Image Alt

ᴍTintuc

  /  Giáo dục   /  Lên tiếng vụ “trường quốc tế phát sách 18+”, một hot mom bị mắng: “Không biết phân biệt sách giáo dục giới tính và văn học!”

Lên tiếng vụ “trường quốc tế phát sách 18+”, một hot mom bị mắng: “Không biết phân biệt sách giáo dục giới tính và văn học!”

Những ngày qua, cuốn Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian của tác giả Ocean Vuong trở thành tâm điểm tranh cãi khi một phụ huynh có con học trường quốc tế phản ánh nội dung có chứa yếu tố 18+.

Theo những hình ảnh do vị phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội, cuốn sách này chứa những đoạn văn mô tả chi tiết về cơ thể người, bộ phận nhạy cảm và các hành động tình dục. Thậm chí, một đoạn văn có cả từ ngữ thô tục để nói về việc quan hệ tình dục nam – nam.

Ở phần bình luận, phụ huynh đưa ra hàng loạt phản ứng trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng nội dung của cuốn này quá phản cảm, không phù hợp với học sinh lớp 11. Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại cho rằng đây là một cuốn sách hay, được review tốt, học sinh lớp 11 đã 16 – 17 tuổi có thể đọc như một cách để giáo dục giới tính.

Liên quan đến sự việc, mới đây, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, cho biết Cục đã gửi công văn yêu cầu nhà xuất bản thẩm định lại cuốn Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian. Tuy nhiên, trên mạng xã hội và các diễn đàn, những ý kiến tranh cãi về cuốn sách vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lên tiếng vụ trường quốc tế phát sách 18+, một hot mom bị mắng: Không biết phân biệt sách giáo dục giới tính và văn học! - Ảnh 1.

“Lo nhưng không cấm, vì cấm cũng chả để làm gì”

Mới đây, một hotmom và cũng là tác giả của nhiều đầu sách về nuôi dạy con đã dẫn ý kiến của con gái đang du học ở nước ngoài, đồng thời nêu quan điểm về sự việc trên một diễn đàn dành cho phụ huynh. Chị cho biết, con mình đang tuổi teen, cũng từng đọc Ocean Vương năm lớp 11, bản gốc tiếng Anh. Bây giờ thì bé đang du học, vẫn giữ gìn nếp nhà phương Đông, vẫn ngoan, vẫn học giỏi, hoạt động cộng đồng nhiều. Ở nhà nhật ký vẫn để “tơ hơ”, điện thoại, laptop vẫn không thèm giấu mật khẩu…

Bà mẹ này cũng cho biết, về mấy trang sách nhạy cảm đang được trích, chị có lo lắng. Tuy nhiên nếu hỏi có cấm con đọc không thì chị không cấm. Vì biết là cấm không nổi và cũng chả để làm gì. Thực ra những nguy cơ lớn nhất với con cái mình, lại là điều khác.

Bà mẹ trích những điều con viết: “Mình đã đọc cuốn On Earth We’re Briefly Gorgeous năm 2022, cũng lớp 11. Mình đọc phiên bản tiếng Anh và dù không hiểu được hết 100%, mình vẫn nể phục cách viết của Ocean Vuong. Mình chỉ có thể miêu tả như tên tựa sách, rất rực rỡ. Những giờ đồng hồ vừa qua, mọi người đã quá tập trung vào 3 trang miêu tả cảnh nóng, mà có lẽ ít ai đã thật sự đọc qua tác phẩm dài 256 trang này.

Không phải tự nhiên mà cuốn sách trở thành best-seller của New York Times, được cho vào danh mục sách của đề thi AP English Literature năm 2022, được đề cử cho giải thưởng National Book Award for Fiction và liên tục góp tên trong list các đầu sách đáng đọc của năm 2019, bình chọn bởi cách nhà xuất bản lớn như Time, The Guardian, The Harvard Crimson, Vogue, Washington Post,…

Mình muốn trích nguyên văn (tiếng Anh) của cuốn sách ở đây, biết đâu mọi người sẽ có thêm góc nhìn về nó: ‘In Vietnamese, the word for missing someone and remembering them is the same: nhớ. Sometimes, when you ask me over the phone, Có nhớ mẹ không? I flinch, thinking you meant, Do you miss me? I miss you more than I remember you’.

Chưa bao giờ, mình thấy từ ‘nhớ’ của tiếng Việt lại rực rỡ đến như vậy.

Mình đọc sách và nhớ những trải nghiệm của nhân vật về mối quan hệ trong gia đình, sự bấp bênh của cuộc sống hậu chiến, của người nhập cư. Chứ cảnh nóng đọc xong trôi tuột khỏi đầu luôn, không có nghĩ về nó ngày đêm như nhiều ba mẹ lo đâu.

Mình đọc được một bình luận trong bài viết của mẹ mình rằng, đến tựa đề của cuốn sách cũng có vấn đề. Mình thật sự rất thắc mắc vấn đề nó là gì? Có thể phụ huynh nghĩ sâu xa hơn tụi con lắm đó, con chỉ thấy dịch vậy vừa hay, vừa giữ trọn nghĩa ‘Briefly Gorgeous’ mà thôi.

Một cuốn sách với 3 trang ‘trần trụi’ kia sẽ không thể nào vẽ đường cho hươu chạy sai hướng, nếu nó đã được huấn luyện từ trước. Thay vì sợ hãi, cấm đoán, sao người lớn không dạy tụi mình về giáo dục giới tính? ‘Con còn quá nhỏ để biết những thứ này’ vậy khi nào là đủ lớn?

Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin mở, luôn có cách để tiếp cận đến nguồn thông tin mình mong muốn. Cấm một cuốn sách không có tác động gì nhiều, khi những trang web phim heo, truyện 18+, bài hát với lời nhạc nhạy cảm,… vẫn tràn lan trên mạng.

Cấm đoán, vừa là điều không thể làm được triệt để, vừa chẳng đáng để làm. Mình nghĩ rằng câu nói ‘vẽ đường cho hươu chạy’ trong bối cảnh giáo dục giới tính cần được thay đổi ý nghĩa. Chạy là bản năng của hươu, nó không thể sinh tồn và trưởng thành nếu không di chuyển. Dù có vẽ đường hay không thì hươu vẫn chạy”.

Cần phân biệt được sách giáo dục giới tính và văn học

Dưới phần bình luận, hầu hết là những ý kiến không đồng tình với bà mẹ này. Nhiều người cho biết, chị đang lẫn lộn giữa sách văn học và tài liệu giáo dục giới tính, đồng thời không hiểu rõ về chương trình học của trường quốc tế.

Một phụ huynh phản biện: “Sao chị cứ cố đánh tráo khái niệm sang việc giáo dục giới tính vậy? Thứ nhất, đây là môn Văn. Cô giáo Văn nào có đủ chuyên môn và thẩm quyền dạy giáo dục giới tính? Hóa ra giáo dục giới tính bây giờ là phải cho đọc các dạng văn hóa phẩm như vậy sao? Tôi cứ tưởng các trường quốc tế dạy giáo dục giới tính khoa học chặt chẽ và cẩn thận lắm. Chứ dạy kiểu này thì dễ dàng quá”.

Luồng ý kiến này cho rằng, bài viết quá nhiều sự so sánh khập khiễng, việc tự tìm nội dung 18+ trên mạng khác khác với việc mang một cuốn sách có những trang chưa đảm bảo về mặt thẩm mỹ khi viết về nội dung “người lớn” làm học liệu trong nhà trường. Một học sinh đọc thứ gì đó, đó là lựa chọn cá biệt và lựa chọn tự thân của nó. Còn khi giáo viên đưa cho cả lớp, cả lớp đã được chọn thay hay nói cách khác, chúng bị tước quyền lựa chọn. Có cảnh 18+ thì phải khuyến cáo, vì đọc sách hay quan hệ tình dục là những hoạt động/lựa chọn cá nhân. Sách có cảnh 18+ mà nhà trường để học sinh dưới 18 tuổi đọc không tham khảo ý kiến của phụ huynh – người giám hộ là sai. Sai là sai, không thể mang lý do chỉ có dăm ba trang tả cảnh nóng còn lại nó là tác phẩm tuyệt vời để bao biện được.

“Chạy là bản năng của hươu, nó không thể sinh tồn và trưởng thành nếu không di chuyển. Dù có vẽ đường hay không thì hươu vẫn chạy”. Nhưng quan trọng là “vẽ đường” nào để con chạy đúng hướng, chứ không phải quăng đại vài ba trang rồi bảo đó là giáo dục giới tính, đó là “con đường”.

Người khác nhận định, với sách liên quan đến chủ đề nhạy cảm đọc bằng tiếng Anh vẫn khác tiếng Việt nhiều. Tiếp đến là sự phù hợp lứa tuổi. Chẳng hạn, 1 cuốn sách viết về giáo dục giới tính hay chủ đề nhạy cảm đọc năm 13 tuổi khác hẳn so với đọc năm 18, 20 tuổi và nhất là khi đã có trải nghiệm.

Tầm vị thành niên khi đối diện với những chủ đề tế nhị như thế này quan trọng là cần có người đọc cùng, tầm hiểu biết rộng, cách truyền đạt hóm hỉnh để dễ dàng chia sẻ, thảo luận cùng các con/em mình. Trong khi giáo dục giới tính còn hạn chế, một trường hợp như con nhà hot mom này cũng không dại diện cho số đông trẻ Việt Nam.

Nhiều người có con học trường quốc tế cho biết, với Chương trình IB môn Văn học không cho phép nội dung tài liệu học tập có nội dung 18+, tự tử hay nhiều quy định khác khá khắt khe. Ở đây là cô giáo đang làm sai quy trình và tắc trách dẫn đến sự việc kia, trường quốc tế nếu đúng đã không thu hồi sách.

“Ở đây, chị này đang viết bài có 2 ý: 1 là sách hay, không nên chê. 2 là chị ấy cho rằng những trang miêu tả trần trụi về tình dục kia (bằng tiếng Việt) là giáo dục giới tính. Như thế càng khẳng định chị ấy không biết gì luôn. Trường quốc tế có lộ trình dạy giáo dục giới tính từ lớp 1 trở đi và cực kì khoa học! Nhưng không có bất cứ thứ gì giống như trang sách này của Ocean Vương”, một phụ huynh nói.

Trước phản ứng của phụ huynh, bà mẹ này giải thích: “Đầu tiên thì đây là bài viết của con gái mình, một học sinh đã đi du học rồi, và chả liên quan gì tới trường quốc tế kia, mình cũng không quảng cáo cho họ.

Con mình đã có trả lời 1 câu hỏi tương tự trên trang của bé, mình ‘copy’ qua nha: ‘Mình không nói đọc cuốn này bằng giáo dục giới tính. Đọc 3 trang sách kia không cung cấp đủ kiến thức cần thiết. Ý mình là, thay vì cấm đọc sách, vì lo sợ những chi tiết về giới tính, hãy dạy con về giáo dục giới tính. Hãy trò chuyện về quan hệ tình dục an toàn, về tình yêu lứa đôi, hãy chia sẻ cả những nỗi lo, trăn trở để cả hai bên hiểu nhau hơn. Khi ấy thì không cần cấm nữa, con sẽ tự biết chọn lọc thông tin phù hợp, đúng đắn’.

Cuốn sách này là sách văn học, và giáo viên cũng không dùng để dạy giáo dục giới tính bằng cuốn này, nhưng phụ huynh đang lo những chi tiết nói về giới tính trong cuốn này, nên không quan tâm tới chất văn học của cuốn sách”.

Hiện sự việc vẫn đang thu hút tranh luận.

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x