Họp lớp cấp 3, cuối bữa góp 700k/người, người cũ làm giám đốc tuyên bố “bao” 5 bàn ăn: Tôi lập tức rời khỏi nhóm lớp
*Bài chia sẻ của anh Lưu Thành Quân hiện đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc
Tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc chúng ta kết thúc 12 năm đèn sách. Có những lúc trong cuộc sống bận bịu với công việc, gia đình, ta chỉ muốn quay về những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ ấy.
Có người nói thời gian sẽ làm mờ nhạt mọi thứ. Nhưng tôi lại không cho là như vậy, những người bạn của tôi năm ấy, những cái tên, những khuôn mặt của mọi người vẫn nằm nguyên vẹn trong ký ức tôi.
Với tôi, con người ở hiện nay ngày càng sống thực tế. Nhưng có một thứ luôn luôn thuần khiết đó chính là tình bạn.
Cuộc sống xa quê
Khi tôi học cấp 3, so với các bạn học lực của tôi kém hơn cả, thi đại học lại càng không đậu. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không có ý định ôn thi lại mà ở nhà trồng cây thuốc. Tuy nhiên tiền không kiếm được là bao nên tôi chuyển sang kinh doanh đồ ăn.
Đến năm 2015, con trai cả của tôi học cấp 3. Vợ tôi nói rằng chi phí sinh hoạt và nuôi con cái ngày càng tốn, nếu cứ ở quê làm ăn e rằng sẽ có nhiều khó khăn nên cô ấy muốn chúng tôi lên thành phố làm ăn. Thời gian thấm thoát trôi qua, ba năm sau, trừ những chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà, mỗi năm tôi dư khoảng 4,5 vạn NDT (tương đương với 140 – 150 triệu VND). Tôi khá hài lòng với cuộc sống.
Làm ăn ở đây, thỉnh thoảng tôi gặp một số người bạn cũ. Tình cảm chúng tôi bao nhiêu năm vẫn thân thiết, gắn bó như hồi cấp ba. Sau khi nói chuyện, tôi mới biết là trong những các bạn của tôi có người ở nhà kinh doanh nấm, có người mở một xưởng gỗ, có người làm cán bộ thôn, người làm ao nuôi cá. Tôi nghĩ là cho dù các bạn làm bất cứ ngành nghề gì thì họ vẫn giữ được sự “thuần khiết” như hồi đi học.
Buổi họp lớp “đáng nhớ”
Thứ 3 tuần trước, một người bạn trong lớp tôi là giám đốc của công ty ở Nam Kinh về thăm quê. Hồi cấp 3, tôi và bạn chơi rất thân. Sau khi nhận cuộc gọi của một người bạn trong lớp nói rằng lớp chúng tôi sẽ tổ chức một buổi họp lớp. Nghe thấy vậy, tôi vui vẻ và đồng ý ngay. Sau bao nhiêu năm không gặp tôi cảm thấy rất nhớ mọi người.
Vào ngày hôm đó, đa phần các bạn học đều đến. Trong tổng số 56 người thì có đến 47 người tham gia. Một số người vì bận nên không đến.
Tôi đi cùng với 4 người bạn thân thiết trong lớp đến.Tôi để ý rằng phải có đến 90% các bạn tôi đều đi xe ô tô sang trọng.
Sau khi chúng tôi chụp một bức ảnh lưu niệm, cảnh tượng tiếp theo làm tôi hoàn toàn thất vọng.
Tôi không ngờ những người bạn của tôi năm xưa, giờ đây cuộc nói chuyện của họ chủ yếu là cố tình khoe khoang sự giàu có của mình: nhà cửa, xe cộ, những chuyến du lịch nước ngoài,… Nó làm tôi xấu hổ vì cảm thấy thua kém mọi người.
Khi chúng tôi ăn xong, người bạn đứng ra tổ chức buổi liên hoan thanh toán bữa tiệc, nói rằng mỗi người phải nộp 200 NDT (tương đương với hơn 700 nghìn VND). Đột nhiên có một người bạn giàu cất tiếng: “Tôi sẽ chi trả cho 5 bàn ăn, bạn nào mà gia đình hoàn cảnh khó khăn một chút có thể được hưởng lợi nhé”. Nghe xong câu nói đó, tự dưng tôi cảm thấy mình không được tôn trọng.
Có thể nói người giàu có sẽ được người khác tôn trọng, người nghèo sẽ nhận được ánh mắt khinh thường. Khi ăn cơm, những người có tiền sẽ ngồi chung một mâm và ngược lại những người nghèo sẽ ngồi một bàn góc. Tôi cảm thấy rằng người như chúng tôi căn bản không có quyền phát ngôn, còn những bàn kia ăn uống ầm ĩ ồn ào.
Đúng là vạn vật đều thay đổi. Sự khác biệt về gia cảnh, công việc, kinh tế đã làm chúng tôi ngăn cách với nhau. Tôi thật không ngờ được rằng chuyện đó lại xảy ra ngay trong lớp tôi.
Tôi đã từng nghĩ là, tình cảm chúng tôi sẽ thuần khiết giống như hồi cấp 3. Buổi họp lớp sẽ diễn ra trong khung cảnh đầm ấp, chúng tôi được ôn lại những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi học trò. Nhưng sự thật chỉ khiến tôi đau lòng.
Ngay sau khi bữa tiệc kết thúc, tôi đã rời khỏi nhóm lớp mà tôi vừa tham gia được một tuần. Tôi nghĩ rằng sau này tôi sẽ không bao giờ đi họp lớp nữa.