Công an bắt đường dây lừa đảo qua mạng 86 tỷ đồng, cảnh báo người dân thủ đoạn phía sau “gói muối và tờ giấy gấp”
Đầu tháng 6/2024, bà T.T.M., trú tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thông qua báo, đài, biết được thông tin về việc Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An phá thành công chuyên án lừa đảo bán “bùa ngải” lớn, chiếm đoạt số tiền lên tới 86 tỷ đồng, bắt giữ 4 đối tượng, bà vội vàng bắt chuyến xe vào Nghệ An ngay trong đêm để trình báo với cơ quan Công an.
Bà M. là một trong số hàng nghìn nạn nhân trên khắp cả nước bị dính bẫy lừa đảo bán “bùa ngải” do đối tượng Nguyễn Văn Kiên, trú tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cầm đầu.
Con trai bà năm nay 32 tuổi chưa lấy vợ. Một ngày rảnh rỗi, bà M. ngồi chuyện trò với mấy bà hàng xóm thì nghe mọi người kháo nhau ở miền núi thuộc vùng dân tộc thiểu số có bán các loại “bùa ngải” như: “bùa nghe lời”, “bùa giữ vợ, giữ chồng”, “bùa làm ăn”…Theo lời bà, mua “bùa” này, chỉ cần làm theo hướng dẫn của các “thầy” thì con trai bà sẽ nghe lời, sớm lấy được vợ.
Sau khi lên mạng xã hội tìm hiểu, bà M. vô tình tìm thấy một Fanpage trên mạng Facebook có rao bán các loại “bùa ngải”. Ngay lập tức, bà M. liên hệ với admin trang này và đặt mua một chiếc “bùa nghe lời” mà đựng bên trong túi zip là một tờ giấy trắng gấp nhỏ và một ít muối với giá 10,9 triệu đồng. Theo lời của chủ trang Fanpage này, bà M. bỏ muối vào bát canh cho con trai uống với một “bài phép” những mong thuốc “thần kỳ” sẽ khiến cho con bà nghe lời và lấy được vợ. Sau một thời gian không thấy con trai đưa người yêu ra mắt, bà M. tìm cách liên lạc với chủ trang này thì bị chặn mọi liên lạc.
Chủ của trang Fanpage này là Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1987), trú tại xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa. Kiên cùng với vợ là Lê Thị Lan (sinh năm 1985), Vy Thị Hường (sinh năm 1963) – mẹ vợ của Kiên, trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp và Lê Đình Quý (sinh năm 1991), trú tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký trên nền tảng mạng xã hội như: Telegram, Facebook, Zalo để rao bán các loại “bùa ngải” như: “bùa giữ người yêu”, “bùa giữ vợ, giữ chồng”, “bùa ghét”, “bùa nghe lời”, “bùa làm ăn”… với giá từ 9.900.000 đồng đến 10.900.000 đồng/1 “bùa”.
Sau khi có người kết nối, đối tượng sẽ tiến hành làm “bùa” từ ngải cứu, gừng, muối, lá thảo mộc… và gửi cho bị hại. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 19/5/2024, Công an thị xã Thái Hòa đã đồng loạt bắt giữ các đối tượng, thu giữ 01 máy tính xách tay, 10 điện thoại di động, các “bùa ngải”, vật dụng để làm “bùa ngải” và sổ sách ghi bằng tiếng dân tộc. Công an thị xã Thái Hòa xác định, với phương thức, thủ đoạn như trên, từ năm 2018 đến nay các đối tượng đã thực hiện việc bán “bùa ngải” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, tổng số tiền thu lợi bất chính hơn 86 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2023, một ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng theo hình thức bán các “bùa ngải” và các đồ vật tâm linh do Lê Tất Đạt, sinh năm 1996, trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cầm đầu bị Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với Công an thành phố Thanh Hóa và Công an huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội bắt giữ.
Lê Tất Đạt đã mua 20 bộ máy tính cũ, 20 điện thoại di động, thuê 2 địa điểm tại thành phố Thanh Hóa và thành phố Hà Nội rồi tuyển dụng gần 20 đối tượng là sinh viên, học sinh có kiến thức tin học, có kĩ năng giao tiếp và giao cho mỗi người một bộ máy tính để bàn, 01 điện thoại di động có cài sẵn các nội dung, dữ liệu trên tài khoản Facebook, Zalo để tổ chức hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Các đối tượng đã lập ra các trang Fanpage “Se duyên 1”, “Se duyên 2”, “Xem tình duyên miễn phí”… trên mạng xã hội facebook và chạy quảng cáo. Khi có “khách” trúng bẫy, các đối tượng lên mạng tìm kiếm thông tin cơ bản về phong thủy hợp với tuổi của khách cung cấp rồi giả vờ tư vấn, đề nghị “khách” mua các đồ vật tâm linh như: bùa, ngải để giải hạn hoặc vật phẩm mang lại may mắn như “đồng tiền xu, vòng tỳ hưu, nhẫn” với giá dao động từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo các “nhân viên” của mình thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước.
Thực tế hiện nay, chỉ cần lên mạng xã hội, chúng ta không khó để tìm kiếm các nhóm mua bán như bùa ngải, vòng phòng thủy, nhẫn tì hưu… được quảng cáo với hình thức đa dạng, phong phú. Theo cơ quan chức năng, các đối tượng lợi dụng không gian mạng, nắm bắt tâm lý của người dân đang gặp khó khăn trong công việc cũng như trong chuyện tình cảm, tự xưng là “thầy bùa” có thể “hóa giải” được mọi vận xui trong cuộc sống.
Để tạo lòng tin cho người dân, những “thầy bùa” xây dựng kịch bản, đăng tải bài viết, các video lên mạng xã hội, lập các nick ảo để like, comment chia sẻ hiệu quả khi sử dụng sản phẩm, qua đó, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tâm linh là một giá trị văn hóa được cha ông ta giữ gìn đến ngày nay. Thế nhưng hiện nay có không ít đối tượng lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, giả mạo các dịch vụ tâm linh nhằm chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức dịch vụ tâm linh qua mạng. Các ngành chức năng chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, định hướng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người dân theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với quy định của pháp luật. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần phải tỉnh táo trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc… để trục lợi. Khi bị các đối tượng lợi dụng tâm linh nhằm mục đích lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời.