Gen Z kéo lên Threads bàn luận chơi vàng, đầu tư chứng khoán cho đến làm giàu: Thích nghe lời khuyên tiền nong từ MXH hơn chuyên gia tài chính
– Dạo này cứ lên Threads là thấy mọi người nói về chuyện kiếm tiền.
– Ô, bảnh phát hiện cứ post nào về chủ đề tài chính là lên xu hướng trên Thread này.
– Sao mọi người share về tiền nong dễ dàng như thế nhỉ?
– Học hỏi trên Threads, bảnh vừa nhận hoàn lại thuế thu nhập cá nhân đấy .
Đó là những gì giới trẻ đang bàn tán về Threads – nền tảng MXH đang lên trong thời gian gần đây. Tiền nong vốn là chủ đề nhạy cảm, tuy nhiên cứ lướt 10 post trên Threads thì lại thấy phân nửa bài đăng về chủ đề khởi nghiệp, làm giàu, đầu tư và quản lý tài chính. Nhắc đến tiền bạc là nhiều người lại thấy nhạy cảm, nhưng tại sao trên Threads một bộ phận giới trẻ lại thoải mái thảo luận về chủ đề này đến vậy?
Các “bảnh” đổ bộ Threads: Bàn luận từ chơi vàng, đầu tư chứng khoán cho đến cách kiếm trăm triệu đồng từ con số 0
Lướt Threads, không khó để bạn bắt gặp đa dạng chủ đề về tiền bạc đến từ các “bảnh” (từ lóng mà người trẻ đang dùng để xưng hô trên Threads).
Có người coi đây là nơi để flex thu nhập qua các năm, con đường trở nên giàu có hơn bằng những công việc như khởi nghiệp mở quán cafe, kinh doanh riêng, làm KOL, nhiếp ảnh gia,… từ con số 0. Một số lại dùng mạng xã hội này để chia sẻ thói quen đầu tư như mua vàng và chơi chứng khoán,… hoặc cách họ phân bổ thu nhập hàng tháng, tiết kiệm tiền và quản lý tài chính cá nhân. Trong khi đó, những “bảnh” khác lại coi Threads như một công cụ tìm kiếm thông tin trước các thắc mắc về tiền nong, như: “Nên mua vàng thế nào?”, “Làm quyết toán thuế ra sao”,…
Từ kinh nghiệm đầu tư như vàng, chứng khoán,…
Có “bảnh” lại đùng để hỏi thông tin về lĩnh vực tài chính, tiền nong
Những cuộc thảo luận liên quan tiền nong thường bị đánh giá là nhạy cảm khi được chia sẻ công khai, đặc biệt còn trên một nền tảng MXH – nơi số người tiếp cận câu chuyện của bạn có thể gấp đôi, gấp ba so với chia sẻ ngoài đời thực.
Vậy theo chính Gen Z, những yếu tố nào đang tạo nên sự khác biệt của Threads để họ cởi mở chia sẻ về câu chuyện tiền nong của mình?
Thứ nhất, Threads là nền tảng mạng xã hội mới. Do đó so với các nền tảng mạng xã hội lâu đời hơn, thì sự mới mẻ của Threads lại là ưu thế để người dùng thoải mái chia sẻ câu chuyện của họ, và tài chính là một trong số đó.
Đây cũng là lý do mà Thanh Thảo (SN 2002, sinh viên) chọn Threads để chia sẻ về câu chuyện chi tiêu trong giai đoạn thất nghiệp của mình và thói quen mua vàng hàng tháng. Ban đầu, Thanh Thảo coi Threads giống như một nơi để cô viết “nhật ký” hàng ngày. Mà viết nhật ký thì đâu có ngại nói lên những câu chuyện, dù thỉnh thoảng có thể trở nên hơi “nhạy cảm” trong mắt nhiều người?
Đồng tình với quan điểm này là Ngọc Thảo (SN 1995, Giám đốc phát triển kinh doanh). Cô nàng đang dùng nền tảng này để chia sẻ về cuộc sống đời thường, cách quản lý tài chính và câu chuyện đi làm. Ngọc Thảo nhận định: “Theo mình quan sát, Threads ban đầu được mệnh danh là nền tảng ‘chữa lành’. Mọi người thoải mái đăng tải bài viết, kiểu ‘ai đăng gì gì lên cũng được vì ít ai dùng’, do đó câu chuyện được họ chia sẻ cũng cởi mở hơn”.
Thứ hai, việc đăng tải nội dung trên Threads còn đơn giản hơn so với các nền tảng khác. Một lý do đến từ việc tâm lý người dùng Threads cho rằng đây là nền tảng mới nên không cần chau chuốt về content và hình ảnh. Nguyên nhân khác đến từ các bài đăng trên Threads hiện chỉ có 2 định dạng là hình ảnh và văn bản, khiến họ đăng post nhanh chóng và “sống thật” hơn.
Quỳnh Chi (SN 1996, chủ doanh nghiệp thương mại) dùng Threads để chia sẻ về câu chuyện mua nhà năm 18 tuổi và những sai lầm khi quản lý tài chính cá nhân.
Nói về lý do dùng Threads để chia sẻ câu chuyện của mình, Quỳnh Chi nhận định: “Mình là một người rất thích viết và đọc ngay từ khi rất bé. Nên khi xuất hiện Threads mình đã rất ấn tượng và sử dụng ngay vì được ‘viết và đọc’ thoả thích.
Mình nghĩ chuyện tiền nong ở nền tảng MXH khác cũng được chia sẻ rất nhiều nhưng dưới nhiều định dạng khác nhau (clip, hình ảnh, livestream,…). Tuy nhiên mình thấy với Threads, nền tảng rất đơn giản chỉ là nội dung liên quan tới viết và đọc nên độ tiếp cận và viral khá nhanh cũng như truyền tải tới người trẻ thích đọc và viết dễ dàng hơn”.
Thứ ba, nhiều người trẻ nhận định so với các nền tảng mạng xã hội khác, hiện người dùng Threads còn để lại bình luận văn minh và tích cực. Do đó, điều này khiến họ cởi mở hơn khi chia sẻ những câu chuyện thật của chính mình.
“Hiện tại, mình cảm thấy dùng Threads rất ‘dễ chịu’, tức là không bị mọi người đánh giá toxic, soi mói, bàn tán này kia mà trên này mọi người cởi mở chia sẻ thẳng thắn, an ủi và tạo động lực cho nhau. Nên mọi ngày càng thoải mái để nói lên những vấn đề tưởng chừng nó hơi nhạy cảm xíu”, Thanh Thảo nói.
Ngọc Thảo cũng nhận định: “Như đã nói ở trên, mình thấy người trẻ dùng Threads cởi mở chia sẻ câu chuyện của mình. Sau đó, chính họ bình luận qua lại, giúp nhau chia sẻ và học hỏi các câu chuyện về tài chính, tạo nên xu hướng và cách hành xử của người dùng.
Đơn cử, mình từng thấy các bạn đang chia sẻ cho nhau về quản lý tài chính và monthly expense (chi tiêu hàng tháng). Hay gần nhất là đợt quyết toán thuế, các bạn còn giúp nhau chia sẻ cách làm. Hay một số bạn HR còn đề nghị giúp đỡ hỗ trợ free để xây dựng network của mình”.
Còn về phía những người sáng tạo nội dung trên Threads, nền tảng mới này có những ưu thế lớn so với nền tảng khác.
Ngọc Thảo – một content creator về tài chính cá nhân và quan điểm sống trên các nền tảng mạng xã hội nhận định: “Mình chọn Threads để chia sẻ câu chuyện của mình với 2 lý do. Thứ nhất là về nội dung cần xây dựng. Social media có nhiều kênh, mỗi kênh một đặc điểm. Thì Threads đang đơn giản hoá cách thức đăng bài dành cho người đọc và người viết, tức là mình không cần mất nhiều thời gian xây dựng content trên này. Nền tảng này phù hợp với mình – một người đang đi làm, có kinh nghiệm và muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân nhưng ít thời gian.
Thứ hai là tính thời điểm. Nếu mọi người để ý Threads là em út của Meta và đang được Meta truyền thông rộng rãi. Nếu lướt feed của Facebook và Instagram thì đều có thể thấy nội dung Threads. Và với việc Threads là nền tảng đang được đầu tư và có khả năng phát triển cao, việc mình sớm gia nhập chúng sẽ tạo được lợi thế, giống như là các bạn sáng tạo nội dung đã thuận lợi phát triển hơn khi tham gia TikTok từ năm 2020”.
Thích lên mạng xã hội để tìm hiểu chuyện tiền nong, chứ không nhờ Google hay chuyên gia tài chính
Các chủ đề liên quan tài chính cá nhân ngày càng được nhiều người trẻ quan tâm. Tuy nhiên, chuyện tiền nong vốn được ví là khô khan. Và cách nhiều người trẻ giải quyết khi muốn tiếp cận thêm kiến thức về lĩnh vực này là lên mạng xã hội, lắng nghe tâm sự, lời khuyên từ người có cùng câu chuyện với mình, thay vì tìm đến các công cụ tìm kiếm thông tin hay chuyên gia tài chính.
Thanh Thảo cho biết ban đầu, cô dùng Threads với mục đích chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên, giờ cô lại dùng thêm mạng xã hội như một nơi để học hỏi về quản lý tài chính cá nhân. Thanh Thảo cho biết: “Nhìn chung, giờ lướt Threads, mình muốn xem các bạn GenZ như mình đã có những bài học gì và các bạn giỏi như thế nào để học hỏi thêm. Về riêng lĩnh vực tài chính, mình đang tìm hiểu các bài đăng về chứng khoán và các cách đầu tư khác nhau của thế hệ Gen Z”.
Quỳnh Trâm (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng thích lên các mạng xã hội, chẳng hạn Threads để đọc thêm thông tin về chủ đề tài chính.
Cô nhận định: “Mình đánh giá lĩnh vực tài chính như kiếm tiền, làm giàu, đầu tư, chi tiêu thông minh thế nào,… khô khan, nhất là so với các bài viết về chủ đề giải trí vốn ‘không cần dùng não nhiều’. Do đó, mình thích lên mạng xã hội để đọc kiến thức về lĩnh vực này, bởi ở đây mọi người chia sẻ câu chuyện thật nên cách viết thu hút, chân thật và đi thẳng vấn đề. Còn nếu lên Google thì các bài viết quá học thuật, còn chuyên gia tài chính thì không phải ai cũng đủ tiền để thuê họ giải đáp thắc mắc.
Như trong đợt phải tự làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân gần đây, mình đã hiểu hơn về lĩnh vực này nhờ vào bài đăng của các bạn cùng hoàn cảnh trên Threads. Khi lên Google tìm hiểu về quyết toán thuế thì thông tin ở đây còn học thuật, khiến mình thấy khó hiểu và khó tiếp thu hơn”.
Nói về tiền nong công khai còn bị xem là “nhạy cảm”?
Với Quỳnh Trâm và Thanh Thảo, câu trả lời là “có”. Quỳnh Trâm cho hay chỉ đi đọc bài đăng về chủ đề tài chính của người khác, thay vì trực tiếp chia sẻ câu chuyện cá nhân. Trong khi đó, Thanh Thảo bày tỏ khi chủ động chia sẻ chuyện tiền nong trên MXH, cô chỉ đề cập chung chung và không có con số cụ thể, để đối phương vừa hiểu câu chuyện của mình, vừa khiến họ không có cái nhìn tiêu cực và thấy được truyền động lực hơn.
Còn về phía Quỳnh Chi, cô bạn nhận định tiền nong là chủ đề cá nhân, có yếu tố nhạy cảm, song đã được mọi người thảo luận công khai rộng rãi. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ chia sẻ những góc nhìn màu hồng về thành công trong tài chính, thay vì cách thức cụ thể hoá làm sao để đạt được chúng và bài học từ sai lầm cá nhân. Do đó, với kinh nghiệm của người từng trải, cô muốn chia sẻ về câu chuyện tài chính của mình đến những người trẻ tuổi hơn, để họ có thông tin thực tế áp dụng vào con đường làm giàu, đầu tư của mình.
Threads đang giúp Gen Z cởi mở hơn trong việc chia sẻ và trao đổi thông tin, kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính, tiền nong… Tuy nhiên, giữa rất nhiều nội dung được chia sẻ, Gen Z hãy chọn lọc những thông tin hữu ích với mình, cũng như chủ động kiểm chứng độ chính xác. Bên cạnh đó cũng hãy cảnh giác trước các trò lừa đảo mất tiền trên mạng nói chung.