn lớn, không cho con được tự quyền quyết định tương lai.
Cha mẹ thông minh sẽ không trói buộc đôi cánh của con mà phải học cách buông tay, để con được “tự do bay lượn”. Sẵn sàng buông bỏ mới là tình yêu đích thực dành cho con!