Image Alt

ᴍTintuc

  /  Top-10   /  Du lịch Sìn Hồ, Lai Châu: tất tần tật các nơi bạn nên biết

Du lịch Sìn Hồ, Lai Châu: tất tần tật các nơi bạn nên biết

Nằm ở độ cao 1.500m, Sìn Hồ sở hữu một bức tranh nguyên sơ của núi rừng, kết hợp mạng lưới sông suối dày đặc. Với những ai yêu thích bầu không khí mát lạnh của núi rừng và cái cảm giác bao la đất trời hùng vĩ thì hãy một lần ghé đến Sìn Hồ – nơi được mệnh danh là nóc nhà của Lai Châu. Nếu bạn đang có ý định làm một chuyến nghỉ dưỡng, vui chơi thì hãy tham khảo những kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ trong bài viết sau đây nhé.

Thời gian lý tưởng để du lịch Sìn Hồ

Có vị trí nằm ở độ cao khá cao nên thời tiết luôn mát mẻ quanh năm. Do đó du khách có thể làm chuyến du lịch Sìn Hồ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhất là vào những ngày hè oi bức. Khí hậu huyện Sìn Hồ nhìn chung sẽ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc và ít chịu ảnh hưởng của bão.

Mùa Xuân: là thời điểm để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp, trong lành với những cánh rừng hoa đào, hoa mận,… đua nhau nở rộ. Chia sẻ thêm kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ để săn mây thì tầm khoảng tháng 3 – tháng 4 đầu năm sẽ hợp lý.
Mùa Hè: nếu ghé Sìn Hồ vào thời gian này, du khách sẽ khám phá được vẻ đẹp của mùa lúa chín, của những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp.
Mùa Thu: thời tiết lúc này hơi se lạnh, rất thích hợp để bạn chinh phục những ngọn núi hùng vĩ xung quanh và phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh núi non bao la của vùng cao.
Mùa Đông: du khách có thể đến Sìn Hồ trải nghiệm hoạt động tắm lá thuốc của người Dao. Nếu may mắn bạn có thể bắt gặp hình ảnh những bông tuyết rơi khi đông về. Tuy nhiên mùa đông ở đây thường có rét đậm rét hại nên cần chuẩn bị quần áo ấm và thuốc dự phòng nếu muốn đi du lịch vào thời gian này.

Phương tiện di chuyển đi Sìn Hồ, Lai Châu

Đầu tiên thì để đến Sìn Hồ thì du khách phải đến thành phố Lai Châu trước, sau đó mới tiếp tục đi Sìn Hồ. Từ Hà Nội đi Lai Châu cách tầm 450 km và có nhiều phương tiện, cách đi để lựa chọn như xe máy, xe khách, xe ô tô,… Tùy theo số lượng người trong nhóm, thời gian hay sở thích mà bạn có thể chọn phương tiện phù hợp.

Từ Hà Nội đi Lai Châu

Bạn có thể lựa chọn đi xe khách, tàu hỏa hay phương tiện cá nhân tùy thích. Nếu muốn đi xe khách thì cứ ra bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Giáp Bắc, sẽ có nhiều nhà xe với các khung giờ trong ngày. Giá vé tầm 300.000 VND/khách/chiều. Một số nhà xe tuyến Hà Nội – Lai Châu như: nhà xe Thế Anh (1900 272 708), nhà xe Ngân Hà (0342 568 568), nhà xe Cường Lan (0967 856 856),… Đi tàu hỏa thì không chạy thẳng lên Lai Châu mà du khách sẽ đi tuyến Hà Nội – Lào Cai, sau đó từ Lào Cai đi thêm tầm 100km nữa là đến thành phố Lai Châu.

Còn với phương tiện cá nhân thì thuận tiện, an toàn nhất vẫn là thuê xe ô tô hoặc tự lái. Có 2 đường đi từ Hà Nội – Lai Châu để tham khảo. Phương án 1 là từ cầu Thăng Long đi thẳng trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Sau khi vào địa phận tỉnh Lào Cai thì rẽ trái vào quốc lộ 4D. Đi thẳng đường quốc lộ này là đến địa phận Lai Châu. Phương án 2 là chạy đường QL32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu. Có thể lựa chọn phương án 2 nếu các bạn có kế hoạch khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải vì phương án này quãng đường sẽ xa hơn (khoảng 420km) và thời gian sẽ lâu hơn là đi theo phương án 1.

Từ Lai Châu đi Sìn Hồ

Ở thành phố Lai Châu sẽ có những tuyến xe bus, xe khách đi đến các huyện vùng cao. Mỗi ngày sẽ có 2 chuyến và du khách có thể ra bến xe trung tâm Lai Châu để mua vé. Hoặc bạn có thể thuê xe máy, xe ô tô để chạy đến Sìn Hồ. Quãng đường từ ngay thành phố Lai Châu đi Sìn Hồ cũng không quá xa, tầm 50km. Bạn cứ chạy theo hướng phía Tây, theo quốc lộ 4D và mở Google Map định vị là đến được Sìn Hồ khoảng 2 tiếng lái xe.

Kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ có gì hay?

Là một điểm đến vẫn còn khá mới mẻ, chưa được du khách biết đến nhiều ở vùng núi Tây Bắc nước ta nên nhiều người cũng thường tìm xem các kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ như thế nào, có gì hay để vui chơi và tham quan. Nếu bạn lần đầu ghé thăm thì nhớ đừng bỏ lỡ các hoạt động đặc sắc ở Sìn Hồ nhé.

Trải nghiệm hoạt động săn mây

Theo kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ của nhiều bạn chia sẻ thì săn mây là một hoạt động mà bạn đừng bỏ lỡ khi ghé đến vùng đất này. Nhờ nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển nên du khách có cơ hội ngắm nhìn những biển mây bao la đầy huyền ảo. Một vài địa điểm săn mây nổi tiếng ở Sìn Hồ như là: cổng trời, núi ông tiên, Tả Ngảo, Núi Ô Đá,… Thêm một điều nữa là những điểm săn mây này không quá đông đúc như Sapa hay Đà Lạt nên vẫn giữ được khoảng không gian yên bình, vừa hoang sơ vừa hùng vĩ khiến bất cứ ai đến đây cũng đều bị mê hoặc.

Tham quan cao nguyên Sìn Hồ

Với khí hậu mát mẻ khá giống Sapa nên cao nguyên Sìn Hồ là nơi tập trung khá nhiều giống hoa lá, quả ôn đới như mận, đào, lê,… Ngoài có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí trời trong lành thì cao nguyên Sìn Hồ còn đưa du khách vào một không gian xưa với nhiều dấu tích huyền thoại, nhiều di sản văn hóa cổ truyền và độc đáo bản sắc của người dân Tây Bắc như: múa xòe Thái-Mường-So, các lễ hội truyền thống (lễ hội hoa ban của người Thái, lễ hội diễn xướng của người Thái Trắng, lễ cơm mới của người La Hủ…), những di chỉ khảo cổ, bộ tranh cúng 36 bức của người Giáy,…

Thư giãn với việc tắm lá thuốc

Với những bạn hay ghé thăm các khu vực vùng núi Tây Bắc thì có lẽ khá quen thuộc với hoạt động tắm lá thuốc của người dân nơi đây. Tại thị trấn Sìn Hồ tập trung khá nhiều nơi tắm lá thuốc. Trong số đó, cơ sở tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt của ông Sùng A Páo, một danh y nổi tiếng của dân tộc Mông là có lượng khách đông đúc nhất. Khi có khách đến, chủ quán sẽ đun sôi nước thuốc trong thùng gõ đến khi nước đủ độ ấm. Sau đó khách ngồi vào thùng nước thuốc ngập lên tới cổ trong khoảng 20 phút để thư giãn. Khi ngâm mình xong, nhân viên của tiệm sẽ tiến hành bấm huyệt. Cuối cùng là bạn được thưởng món canh gà nấu gừng dân tộc rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Tham gia chợ phiên ở Sìn Hồ

Một kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ nữa mà bạn nên lưu ý là nếu muốn tham gia hoạt động chợ phiên ở đây thì hãy đi vào 2 ngày cuối tuần. Bởi vì như chúng ta cũng biết thì chợ phiên vùng cao khác với chợ dưới đồng bằng là họ chỉ họp chợ vào một thời điểm cố định trong tuần chứ không phải ngày nào cũng mở bán. Đến hẹn lại lên, người dân từ khắp các bản làng gần xa đều đổ về chợ phiên Sìn Hồ để trao đổi mua bán tạo nên khung cảnh họp chợ náo nhiệt. Du khách có cơ hội mua sắm và thưởng thức những sản vật, đặc sản của những người đồng bào dân tộc như người Mông đỏ, người Mông hoa, người Dao, người Phù Lá,…

Ngoài ra còn rất nhiều địa điểm đẹp khác gần đó mà trong chuyến du lịch Sìn Hồ bạn có thể kết hợp đến tham quan như là động Pu Sam Cap, Sì Thâu Chải, Bản San Thàng, Núi Đá ông và Động Ông Tiên, thác Tác Tình,…

Thưởng thức các món ăn đặc sản ở Sìn Hồ

Thưởng thức ẩm thực là một trong những cách nhanh nhất để giúp bạn cảm nhận được nét văn hoá tại mỗi vùng đất mà chúng ta ghé thăm. Nhất là khi bạn đến với Sìn Hồ – là một vùng núi cao, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc với những phong tục tập quán riêng biệt. Có khá nhiều món ăn đặc sản ở Sìn Hồ vô cùng hấp dẫn mà du khách đừng quên thưởng thức, như là:

Xôi tím

Nếu như người Sapa, Lào Cai có xôi ngũ sắc thì người Sìn Hồ cũng có món xôi tím thơm ngon vô cùng. Loại xôi này được làm từ hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ và hương thơm ngọt tự nhiên. Còn màu tím đặc trưng thì được nhuộm bằng loại cây Khẩu Cắm (loại cây chỉ có ở miền núi). Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo chia sẻ của đồng bào dân tộc ở Lai Châu thì cây Khẩu Cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Lợn cắp nách

Nếu đã yêu thích ẩm thực vùng cao thì có lẽ bạn cũng không quá xa lạ với món ăn lợn cắp nách nổi tiếng. Đây là một loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao với mỗi con chỉ nặng chừng 10kg-15kg, hoặc to lắm cũng chỉ khoảng 20kg. Loài lợn này được thả vào rừng từ khi mới đẻ và tự kiếm ăn để sống. Chính vì ăn chủ yếu cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ nên khi chế biến rất ngon, thịt săn chắc và ăn không bị ngấy.

Bánh chưng đen Sìn Hồ

Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen thơm ngon, người Dao Khâu ở Sìn Hồ phải đi vào rừng sâu tìm lá mây rừng. Bởi họ cho rằng cây mây rừng là một trong những vị thuốc chữa bệnh, tốt cho việc tiêu hóa và lá lại rất thơm nên gói bằng lá mây rừng sẽ vừa tạo được vị thơm ngon cho bánh, vừa tốt cho sức khỏe. Gạo nếp để gói bánh chưng đen là loại gạo nếp trắng thơm dẻo được nhuộm đen bằng bột than của cây Tạ Chiểm chứ không phải từ nếp cẩm hay là loại gạo nếp có màu đen tự nhiên như nhiều người vẫn nghĩ. Phần nhân bánh sẽ có thịt ba chỉ được trộn với thảo quả và mắc khén. Tất cả nguyên được gói thành từng đòn bánh dài giống như bánh tét chứ không phải là hình vuông như bánh chưng thông thường.

Bánh dày người Mông

Người Mông thường làm bánh dày vào các dịp tết và lễ hội để dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình. Khi ăn sẽ cắt bánh thành từng lát, đem chiên bằng mỡ lợn. Chiếc bánh dày được chiên phồng lên, toả mùi thơm của gạo nếp nương hòa quyện cùng mùi thơm dịu của trứng gà, mùi ngậy béo của mỡ lợn lan tỏa tạo nên món ăn tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn.

Lòng lợn nhồi gạo nếp

Đây cũng là một món ăn thường thấy vào ngày Tết của người dân Sìn Hồ. Món lòng lợn nhồi gạo nếp sẽ có nguyên liệu là gạo nếp, tiết sống trộn lẫn với thảo quả giã nhỏ. Sau đó sẽ nhồi chúng vào lòng lợn được làm sạch sẽ. Cuối cùng là đem luộc chín tới rồi vớt ra ăn ngay hoặc để dành ăn dần trong mấy ngày tết. Tại Sìn Hồ thì tiết trời Xuân thường se lạnh nên món này để lâu cũng không bị hư hỏng. Khi ăn thì chỉ cần luộc lại cho chín nóng là thưởng thức ngay.

Lưu trú tại Sìn Hồ, Lai Châu

Những khách sạn ở Sìn Hồ tuy không hiện đại, sang trọng nhưng cũng khá sạch sẽ, thoải mái để du khách nghỉ ngơi trong chuyến du lịch của mình. Ngoài ra theo kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ, Lai Châu của nhiều bạn trẻ thì homestay cũng là hình thức lưu trú mà bạn nên thử.

Bởi vì không chỉ biết thêm đời sống sinh hoạt ngày thường của người dân bản địa mà du khách còn có dịp được hoà mình giữa khung cảnh thiên nhiên bao la nơi đây. Tham khảo một số địa chỉ khách sạn, homestay ở Sìn Hồ như là:

  • Nhà khách UBND huyện Sìn Hồ: thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Số điện thoại: 0213 3870168
  • Nhà nghỉ Hưng Phú: xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Số điện thoại: 0213 3604 568
  • Khách sạn Kiều Phương: thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Số điện thoại: 0213 3870291
  • Bùi Sánh Homestay: thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Số điện thoại: 0385 339 093

Một chuyến du lịch Sìn Hồ sẽ giúp du khách có dịp ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng. Trên đây là các kinh nghiệm du lịch Sìn Hồ, Lai Châu được Gody tổng hợp. Mong rằng các thông tin này sẽ hữu ích để bạn tham khảo cho chuyến du lịch sắp đến của mình.

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Optimized by Optimole
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x