Ai có triển vọng hơn khi lớn lên, những đứa con “hướng ngoại” hay “hướng nội”? Thực tế khiến các bậc phụ huynh ngỡ ngàng!
Cách đây vài ngày, một người bạn tốt cùng cậu con trai 5 tuổi, Hoàng đến thăm nhà.
Vừa bước vào cửa, người bạn đã nhắc con trai nói “Con chào cô!”, nhưng Hoàng lại đỏ mặt núp sau lưng mẹ, ngượng ngùng không mở miệng.
Trên bàn ăn, Hoàng luôn cúi đầu ăn, khi tôi định bắt chuyện với cậu bé, khuôn mặt nhỏ nhắn của cậu bé lại đỏ bừng.
Bạn tôi thấy vậy có chút không vui, thở dài nói: “Thằng nhóc này rất nhút nhát, hướng nội, không biết sau này sẽ làm được gì”. Nhưng tôi đã mỉm cười và đáp: “Vậy thì chúc mừng, cậu thật có phước!”.
Bạn tôi có vẻ ngạc nhiên: Hướng nội không phải là một khuyết điểm của tính cách sao? Không phải hướng ngoại sẽ tốt hơn sao? Liệu những đứa trẻ quá hướng nội có khó thành công trong tương lai?
Tôi lắc đầu, kiên nhẫn phân tích cho cô bạn: “Nhìn xem, Hoàng chỉ im lặng sắp xếp bát đĩa và đũa trước khi ăn. Cậu bé còn gắp cho cậu món mà cậu thích nhất đúng không? Vừa rồi lúc con trai tớ ngã, Hoàng rất nhẹ nhàng an ủi: ‘Em có sao không?'”.
…
Người bạn thở phào nhẹ nhõm và nói, tuy sống nội tâm nhưng Hoàng lại rất tinh tế và chu đáo.
Quả thực, các bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi trong nhà có một đứa con hướng nội.
Suy cho cùng, nếu một cô gái sống nội tâm, người khác sẽ gọi đó là khí chất, nhưng nếu một cậu bé sống nội tâm, chúng có thể bị gắn mác “chậm chạp”. Tuy nhiên, đây thực ra lại chính là sự bất công lớn nhất đối với các chàng trai.
01
Trên mạng xã hội, có người đặt một câu hỏi: Con trai ghét điều gì nhất ở cha mẹ?
Trong số các bài phát biểu của nhiều cư dân mạng là nam, tôi thấy một từ có tần suất xuất hiện cao: hướng nội.
Chia sẻ của một cư dân mạng nhận được nhiều sự quan tâm. Cư dân mạng này khi còn nhỏ không thích nói nhiều, thích trốn vào một góc chơi đồ chơi một mình, vừa có khách đến nhà là lập tức vào phòng.
Khi còn học tiểu học, hiệu trưởng của anh luôn nói rằng anh quá trầm tính và khó gần, điều này khiến bố mẹ anh rất lo lắng.
Khi đi học cấp hai, mẹ của cư dân mạng đã nghe đâu đó phương pháp này, nói rằng việc đưa con đi tham gia các sự kiện xã hội có thể cải thiện tính hướng nội. Vì vậy, mẹ tôi bắt đầu đưa cư dân mạng này đến nhiều bữa tiệc tối khác nhau, không chỉ bắt anh rót trà cho người lớn mà còn yêu cầu anh bắt chuyện họ.
“Lúc đó tôi đứng dậy, đỏ mặt. Tôi không biết phải nói gì nên đã lại ngồi xuống. Người lớn bắt đầu nói những câu như ‘Con hướng nội quá, sau này làm sao lấy vợ được’. Lúc đó tôi đang ở tuổi thiếu niên, bị một nhóm người lớn tuổi cười nhạo khiến tôi rất đau lòng”.
“Không thích nói chuyện thì có gì sai? Không thích giao lưu thì có gì sai? Tôi vẫn đỗ vào ngôi trường đại học tốt, tìm được một công việc tốt và yêu đương như những người khác”.
“Người hướng nội vẫn có thể sống tốt!”.
Ngay cả qua màn hình, tôi cũng có thể cảm nhận được sự bất bình của cư dân mạng đó. Tôi tin rằng nhiều chàng trai bị gắn mác “hướng nội” cũng cảm thấy bất bình như vậy.
Từng có quan điểm, hướng nội = khuyết điểm = xấu = thất bại.
Nhưng liệu điều đó có đúng không? Nhà tâm lý học Marty Olson Laney đã nêu rõ trong cuốn sách Lợi Thế Của Người Hướng Nội: “Hướng nội và hướng ngoại là hai tính khí khác nhau, không phân biệt tốt xấu”. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại này là cách chúng khai thác năng lượng.
Người hướng nội thích tiếp thêm năng lượng khi ở một mình, trong khi người hướng ngoại thích tiếp thêm năng lượng thông qua tương tác xã hội.
Ví dụ, khi cảm thấy mệt mỏi, trẻ hướng nội thường đọc thầm để thư giãn; trong khi trẻ hướng ngoại lại thích vui chơi cùng nhóm bạn lớn để giải tỏa mệt mỏi.
Có thể thấy, hướng nội là một đặc điểm chứ không phải là khuyết điểm. Tuy nhiên, nhiều chàng trai hướng nội lại bị gán cho là “kẻ vô dụng”, và với cái mác này, họ đã bị chế giễu và phải chịu rất nhiều bất bình.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người hướng nội có tâm trí tinh tế hơn và cảm xúc nhạy cảm hơn. Khi không nói nhiều, trẻ hướng nội thực chất đang lặng lẽ quan sát mọi thứ xung quanh;
Khi ở một mình, những đứa trẻ hướng nội thực sự suy nghĩ nghiêm túc về các vấn đề… Vì vậy, những đứa trẻ có tính cách hướng nội luôn có khả năng trở thành những người biết thấu hiểu, quan tâm, ân cần với cha mẹ.
Ngoài việc nhạy cảm về mặt cảm xúc, trẻ hướng nội còn có khả năng tập trung tốt hơn và có nhiều khả năng thành công hơn trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Hướng nội ≠ thất bại.
Những đứa trẻ có tính cách hướng nội cũng có thể tự do phi nước đại và tỏa sáng rực rỡ trên sân nhà của cuộc đời.
02
Cha mẹ cần làm gì để nuôi dạy những đứa trẻ tương đối hướng nội tốt hơn? 3 gợi ý đáng để phụ huynh tham khảo:
1. Hãy coi tính hướng nội của con bạn là một đặc điểm chứ không phải một khuyết điểm
Trong quan niệm truyền thống, đặc biệt là đối với con trai, luôn có rất nhiều điều cấm kỵ: không được khóc, không được yếu đuối, không được thích màu hồng và không được sống nội tâm.
Một khi cậu bé có tính cách trầm lặng, cha mẹ luôn quen với việc gán cho đứa trẻ cái mác “hướng nội” hoặc “vô dụng”.
Cha mẹ thông minh sẽ coi tính hướng nội của con mình là một đặc điểm thay vì một khuyết điểm.
Có một buổi họp phụ huynh ở trường cấp 2, hiệu trưởng nói chuyện với một ông bố về kết quả học tập của con mình:
“Con của anh không tệ, nhưng cậu bé quá trầm tính. Cậu bé nên hướng ngoại hơn để sau này thành công hơn”.
Không ngờ người cha lại phản bác ngay:
“Tôi không nghĩ con trai tôi là người sống nội tâm. Nó có nhiều bạn tốt trong trường”.
Tâm lý trẻ em cho thấy, con cái có thể không nhất thiết phải trở thành những gì cha mẹ mong đợi nhưng chắc chắn chúng sẽ trở thành những gì cha mẹ nói.
Nếu bạn luôn đặt những nhãn hiệu tiêu cực cho con mình, trẻ sẽ dần dần trở thành những người tồi tệ.
Về phần cậu bé, chính vì chưa bao giờ bị cha mẹ gắn mác là “người hướng nội” nên cậu luôn có thể dễ dàng chấp nhận bản thân, trở thành một người tự tin và có nhiều bạn bè.
2. Tôn trọng nhu cầu ở một mình của con bạn
Einstein từng được hỏi trong một cuộc phỏng vấn: “Bí quyết thành công của ông là gì?”.
Ông khiêm tốn trả lời: “Thực ra không phải tôi thông minh lắm đâu, chỉ là tôi ‘sống chung’ với vấn đề lâu hơn thôi”.
Thì ra Einstein là một đứa trẻ lầm lì và thích ở một mình từ nhỏ.
Nhưng mẹ ông không lo lắng sau này con trai mình sẽ không hòa hợp với thế giới, mà thay vào đó để ông ở một mình trong thời gian dài.
Chính sự cô độc này đã giúp Einstein có thêm thời gian để suy nghĩ, nghiên cứu các vấn đề và cuối cùng trở thành nhà vật lý làm thay đổi lịch sử loài người.
Trẻ hướng nội không phải là vấn đề, vấn đề là cha mẹ mù quáng ép con mình hướng ngoại và trở thành những gì thế giới chấp nhận.
Cha mẹ biết tôn trọng nhu cầu ở một mình của con, đây vừa cho thấy trình độ của cha mẹ, vừa là phước lành của con cái.
3. Giúp trẻ tìm thấy “tình yêu đích thực” của mình
An Cát là một đứa trẻ nhút nhát và sống nội tâm từ khi còn nhỏ.
Một lần trong một buổi biểu diễn, An Cát được yêu cầu giới thiệu bản thân, nhưng cậu bé mím môi không nói gì.
Cha của cậu bé không hề cảm thấy xấu hổ mà chỉ mỉm cười giới thiệu bản thân hộ con trai.
Trong cuộc sống, cha của An Cát không lo lắng về tính cách hướng nội của con, thay vào đó, anh sẽ luôn đồng hành cùng con học hỏi các tài năng và kỹ năng khác nhau.
Sau đó, phát hiện ra An Cát đặc biệt có năng khiếu piano, cha đã khuyến khích cậu bé chăm chỉ luyện tập.
Cuối cùng, An Cát đã dám bước lên sân khấu và chơi những giai điệu đẹp bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, khoảnh khắc đó, cậu đã trở thành một cậu bé tự tin.
Một nghiên cứu ở Mỹ kéo dài hơn 30 năm cho thấy người hướng nội có những tài năng mà người hướng ngoại không thể sánh bằng trong các lĩnh vực như sáng tạo, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, nếu trong gia đình có một người hướng nội, cha mẹ có thể hướng con nhiều hơn vào các lĩnh vực như nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, và có lẽ họ sẽ phát hiện ra những tài năng đặc biệt của con mình.
03
Có một câu nói rằng:
“Mỗi người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá khả năng của một con cá bằng khả năng leo cây của nó thì con cá đó sẽ phải sống trong tủi nhục suốt đời”.
Một đứa trẻ có tính cách hướng nội giống như một con cá lớn ở biển sâu.
Chúng trầm tính, điềm tĩnh và có thể đối mặt với khó khăn, thất bại một cách bình tĩnh.
Chúng nhạy cảm, tinh tế và có khả năng phát hiện những thay đổi trong môi trường cũng như tâm trạng của con người.
Cha mẹ thông minh nên bảo vệ tính hướng nội của con mình, bởi đằng sau đặc điểm này chắc hẳn phải ẩn chứa một nguồn năng lượng rất lớn mà chúng ta tạm thời chưa thể nhìn thấy được.
Và năng lượng này một ngày nào đó sẽ mang lại hơi ấm cho cha mẹ và ánh sáng cho thế giới.
Cuối cùng, tôi mong rằng mọi đứa trẻ không thích nói nhiều đều có thể được cha mẹ chấp nhận và sống một cuộc sống tươi đẹp.