Bài kiểm tra “đau lòng” nhất hôm nay: Sai ngay từ yêu cầu đầu tiên nhưng vẫn khiến ngàn người rơi nước mắt
Trẻ thơ là trang giấy trắng rất hồn nhiên, vô ưu. Những đứa trẻ có thể như những thiên thần, chỉ việc vui chơi, ăn ngủ, không nhiều vướng bận lo toan bất cứ điều gì. Nhưng ở đâu đấy vẫn có những đứa trẻ từng đối mặt với vô vàn bất hạnh mà có khi dành cả cuộc đời để chữa lành những tổn thương đó cũng không thể nào xóa nhòa được.
Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi xúc động trước bài đăng của một cô giáo vùng cao về học trò đáng thương của mình. Được biết, cô là giáo viên tiểu học tăng cường THCS lớp 6. Khi chấm bài kiểm tra giữa kỳ II, bài làm của một em học sinh đã làm cô buồn ngang vì những dòng chữ ngây ngô đến đau lòng.
Nghẹn lòng trước những dòng chữ nguệch ngoạc của em nhỏ vùng cao
Không hiểu vì lý do gì, dù đề bài yêu cầu viết đoạn văn bằng tiếng Anh về thói quen xem TV nhưng em học sinh này lại chọn viết bằng tiếng Việt. Cụ thể, em ao ước có một chiếc TV mới để thay thế chiếc TV cũ đã bị mất. Do khó khăn nên gia đình không thể mua một chiếc TV mới được. Vậy nên, em đành lòng phải đi xem các chương trình truyền hình cùng chú và bà ở chỗ khác.
Không chỉ có vậy, em còn chia sẻ bố mình hiện tại đang chịu thi hành án, mẹ đi lấy chồng khác nên khó khăn càng thêm khó khăn. Cuối bài viết, em tỏ lòng: “Bây giờ em ước bố mẹ em sẽ quay lại với nhau. Em không ước TV nữa, em nhớ bố mẹ”.
Đọc đến đây, không ít người xúc động trước cảnh ngộ của em học sinh này. Một đứa trẻ học lớp 6 thôi mà đã phải chịu biết bao tổn thương, thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Những nét chữ nguệch ngoạc của em như chứa đựng cả một bầu trời tâm sự.
Chưa hết, cô giáo – chủ nhân của bài viết tâm sự thêm: “Khi đọc bài của em mình rơi nước mắt. Chợt thấy thương cho các em, mình dạy cả 2 anh em, người em đang học tiểu học, còn người anh học lớp 6. Mẹ đi lấy chồng, bố đi tù, 2 anh em buổi đến lớp buổi nghỉ, thầy cô phải vận động ủng hộ tạo điều kiện hết mức để các em có thể đến trường tiếp tục việc học con chữ chỉ mong các em thoát nghèo… Những ước mơ con trẻ đôi khi giản đơn, nhưng lại làm thầy cô đứng lớp trăn trở quá ạ…”.
Ảnh minh họa
Một số bình luận của dân tình trước cảnh ngộ của em học sinh trên:
– Đọc mà chảy nước mắt lúc nào không biết. Chị gái mình cũng quyết định ly hôn khi cháu mình được 1 tuổi. Dù cháu mình sống không thiếu thốn điều gì, 2 bên gia đình cũng thường xuyên quan tâm đến cháu, nhưng mình vẫn thấy thương cháu mình nhiều lắm.
– Đúng là có những đứa trẻ biết điều đến đáng thương, chấp nhận hy sinh ước mơ của mình chỉ mong bố mẹ quay trở lại với nhau.
– Mong em sẽ đạt được ước mơ của mình và sống một cuộc đời tươi sáng hơn trong tương lai.
– Thương em quá, đôi khi những thứ “tầm phào” đối mình lại là ước mơ của người khác.
– “Con ước bố mẹ quay lại với nhau, con không ước có TV nữa” – nghe đau lòng thật sự.
Ly thân, ly hôn đôi lúc là cách giải thoát tốt nhất cho các cặp đôi để tránh tổn thương nhau nặng nề hơn. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, người tổn thương nhất vẫn là con cái. Trong trường hợp này, cha mẹ cần hiểu được vấn đề cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái như thế nào để lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Phụ huynh cần chọn thời điểm ly dị phù hợp, và biết cách giúp con vượt qua tổn thương tâm lý.
Mong rằng em học sinh trên sẽ đạt được ước mơ mua một chiếc TV mới, hy vọng rằng em sẽ luôn được bố mẹ luôn yêu thương, che chở dù hiện tại họ không còn chung đôi với nhau nữa. Em xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn – nơi em có thể được mọi người vỗ về những lúc “đứa trẻ” trong mình chịu nhiều tổn thương nhất.
Tổng hợp