Hé lộ “áp lực” chuyện chăm sóc vườn tùng la hán 11.000m2, riêng 1 cây có giá bằng cả căn chung cư Hà Nội
Vườn tùng la hán tọa lạc tại Đông Anh, Hà Nội có diện tích lên tới 11.000m2, bao gồm khoảng 3.000 cây tùng la hán và thông đen, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Chủ nhân của khu vườn là anh Lưu Công Thành – doanh nhân có tiếng trong giới kinh doanh cây cảnh hạng sang tại Việt Nam.
Anh Thành đã có khoảng 19 năm kinh nghiệm để gây dựng nên một khu vườn Nhật với hàng trăm gốc tùng đồ sộ như hiện nay.
Theo anh Thành, giống tùng la hán của Nhật có tuổi đời cao hơn, dáng thế cũng đẹp hơn. Còn ở Việt Nam, tùng la hán chưa có nhiều cây đẹp. Bởi ngày xưa, người dân hay trồng một cách tự do hoặc có những người làm theo dáng thế được thì cũng chỉ duy trì những dáng nhất định, không đa dạng.
Vườn tùng la hán rộng 11.000m2 của anh Lưu Công Thành
Vị doanh nhân tiết lộ, việc vận chuyển những cây tùng la hán về Việt Nam phải trải qua rất nhiều khó khăn. Cây tùng to tán rộng, thân rất nặng, phải dùng cả xe cẩu để vận chuyển rồi sau đó được đưa lên tàu vượt biển từ Nhật Bản về Việt Nam.
“Quá trình này mất khoảng 1 tháng. Không ai tưới nước, về tới Việt Nam, cây vẫn sống được, vẫn xanh tốt”, anh Thành cho biết.
20 nhân công chăm sóc vườn tùng la hán
Để có được những cây tùng to, khỏe đẹp, anh Thành thuê tới 20 nhân công chăm sóc cho khu vườn hàng ngày.
Dù là loại cây bền đẹp, sức sống cao nhưng khi về Việt Nam, điều kiện khí hậu, thời tiết khác với ở Nhật Bản, những kỹ thuật viên trong vườn vẫn phải thường xuyên chăm sóc cho cây phát triển tốt.
Thời điểm cây mới được trồng xuống đất, thợ trồng cây phải be bờ mặt bầu đất theo kiểu hình chảo để giữ nước cho gốc cây khi được tưới.
Anh Lưu Công Thành (bên trái) đã có 19 năm kinh nghiệm
Anh Nguyễn Quốc Hoàn – kỹ thuật viên khu vườn cho biết: “Chất đất Nhật Bản tươi xốp, còn ở Việt Nam, đất thịt nhiều hơn. Đội ngũ kỹ thuật phải pha thêm cát để đảm bảo cây không bị úng nước. Còn việc đắp bầu đảm bảo lượng nước ngấm được vào bầu”.
Tùng là loại không chịu được ngập úng nhưng lại rất ưa nước. Mỗi ngày, người chơi cây nên tưới nước đủ hai lần/ngày trong vòng ba tháng đầu, sau đó, duy trì lượng nước tưới một lần/ngày. Nước cần được tưới đủ ở mặt bầu đất của gốc cây và trên cả tán lá cây.
“Nếu lá nhạt màu, không còn xanh đậm, đó là dấu hiệu của thừa nước. Còn khi thiếu nước, lộc non của cây gặp nắng sẽ bị rủ, cháy mất lá, không bật lộc được tiếp”, anh Hoàn nói.
Các kỹ thuật viên của vườn sẽ tiến hành cắt tỉa, tạo tán cho cây định kỳ một năm hai lần. Trong đó một lần vào cuối tháng 5, qua đợt nắng nóng sẽ cắt địa – hay còn gọi là cắt moi để cây vào dáng đẹp hơn. Còn một lần là vào cuối năm, sát Tết để cây bật lộc đồng loạt.
Cây 500 tuổi vẫn chưa tháo nẹp bán cho khách ở Hạ Long
1 cây có giá bằng cả căn chung cư
Trong khu vườn của anh Thành, cây tùng có tuổi đời lâu nhất đã tồn tại khoảng 700 năm, được đưa về từ tỉnh Chiba, Nhật Bản. Vanh cây (chu vi vòng gốc) khoảng 330 cm.
Quá trình đưa được cây tùng 700 năm về Việt Nam cũng rất vất vả. Có rất nhiều người Nhật từng hỏi mua nhưng chủ nhân không bán. Sau khi họ qua đời, anh Thành mới may mắn được con trai của người này nhượng lại.
“Khi tôi đưa cây ra đến cảng, tất cả những người Nhật xung quanh khá trầm trồ, tiếc nuối bởi một cây đẹp như vậy được đưa sang Việt Nam”, anh Thành kể.
Vị doanh nhân còn tiết lộ về một cây có dáng cánh chim vô cùng khó vận chuyển, đưa từ trên núi về. Theo anh, chỉ tính tiền tháo dỡ, di dời 6 hộ dân, xây lại tường bao và gò cành đã tương đương giá một căn chung cư.
Nguồn: VTC Now, Tổng hợp; Ảnh: Nhà TO