Hãy bình thường hoá việc về nhà lúc 17h30 nếu đã làm đủ việc, đừng ở lại rồi kiệt quệ vì sếp bóng gió bức hình văn phòng 2h đêm vẫn sáng đèn ở đâu đó
“Dạo này còn làm agency không em? lâu lắm không thấy ‘job’ nào nhắn anh”.
“Em nghỉ rồi anh ơi, không kham nổi nên em mới nghỉ hồi Tết”.
Những cuộc hội thoại ngắn như vậy thỉnh thoảng lại diễn ra giữa tôi và những người đồng nghiệp trong ngành truyền thông, marketing. Ra Tết, vài đứa em nghỉ làm. Hỏi nghỉ làm có dự định gì chưa, mấy đứa đều nói, “nghỉ vài tháng, lấy lại sức đã anh”.
Gần 10 năm đi làm, tôi không nhớ đã viết bao nhiêu bài báo, liên hệ bao nhiêu người để phỏng vấn câu chuyện kiệt quệ vì làm việc quá sức. Nhiều lúc viết bài về họ và cũng nghĩ đến bản thân mình; không ít những câu chuyện thương tâm, đột quỵ trong khi làm việc đến từ những người đồng sự trong ngành truyền thông, agency, production house…
Tôi còn nhớ như in tiêu đề mình từng đặt: “những người trẻ bán máu, bào sức”. Giờ nghĩ lại, có lẽ họ không chủ động “bán” cái gì hết. Họ không có quá nhiều lựa chọn khi bên tai là những lời rỉ rả, “Em ơi khách chỉ cho mình 2 ngày để hoàn thành phim quảng cáo này thôi” hay “Deadline 8 giờ sáng cho khách còn duyệt, mấy đứa tính sao thì tính”.
Đằng sau những lời rỉ rả đặc thù ngành, ở một thế giới rộng hơn, có những người ngày đêm vẫn thì thầm vào tai công chúng tư tưởng tương tự, cổ vũ cho một thói quen làm việc độc hại: Phải làm việc tới 12 đêm, thậm chí tới sáng, người trẻ phải lăn xả, phải nỗ lực điên cuồng, phải lết mình ở thư viện tới sáng hay nửa đêm các tòa nhà văn phòng vẫn sáng đèn, các bạn trẻ phải thấy xấu hổ khi hơi tí là đòi đi chữa lành, làm việc 5 giờ chiều đã đòi về.
Đó mới là mục tiêu người trẻ cần hướng tới.
Công việc có lúc vội lúc gấp, tôi không bao giờ có ý kiến mỗi lần phải làm việc quá giờ nếu công ty có sự kiện gấp hoặc như đặc thù của ngành báo với “múi giờ” lệch so với các ngành khác. Nhưng có những người, họ kỳ vọng thế hệ trẻ phải giữ tinh thần “làm việc tới sáng” ấy bất kể ngày tháng, lúc nào cũng phải đặt mình trong thế “trực chiến”, phải “máu lửa”.
Ngày nào cũng thức khuya, liệu chúng ta sẽ thành công?
Chưa biết thức khuya làm được gì, nhưng việc thức khuya ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư. Theo nhiều nghiên cứu tổng quan về ung thư, ngủ ít hơn 6h dẫn đến nguy cơ tăng tỉ lệ ung thư 41%, nếu trưa không ngủ ngắn khoảng 1 tiếng tăng tỉ lệ ung thư 60%. Tỷ lệ ung thư của người trẻ ngày càng cao, kể cả với những loại ung thư trước giờ thường không gặp ở người trẻ như ung thư dạ dày, trực tràng… Một phần nguyên nhân vì thói quen sinh hoạt và tình trạng căng thẳng trong công việc cuộc sống.
Nhiều người coi việc làm tới khuya, tới sáng sớm như một “thành tựu” khi ngày ngày vẫn có hàng nghìn người rao giảng tư tưởng đó. Tôi biết không ít người bạn thức khuya đôi khi không để làm gì nhưng vì áp lực “phải thức khuya” nên vẫn đang tự bào mòn sức khỏe của bản thân. Đến một lúc, khi đã quen giấc với việc thức khuya, việc xây dựng lại thói quen ngủ sớm trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng liệu sức khoẻ thể chất có phải vấn đề duy nhất với câu chuyện thức khuya làm việc? Làm việc tới sáng triền miên để làm gì? Vì yêu thích công việc hay vì theo đuổi những giá trị vật chất?
Nếu bạn yêu thích công việc đến vậy, hãy nghĩ kỹ vì cuộc sống còn dài để có thể làm việc, thay vì phải thức đến sáng. Tôi tin rằng những người đam mê công việc thực sự sẽ muốn dành cả cuộc đời để tận hiến, chứ không chỉ làm 20 năm đầu để rồi sức khỏe kiệt quệ và hối hận.
Nếu bạn theo đuổi giá trị vật chất, chúc mừng bạn vì đúng là tiền có thể khiến con người ta hạnh phúc. Trong cuốn sách “Psych – The Story of Human Mind” tác giả Paul Bloom – giáo sư tâm lý học tại đại học Yale, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người ở quốc gia thu nhập cao có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống cao hơn những người ở quốc gia thu nhập thấp. Trong cùng một quốc gia, người có thu nhập cao hơn có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống cao hơn người thu nhập thấp hơn.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, việc theo đuổi vật chất và tiền bạc là một trong những nguyên nhân chính khiến con người không hạnh phúc. Lời khuyên của Paul Bloom? Một là bạn sinh ra đã giàu sẵn hoặc kiếm tiền dễ dàng, còn không hãy đa dạng hoá phương thức để có một cuộc sống “trọn vẹn” (well-being) thay vì chỉ tập trung vào kiếm tiền khi ốn dĩ hạnh phúc không khởi tạo từ một yếu tố duy nhất.
Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc (Life Sastisfaction) năm 2024 cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam ở thứ hạng 54, trong khi Trung Quốc xếp sau Việt Nam 6 bậc ở thứ hạng 60. Suy cho cùng, không phải chúng ta mong muốn một cuộc sống hạnh phúc hay sao? Tôi không cần nhìn về các nước phương Tây xa xôi nơi nhiều nước đã nói về việc làm việc 4 giờ một ngày, nơi không ai thấy áy náy khi rời khỏi văn phòng vào lúc 5h30 chiều hay quyền được ngắt kết nối đã được xem xét đưa vào luật. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi người ta vẫn copy những hình ảnh trên mạng về các văn phòng thư viện sáng đèn quanh năm làm minh hoạ cho sự nỗ lực, người dân đang thấm dần những hậu quả của văn hoá làm việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9h tối, 6 ngày làm việc mỗi tuần) và rất nhiều người trẻ chọn đi ngược lại tư tưởng trên để có một cuộc sống trọn vẹn. Trong các chính sách Trung Quốc đưa ra để thúc đẩy gia tăng dân số, giảm áp lực công việc và số giờ làm việc là một chủ trương được nhiều người hưởng ứng.
Thế nên, đừng nhặt về những tư tưởng đang bị chính người dân nước khác đào thải.
Trong nền kinh tế hiện đại, tăng chất lượng người lao động là một mục tiêu hàng đầu được Chính phủ đề ra. Vấn đề cần được quan tâm là hiệu suất lao động trong thời gian ngắn chứ không phải thời gian lao động dài đằng đẵng. Tại sao các công ty không khuyến khích người lao động tập trung làm việc hiệu quả trong 7-8 tiếng/ngày và thời gian còn lại dành cho bản thân và các mối quan hệ? Làm việc dài không đồng nghĩa với làm việc hiệu quả, đôi khi chỉ đơn thuần là sự phản ứng của người lao động với kỳ vọng “nhân viên cần làm việc tới đêm”.
Tôi tin rằng, dù có bao nhiêu luận điểm, dẫn chứng cũng khó lòng thay đổi những người gắn chặt với tư tưởng này. Vì sao? Vì đằng sau những tinh thần hết sức “nhân văn”, cổ vũ hô hào đó là mong muốn những người trẻ sẽ vắt kiệt sức để làm việc cho họ. Những tư tưởng què quặt “làm việc máu lửa tới 4h sáng”, “thức khuya mới thành công” được tiêm nhiễm vào đầu người khác ấy đến từ rất nhiều các chị bán hàng online, các doanh nhân mới khởi nghiệp, các anh chị đa cấp lúc nào cũng rao giảng bài ca đội nhóm, làm tới 12h đêm, dậy lúc 5h sáng đón bình minh rồi cùng nhau lên Zoom hô hào “Chúng ta sẽ thành công”.
Không, làm ơn, xin các anh chị dừng lại.
Hãy bình thường hoá việc đi ngủ vào lúc 11:00 tối mà không phải canh cánh vì công việc, không phải ôm một nỗi lo rằng, “không thức khuya thì sẽ thất bại?”.
Hãy bình thường hoá việc về nhà lúc 5h30 chiều nếu chúng ta đã làm đủ việc. Không có gì sai khi chúng ta biết “đủ” cả. Bạn có thể không về lúc 5h30 vì tắc đường, nhưng đừng ở lại chỉ vì thấy sếp đăng một tấm hình văn phòng sáng đèn ở Trung Quốc và những lời bóng gió.
Và hãy bình thường hoá việc chúng ta – đặc biệt là người trẻ, có quyền được ngắt kết nối, được tìm đến những giải pháp hỗ trợ tâm lý, được nghỉ ngơi mà không phải chịu bất cứ sự đả kích nào. Nghỉ ngơi và cho bản thân những khoảng thời gian một mình không phải biểu hiện của một thế hệ yếu đuối, mong manh.
Đó là biểu hiện của một thế hệ biết ưu tiên những điều quan trọng.
***
Nếu có một bài test CAPCHA để kiểm tra xem chúng ta là con người hay AI, tôi sẽ hỏi:
“Hãy chọn những hình thể hiện một cuộc sống trọn vẹn với bạn”.
“Liệu đó có phải cuộc sống làm việc tới đêm, tới sáng không?”.
“Nếu không, bạn qua đã bài kiểm tra này. Chúc mừng, bạn thực sự biết điều gì làm nên một cuộc sống tốt đẹp”.