Buổi họp lớp “tan đàn xẻ nghé” vì đề xuất chia tiền… độc lạ của lớp trưởng: 2/3 lớp hí hửng, số còn lại ấm ức nhất quyết không đi
Họp lớp là dịp để các thành viên trong lớp cùng ngồi lại, ôn những kỷ niệm tươi đẹp thời đi học. Khi con người ta càng có tuổi thì những dịp như họp lớp càng được trân trọng hơn. Tuy nhiên, có những buổi họp lớp vô tình đẩy các thành viên trong lớp xa nhau, thậm chí cạch mặt, không muốn tụ họp thêm nữa.
Theo đó, một cư dân mạng Trung Quốc mới đây đã chia sẻ lại trải nghiệm họp lớp không mấy vui vẻ của mình. Chàng trai này hiện là sinh viên năm cuối đại học. Từ khi tốt nghiệp cấp 3, lớp của anh năm nào cũng họp mặt. Vì lớp của anh là khối Xã hội nên hơn 2/3 lớp là con gái, chỉ có vài mống là con trai.
Ảnh minh họa
Chàng trai cho biết, những năm trước, chi phí ăn uống khi họp lớp đều được chia đều cho các thành viên. Tính cả tiền ăn uống và hát karaoke sau đó, mỗi người chỉ tốn khoảng 300 NDT (khoảng 1 triệu đồng/người). Tuy nhiên trong buổi họp lớp năm nay, cô bạn lớp trưởng lại đề xuất các bạn nữ tham gia họp lớp sẽ được miễn phí, chi phí còn lại chia đều cho các bạn nam.
Ngay lập tức, ý kiến này được hội nữ sinh đồng tình và khiến hội nam sinh nhăn mặt. Hội nam sinh trong lớp chỉ có vài người, nếu tất cả chi phí đều do họ gánh vác thì chia ra mỗi người phải trả đến 1.000 NDT (hơn 3,4 triệu đồng). Điều đáng nói là những nam sinh trong lớp không phải ai cũng khá giả. Bên cạnh đó, tất cả đều đang đi học thì chi phí vẫn nên chia đều, không nên để cho phái nam gánh hết như vậy.
Kết quả là trong ngày họp lớp, toàn bộ nam sinh đều không tham gia. Sau đó, phía nam và nữ cũng có những tranh cãi, khiến mối quan hệ giữa những thành viên trong lớp trở nên căng thẳng, sứt mẻ. Chàng trai chia sẻ câu chuyện cho biết, sau những lời tổn thương nhau, có lẽ lớp họ sẽ chẳng còn họp hành thêm một lần nào nữa.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chi phí họp lớp nên chia đều là tốt nhất. Tình bạn cần bắt đầu từ sự công bằng, như vậy mới có thể bền vững.