Điều đáng sợ nhất của một gia đình không phải là thiếu thốn tiền bạc, mà chính là 3 CÂU NÓI này của cha mẹ
Đôi khi có những bậc phụ huynh, họ không bao giờ mang lại sự ấm áp và sức mạnh, ngược lại, họ dùng thái độ và ngôn từ lạnh lùng của mình gieo rắc nỗi đau và tổn thương sâu sắc cho con cái.
Thực tế, trong một gia đình, điều đáng sợ nhất không phải là sự thiếu hụt về mặt tài chính, mà chính là những lời nói sau đây từ miệng cha mẹ.
1. “Nhà chúng ta không có tiền, đừng phung phí”
Có một đoạn video trên mạng như thế này:
Một cô bé 14 tuổi, để tạo bất ngờ cho mẹ, đã tự tay chuẩn bị bốn món xào và một món canh, còn chu đáo cắt sẵn đĩa trái cây để tráng miệng. Nhưng khi mẹ cô bé thấy điều này, không hề có chút xúc động nào, thậm chí không khen ngợi cô bé, mà ngược lại là giận dữ và trách móc: “Buổi trưa mà làm nhiều món như vậy, chỉ có hai mẹ con ăn, đây không phải là lãng phí tiền sao?”.
Khoảnh khắc mẹ hiền con thảo, ấm áp và hạnh phúc, lại bị ngôn từ “nghèo khó” của người mẹ làm cho không khí trở nên nặng nề. Cô bé cảm thấy mình đã làm điều sai trái, có lẽ sau này em sẽ không dám tạo bất ngờ cho mẹ nữa.
Thực ra, điều đáng sợ nhất trong một gia đình không phải là nghèo đói về vật chất, mà là sự nghèo khổ trong tâm hồn của cha mẹ. Họ thường dùng cách “than nghèo” để tạo áp lực cho con cái, dập tắt sự nhiệt huyết của con.
Tỷ phú Trung Quốc, nhà sáng lập New Oriental, Du Mẫn Hồng đã từng nói: “Trong môi trường gia đình luôn so đo từng chút một, hiếm khi chúng ta thấy những đứa trẻ có ý chí lớn và tầm nhìn xa. Tương tự, trong bầu không khí gia đình ngập tràn hơi thở thế tục, cũng khó mà nuôi dưỡng những thế hệ tiếp theo có phong cách thanh lịch và tâm hồn trong sáng”.
Điều này rất đáng suy ngẫm. Những bậc phụ huynh thường xuyên than vãn, than nghèo, chỉ biết tính toán từng chút một về vật chất mà quên mất việc bồi dưỡng tâm hồn phong phú cho con cái.
Nếu từ nhỏ, con cái đã được cha mẹ giáo dục thành người “nghèo”, thì cả cuộc đời chúng sẽ bị sự nghèo khó trói buộc, dù sau này lớn khôn, điều kiện vật chất có được cải thiện, nhưng sự nghèo túng về tâm hồn lại là gông cùm của cả đời.
2. “Bố mẹ cực khổ cũng vì con hết”
Có một câu hỏi trên mạng như thế này: “Khi con hỏi ‘Mẹ/Bố ơi, tại sao phải đi làm?’ thì nên trả lời thế nào?”.
Tin rằng nhiều bậc cha mẹ sẽ trả lời như sau: “Bố mẹ đi làm để kiếm tiền, nếu không đi làm thì không có tiền, không thể mua thức ăn ngon và đồ chơi cho con”. Có bậc cha mẹ khác sẽ nói: “Bố mẹ đi làm để cho con điều kiện sống tốt hơn, vì vậy, con phải ngoan và học hành chăm chỉ”.
Trong những lời nói này đều mang hàm ý: “Bố mẹ vất vả làm việc, tất cả chỉ vì con, nếu con không nghe lời, không biết ơn, thì con đã phụ công ơn bố mẹ”.
Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ lưỡng, nếu không có con cái, không trở thành cha mẹ, thì liệu có thể không phải vất vả, không đi làm, không kiếm tiền hay không? Rõ ràng, đi làm kiếm tiền là để bản thân có thể tồn tại, chứ không phải vì con cái.
Những bậc phụ huynh luôn đổ lỗi cho con cái về sự vất vả và nỗ lực của mình khó có thể xứng đáng nhận được những lời khen ngợi như “vĩ đại”, “vô tư” dành cho cha mẹ, bởi vì tình yêu của họ dành cho con có mục đích từ đầu, là nhắm đến “sự báo đáp”.
Đồng thời, những bậc cha mẹ lo lắng rằng khi con lớn lên sẽ không đủ hiếu thuận với mình, từ nhỏ đã gieo vào tâm trí con cái quan niệm rằng “nỗi khổ của cha mẹ là do con gây ra”, khiến tâm hồn non nớt của trẻ chịu đựng áp lực lớn, sống trong sự ân hận và tự trách sâu sắc.
3. “Sao con lại vô dụng đến thế, cái gì cũng không làm được”
Kiểu giáo dục của các ông bố bà mẹ Á Đông thường là chỉ trích chứ không phải khích lệ. Khi con cái mắc lỗi, phản ứng đầu tiên của họ thường không phải là quan tâm hoặc hỏi han, mà là la mắng và chỉ trích.
“Đã nói với con bao nhiêu lần rồi, sao vẫn không làm tốt”; “Con sao mà ngốc thế, cái gì cũng không làm được”; “Con suốt đời này chắc chỉ thế thôi, thật là chẳng có tương lai”…
Có lẽ, cha mẹ có ý định kích thích con cái không ngừng tiến bộ bằng cách này, nhưng họ không biết rằng, hành động như vậy không những không mang lại bất kỳ tác dụng tích cực nào, mà còn gây ra tổn thương lớn cho tâm lý và tinh thần của con trẻ.
Người ta thường nói: Một lời tử tế ấm áp qua ba mùa đông, lời ác làm tổn thương như giá lạnh sáu tháng liền.
Cha mẹ là những người quan trọng trong cuộc đời của con cái, những lời nói dù bâng quơ cũng có tầm quan trọng không nhỏ trong mắt con. Một câu nói động viên, ủng hộ từ cha mẹ có thể trở thành nguồn nắng ấm áp sưởi ấm trái tim con cái suốt đời; ngược lại, một câu nói phủ định, hạ thấp từ cha mẹ có thể là nguyên nhân chính gây ra sự bất hạnh của con.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những lời nói đó từ cha mẹ gây ra tổn thương cho con cái đều là vết thương không thể xóa nhòa và sẽ trở thành bóng đen suốt đời của trẻ.
Kết luận:
Tình thân có thể là nguồn ấm áp nhất, cũng có thể là nguồn tổn thương sâu sắc nhất.
Làm cha mẹ, hãy tránh xa ba câu nói trên, nếu không chỉ gây đau khổ và tổn thương cho con cái, mà còn đem lại bi kịch và bất hạnh cho gia đình.