Từ 1/7, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học, khách hàng có phải ra ngân hàng để cập nhật thông tin?
Chỉ còn 10 ngày nữa, Quyết định 2345 sẽ chính thức có hiệu lực. Quyết định này yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần hoàn thiện giải pháp và triển khai trước ngày 1/7/2024 nhằm tuân thủ việc xác thực theo phân loại giao dịch tương ứng.
Đối với khách hàng cá nhân, các giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn, nạp tiền vào ví điện tử và giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo. Cụ thể, một giao dịch chuyển tiền ngân hàng trong nước, nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Ngoài ra, các giao dịch thanh toán ở các đơn vị chấp nhận tin cậy đã được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán xác thực sẽ không phải thực hiện sinh trắc học như thanh toán điện, nước, viện phí học phí. Để đảm bảo an toàn, nếu tổng mức giá trị thanh toán trên 100 triệu đồng, các giao dịch thanh toán tiếp theo sẽ được yêu cầu thực hiện sinh trắc học.
Theo quy định tại Quyết định 2345, dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng phải khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân do cơ quan Công an cấp; hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Như vậy, người dân không cần phải đến ngân hàng để cập nhật mà các ứng dụng ngân hàng sẽ chủ động xác thực dữ liệu sinh trắc học của khách hàng trong trường hợp khách hàng đã có căn cước công dân gắn chip; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với căn cước công dân gắn chip, VneID.
Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm ba bước: chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt.
Tuy nhiên, trường hợp khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip (tức là chỉ còn chứng minh thư nhân dân cũ), khách hàng buộc phải ra ngân hàng để thực hiện giao dịch cũng như cập nhật thông tin sinh trắc học. Ngoài ra, đối với khách hàng là người nước ngoài khi chưa được Bộ Công an triển khai định danh điện tử, sẽ được tạo điều kiện thu thập thông tin sinh trắc học tại quầy.
Cũng trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng đã liên tục thông báo khách hàng chủ động xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip trên ứng dụng để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn trong thời gian tới.