Image Alt

ᴍTintuc

  /  Giáo dục   /  Một chủ đề ảnh hưởng lớn đến tương lai con cái khiến phụ huynh tranh luận rất “căng”: Ai cũng có lý do, tính sao mới “vừa lòng”

Một chủ đề ảnh hưởng lớn đến tương lai con cái khiến phụ huynh tranh luận rất “căng”: Ai cũng có lý do, tính sao mới “vừa lòng”

“Con nhà em học dở mẹ cũng buồn, nhưng con học giỏi mà ẩu mẹ còn buồn hơn”, đó là tâm sự ‘tréo ngoe’ của một bà mẹ ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý. Nguyên nhân cho sự ‘đau đầu’ này của chị đó là: Trước đó, chị sợ không cho học tiền tiểu học thì con lên lớp 1 học không kịp bạn bè. Nhưng khi cho con học tiền tiểu học, lên lớp 1 con đâm ra không thích học nữa.

Cô giáo giảng gì bạn cũng biết hết rồi nên ỉ lại, làm sai nhiều hơn mấy bạn học khác. Biết vậy em không nên cho con học tiền tiểu học”, bà mẹ rầu rĩ.

Trên thực tế, chuyện cho con học tiền tiểu học hay không là vấn đề gây đau đầu cho không ít phụ huynh và cũng gây nhiều tranh cãi. Ngay cả ở topic của bà mẹ nói trên, chuyện “nên hay không” cũng chia phụ huynh ra làm hai “phe”. Nhiều người muốn con được phát triển tự nhiên, không muốn con bước vào con đường học hành sớm mà đánh mất tuổi thơ đầy ý nghĩa. Không học tiền tiểu học thì cũng chỉ sau 2, 3 tháng biết đọc, biết viết. Trừ trí tuệ con mình kém thì phải chấp nhận. Nhưng một số phụ huynh lại lo lắng rằng sĩ số lớp 1 nhiều trường lên tới 40 – 60 học sinh, nếu không học chữ sớm, làm sao con có thể nhanh chóng thành thạo.

Tiền tiểu học là giai đoạn trước khi trẻ bước vào lớp 1, thường là các bé 5 tuổi. Đây là một cột mốc vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khái niệm tiền tiểu học khá rộng, nó không chỉ xoay quanh chuyện học chữ.

Theo chị Hoàng Ngọc Diệp, một beauty & lifestyle blogger, đồng thời là mẹ của em bé Mí 5 tuổi thì: Không giống như ở nước ngoài, khái niệm “tiền tiểu học” được hiểu rộng rãi hơn là hành trang con được chuẩn bị tới khi vào tiểu học khá toàn diện, thì ở Việt Nam cụm từ này cứ nói là các bố mẹ tự động hiểu chính là 1 năm học tập của con trước lớp 1. Và với số đông, sự “học tập” này bao hàm thiên về mặt kiến thức học thuật (hiểu một số khái niệm trừu tượng, xử lý và ghi nhớ một số loại thông tin nhất định ví dụ như học về Toán, Tiếng Việt, Khoa học,…).

Chương trình học tiền tiểu học mà con chị theo học không theo SGK lớp 1, chủ yếu để con làm quen với việc học và các kỹ năng cần có.

Mọi người thường nghe đến cụm này là sẽ lo lắng “nó còn bé, sao bắt học sớm thế?”, các bố mẹ nghe đến sẽ thường chia ra hai lựa chọn “học cho đỡ thua kém bạn bè” hoặc “thôi tuổi thơ có mấy đâu, con thích tới đâu cho học tới đó”. Chính chị Diệp cũng đã trải qua từng đó cung bậc.

“Tiền tiểu học là chương trình không theo Bộ giáo dục, các trường tư hay mầm non đưa vào để chuẩn bị chuyển tiếp cho các con vào tiểu học đỡ vất vả, đỡ ‘ngộp’ về kiến thức và sinh hoạt nên cũng thay đổi tuỳ nơi, tuỳ trường, tuỳ nhu cầu từ phụ huynh. Ví dụ như bé nhà mình khi học tiền tiểu học sẽ được học chữ, học Toán, nếp sinh hoạt dần chuyển tiếp giống với các anh chị tiểu học, làm quen với trường lớp, cách phối hợp hợp tác với các thầy cô chủ động dần”, chị Diệp chia sẻ.

Chương trình của Mí – con gái chị Diệp được kết hợp với các môn nghệ thuật, thể dục đan xen kiến thức. Các kiến thức con cũng hấp thụ rất tự nhiên và vui vẻ, không hề bị nhồi nhét. “Học tập trong vui vẻ, hào hứng thì mới duy trì được lâu dài. Và việc đó phụ thuộc nhiều vào chương trình và các thầy cô, nên chính mình cũng bất ngờ khi con tiếp thu tốt”.

Thường các trường mẫu giáo cũng dần đưa chương trình “tiền tiểu học” học chữ, học Toán vào chương trình các năm cuối mẫu giáo. Nếu không theo hướng đó, các bố mẹ thường sẽ cho con home-school. Cả hai phương án trên đều chỉ phục vụ được mục tiêu về mặt “học thuật”, giúp con trang bị kiến thức trước.

Phương án thứ ba là cho con theo học 1 chương trình “tiền tiểu học” của 1 trường tiểu học khác như bước đệm để con làm quen thêm với ngôi trường đó. Cá nhân chị Diệp nhận thấy đây là phương án toàn diện nhất.

Có thể cho con học “tiền tiểu học” theo một cách khác

Ở độ tuổi mầm non lên tiểu học, trẻ đang quen được chăm sóc, tự do vui chơi, phải chuyển sang môi trường học tập có kỷ luật hay việc tiếp nhận thêm một lượng kiến thức mới rất khác sẽ không tránh rơi vào trạng thái lo âu. Việc trang bị cho bé một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn này rất cần thiết.

Là mẹ của 3 con, trong đó có bé trai năm nay lên lớp 5 và bé gái lên lớp 2, chị Bích Ngọc (Hà Nội) cho biết: Ngay từ khi chưa vào tiểu học, vợ chồng chị đã thống nhất “không chạy đua học thêm tiền tiểu học, không áp lực học hành lên con”. Vì theo chị, thực chất ở lớp mẫu giáo 5 tuổi con đã được làm quen với số và chữ cái. Kiến thức đó đủ để con bắt đầu lớp 1 rồi. Xong lớp 1 rồi con cũng biết đọc biết viết hết cả thôi mà. Học sớm quá có khi lại tác dụng ngược khiến cho các con mất hứng thú với việc học và thấy sợ học.

Một chủ đề ảnh hưởng lớn đến tương lai con cái khiến phụ huynh tranh luận rất căng: Ai cũng có lý do, tính sao mới vừa lòng - Ảnh 1.

Các con của chị Ngọc được mẹ chú trọng việc rèn luyện thể chất

Thay vì đưa con đến lớp tiền tiểu học, chị Ngọc đã đồng hành cùng con bằng những cách chơi mà học sau đây:

Nhà chị Ngọc có thói quen đọc sách, truyện cho con nghe vào mỗi tối trước khi ngủ (đến giờ vẫn được duy trì với cả 3 bé). Mỗi tối sẽ đọc 1 truyện. Khi con muốn nghe thêm chị luôn nói “con học chữ đi, biết chữ là con có thể tự đọc mọi thứ mà không cần nhờ mẹ đấy”.

Không cho con học thêm nhưng chị Ngọc tự dạy chữ cho con ở nhà thông qua trò chơi “đọc sách gạch chân chữ” (trò này là sáng kiến của bố bé). Thay vì bắt con đọc và nhìn bảng chữ cái thì mình lấy 1 cuốn sách hoặc truyện bất kỳ, chỉ cho con 1 trang, nêu đề bài “đố con tìm xem trong đây có bao nhiêu chữ A” (ví dụ vậy) rồi yêu cầu con gạch chân dưới tất cả chữ cái đó trong trang sách.

Mỗi ngày chỉ 10-15 phút. Đi trên đường, bất kỳ bảng hiệu, biển quảng cáo nào cũng đều có thể trở thành “sách vở” của mấy mẹ con. Bé hứng thú hơn hẳn với việc học chữ qua trò này và nhớ rất nhanh.

“Bé lớn nhà mình mất 2 tháng đầu học chậm hơn so với các bạn ở lớp (99% đều đi học hè trước). Con cũng có vài lần bị cô nhắc nhở chuyện viết chữ xấu, chậm. Chúng mình không đặt nặng kỳ vọng học hành vào con nên giai đoạn này hai vợ chồng chấp nhận, không áp lực gì vì thực chất bé nhà mình được đánh giá là nhanh nhẹn, thông minh. Con chỉ cần tập trung hơn là theo kịp. Mình dành nhiều thời gian kèm con học hơn. Mình là người kèm con chữ viết, kỹ năng đọc qua việc đọc sách truyện.

Bố bé là người dạy các mẹo tính toán để bé hiểu được bản chất và dạng toán nào cũng làm được. Sau đó quả thật bé học vượt hẳn lên, hết kỳ 1 đã đọc truyện vanh vách và tỏ rõ hứng thú với môn Toán. Từ lớp 1 tới lớp 4 con luôn đứng đầu lớp. Lớp 2, 3, 4 con đều đạt giải cao cấp thành phố trong kỳ thi Trạng nguyên tiếng Việt. Con rất thích học và ham đọc sách, tìm hiểu thế giới xung quanh rồi kể lại những thứ hay ho cho bố mẹ nghe”, chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc cũng chú trọng việc rèn luyện thể chất cho con.

Với bé gái thứ 2, 90% thời gian lớp 1 của con là học online do dịch bệnh nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Con không hứng thú học nhiều, rất hay mất tập trung, hay ngó nghiêng và làm việc riêng trong giờ học. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn áp dụng quan điểm và cách dạy cũ. Kèm theo đó là chiêu “mỗi ngày 1 câu chuyện”, mẹ đọc truyện cho các con nghe, sau đó tới lượt chị đọc cho mẹ và em nghe.

“Lúc đầu con luôn kêu ‘đọc mỏi mồm’ nhưng giao kèo rồi không trốn được. Sau 1 thời gian kỹ năng đọc của con tiến bộ hẳn. Kết thúc lớp 1 con là 1 trong số ít bạn học top đầu của lớp, đạt giải 3 TNTV thành phố”, bà mẹ 3 con cho biết.

Không đặt kỳ vọng con phải học hành giỏi giang, không tạo áp lực cho con, tuy nhiên các con của chị Ngọc vẫn cần hoàn thành bài tập cô giao trên lớp, đây là nhiệm vụ và con phải tự chịu trách nhiệm về việc này. Thói quen tập trung, tự học, tự chịu trách nhiệm là những thứ căn bản phải có nếu con muốn thành công. Điều này cần thời gian kiên trì rèn luyện hướng dẫn.

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x