“Lỡ” hỏi 1 câu trong nhóm lớp, bà mẹ TP.HCM phải gấp rút tìm trường mới cho con: Phụ huynh tranh cãi dữ dội
“Hỏi 1 câu lên nhóm lớp và 2 bé nhà mình không được đón nhận nữa luôn ạ”, chị T.C, một phụ huynh ở TP.HCM mới đây gây xôn xao MXH khi chia sẻ câu chuyện hai con bị “đuổi khéo” chỉ vì chị thắc mắc trong nhóm chung.
Câu hỏi khơi nguồn tranh cãi.
Được biết, bé lớn nhà chị đi học từ tháng 2/2023 và bé nhỏ đi học từ trước Tết Nguyên đán 2024 tại một trường mầm non ở TP.HCM. Người mẹ cho biết, dù con đi học khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên chị hỏi một vấn đề trên nhóm lớp. Bản thân chị đã tin tưởng và giới thiệu trường đến một vài bạn bè ở gần đang tìm chỗ cho bé học mẫu giáo. Tuy nhiên, cách phản hồi của đại diện nhà trường khiến chị cực kỳ thất vọng.
Câu hỏi gây “sóng gió” của bà mẹ này là: “Lớp mình ơi, cho mẹ hỏi hôm trước và hôm qua có bé nào bị đau bụng đi ngoài không ạ”. Mục đích của phụ huynh là tham khảo xem các bé cùng lớp có vấn đề về tiêu hóa giống con mình không, nếu chỉ mình con bị thì có nghĩa là con tiếp xúc với vật lạ ở nhà.
Nhận được câu hỏi, tài khoản M.T, được cho là Hiệu trưởng của trường mầm non nói trên nhắc nhở phụ huynh có vấn đề gì nên nhắn riêng với cô. Hơn nữa, nếu mẹ có nghi ngờ và trẻ bệnh thì cần đi bác sĩ, chứ không phải hỏi tình hình của các bạn khác.
Hiệu trưởng cũng cho biết thêm, trước đó, một cô giáo tên V. đã thông báo tình hình các bạn ở lớp cho bà mẹ này nhưng chị vẫn không tin. Ở trường các bé ăn uống không có vấn đề gì. Mùa này mùa dịch nắng nóng, chuyện các con bệnh là bình thường. Hơn nữa, ba của bé có mua xôi đem vào lớp cho con ăn, vì vậy phụ huynh cũng nên xem xét vấn đề ăn uống của con ở nhà.
Tin nhắn phản hồi của cô Hiệu trưởng.
Cô Hiệu trưởng bày tỏ, phụ huynh có thể hỏi khi có thắc mắc về vấn đề của con nhưng không nhất thiết là phải hỏi tất cả phụ huynh. Chẳng khác nào mẹ không tin tưởng trường và các cô. Nếu mẹ không tin tưởng thì cô cũng đành chịu.
Tuy nhiên, chị T.C cho biết, mình không đồng tình với cách trả lời của Hiệu trưởng. Ở phương diện khách quan, việc chị hỏi thăm tình hình các học sinh khác để loại trừ nguyên nhân có thể và phòng tránh cho các bé là bình thường. Hơn nữa, bản thân chị chưa từng nghe cô giáo thông báo trước đó mà là ba của các bé (và chị cũng chưa nghe nói lại). Vì vậy, chị rất bất ngờ khi nhận được phản ứng “cấm hỏi” của cô Hiệu trưởng.
Đỉnh điểm của tranh cãi là khi Hiệu trưởng nhắn tin riêng cho phụ huynh này với nội dung: “Nếu đã không tin tưởng trường thì cô M. xin gửi lại học phí của hai bạn cho mẹ nhé ạ. Cô cảm ơn mẹ thời gian qua đã đồng hành cùng trường ạ”. Hành động này khiến chị T.C vô cùng bất ngờ, tuy nhiên chị khẳng định “nếu cô không muốn nhận thì không có lý do gì mẹ nên giao con cho các cô và nhà trường”.
Tin nhắn “đuổi khéo” của cô Hiệu trưởng.
Hiện tại, chị T.C đang gấp rút tìm trường cho các con sau khi nghỉ học tại trường cũ.
Phụ huynh thiếu tin tưởng hay Hiệu trưởng nhạy cảm?
Câu chuyện của phụ huynh nói trên gây ra những tranh luận trái chiều. Một luồng ý kiến nhận định, bản chất câu hỏi của bà mẹ này nghe qua thì không có vấn đề nhưng thực ra lại khiến giáo viên không được thoải mái. Nhất là trước đó, giáo viên vốn đã thông báo tình hình với ba của các bé, nên khi bị “điều tra” trong nhóm chung, các cô không tránh khỏi cảm giác mình không được tin tưởng và bà mẹ này có ý đồ “đổ tội” cho nhà trường.
Họ cho rằng, muốn hỏi các phụ huynh khác trong lớp cũng nên hỏi riêng, 1 câu hỏi chung khiến nhiều người hoang mang.
“Mình thấy mẹ hỏi lên nhóm chung như vậy không hay chút nào, nên đọc tin nhắn chắc các cô cũng tự ái vì mẹ vừa nói chuyện với cô mà, sao mẹ không hỏi luôn cô trong tin nhắn riêng. Con ốm thì có thể lây từ nhiều nguồn chứ đâu phải lớp học, hơn nữa con có vấn đề thì mình nên thông báo cho các phụ huynh khác chứ không phải hỏi xem có bé nào bị vậy nữa không vì nó không giải quyết được vấn đề gì.
Nếu mẹ muốn xác nhận phòng trường hợp thực phẩm không sạch khiến con bị đi ngoài thì tốt nhất nên hỏi riêng hoặc làm nhóm riêng không có cô giáo, tránh gây áp lực hay hiểu nhầm với các cô. Có những câu chuyện khi trao đổi trực tiếp sẽ rất khác khi nhắn tin vì tin nhắn không thể biểu lộ cảm xúc, không thể cho người đọc thấy giọng điệu của người nói nên dễ hiểu nhầm ý nhau”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Theo họ, giáo viên, nhà trường hiện nay luôn phải gồng lên để hạn chế thấp nhất sự phàn nàn, phản ánh, nặng hơn là khiếu kiện của phụ huynh… Nếu nghĩ đến con, phụ huynh nên có cách giao tiếp tế nhị, tránh gây ra mâu thuẫn không đáng có.
Tuy nhiên, không ít người cũng cho rằng, dù mục đích của bà mẹ là để tham khảo tình hình hay vì lý do gì đi nữa, thì cách ứng xử của Hiệu trưởng trong trường hợp này vẫn thiếu tinh tế. Khi phụ huynh gửi con cho trường, lại gửi cả hai con, tức là họ đã có sự tin tưởng. Nếu có vấn đề khiến phụ huynh thắc mắc, thì nhiệm vụ của người quản lý là phải hỗ trợ phụ huynh hết sức để giải quyết vấn đề đó chứ không phải tự ái rồi đòi trả lại học phí.
Theo lời cô Hiệu trưởng là con bệnh thì đưa con đi bác sĩ. Nhưng bác sĩ cũng phải hỏi phụ huynh là hôm nay con ăn gì? Uống gì? Có tiếp xúc với bé nào bị đi ngoài không là câu hỏi thường quy để xác định nguyên nhân gây bệnh và có định hướng chẩn đoán điều trị chính xác. Nên việc bà mẹ hỏi trên nhóm lớp là hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, phụ huynh cũng chưa đổ lỗi nguyên nhân con đi ngoài là do nhà trường. Trong tình huống này, Hiệu trưởng đã quá nhạy cảm và có quyết định nóng vội, thiếu chuyên nghiệp.
Thêm vào đó, học sinh không có tội, nhà trường phải đảm bảo quyền lợi học sinh, không vì mâu thuẫn giữa trường và phụ huynh mà để cắt ngang con đường học hành của các em.
Hiện, vụ việc vẫn đang thu hút sự tranh luận trên mạng xã hội.