TikTok Lite được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019 tại các thị trường thử nghiệm ở châu Á. Phiên bản nhẹ hơn của ứng dụng video ngắn TikTok sau đó đã ra mắt tại Pháp và Tây Ban Nha. Hôm 22/4, Ủy ban châu Âu EC cho rằng ứng dụng của ByteDance không tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU (DSA).
Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton, người chịu trách nhiệm thực thi DSA, cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ TikTok ‘Lite’ có thể độc hại và gây nghiện như thuốc lá ‘nhẹ'”.
Theo Ủy ban, ByteDance không nộp “báo cáo đánh giá rủi ro” theo yêu cầu của DSA trước khi tung ra bất kỳ chức năng mới nào, bao gồm TikTok Lite.
Bên cạnh đó, các quan chức ở Brussels đặc biệt quan tâm đến “Chương trình nhiệm vụ và phần thưởng” của ứng dụng, cho phép người dùng tích lũy điểm để xem video, theo dõi người sáng tạo, mời bạn bè, v.v.
ByteDance trong khi đó nói rằng TikTok Lite – bao gồm cả chương trình phần thưởng – ngay từ đầu không dành cho trẻ vị thành niên và họ sẽ tiếp tục thảo luận với Ủy ban để giải quyết tranh chấp. EU đã đe dọa sẽ phạt công ty này tới 1% tổng thu nhập hàng năm nếu không tuân thủ.
Đây là cuộc điều tra đánh giá thứ hai của EC về TikTok. Cuộc đầu tiên diễn ra vào tháng 2, xem xét xem liệu ByteDance có vi phạm DSA liên quan đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên, tính minh bạch trong quảng cáo, “quyền truy cập dữ liệu cho các nhà nghiên cứu” và “quản lý rủi ro về thiết kế gây nghiện và nội dung có hại hay không”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có đề xuất buộc ByteDance bán TikTok cho một chủ sở hữu người Mỹ trong vòng 9 tháng. Công ty cho biết họ sẽ có hành động pháp lý để ngăn chặn luật này trước tòa vì coi đó là vi hiến.
Vào năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bị tòa án chặn trong nỗ lực cấm TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu.