Vì sao sinh viên Đại học danh giá, người ưu tú đều xuất thân trong gia đình khá giả? Khảo sát 28 gia đình trong 7 năm hé lộ sự thật
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”
Nhà Xã hội học trẻ Jiang Yilin (Trung Quốc) đã dành 7 năm để theo dõi 28 học sinh từ các trường trung học hàng đầu ở Bắc Kinh, tất cả đều xuất thân từ những gia đình ưu tú với thu nhập và trình độ học vấn cao.
Hầu hết các gia đình đều sở hữu ít nhất 2 căn nhà ở Bắc Kinh và một số còn có bất động sản ở các tỉnh khác. Nhiều phụ huynh là cựu sinh viên của Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, một số từng đi du học.
Gần một nửa trong số các em tiến hành khảo sát này được nhận vào Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Đại học Phúc Đán, trong khi những em khác được nhận vào các trường đại học hàng đầu thế giới như American Ivy League, Oxford và Cambridge.
Sau khi tốt nghiệp, các em đến làm việc ở Phố Wall và Thung lũng Silicon, mức lương hàng năm gấp hơn 10 lần mức lương trung bình của những người cùng lứa tuổi.
(Ảnh minh hoạ)
Lý do tạo nên những đứa trẻ ưu tú?
Tại sao tất cả họ đều có thể được nhận vào các trường đại học hàng đầu và trở thành những người chiến thắng thực sự trong cuộc sống? Qua điều tra của Nhà Xã hội học Jiang Yilin, có thể tóm tắt như sau:
Đầu tiên, cha mẹ của những đứa trẻ này đặc biệt giỏi trong việc lập chiến lược. Trong số 28 gia đình, 17 em đã tham gia kỳ thi tuyển sinh Đại học và 11 em trong số đó đã đạt được mức điểm cộng khác nhau thông qua tuyển sinh độc lập và các chính sách, chứng chỉ khác.
Trong số đó, mẹ của Shiying tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và cũng là Giáo sư khoa tiếng Trung của một trường Đại học. Cô không chỉ có thể phân tích các câu hỏi cho con gái khi tham gia tuyển sinh độc lập và dạy con mẹo đạt điểm cao mà còn có thể tham khảo ý kiến của cán bộ tuyển sinh của Đại học Thanh Hoa để hướng dẫn con gái điền đơn.
Thứ hai, không thể bỏ qua sự hỗ trợ về mặt kinh tế. Một đứa trẻ di chuyển tới Singapore 5 lần trong một năm vì phải chuẩn bị cho kỳ thi SAT. Chi phí vé máy bay, khách sạn, phí đăng ký… không phải là những khoản mà một gia đình bình thường có thể chi trả.
Cũng có những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình ưu tú, dưới ảnh hưởng tinh tế của cha mẹ. Trẻ biết cách xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân dễ dàng. Những đứa trẻ này “như cá gặp nước”, có nhiều khả năng thành công hơn ở nơi làm việc.
Không có gì ngạc nhiên phần lớn sinh viên ở các đại học hàng đầu đều xuất thân từ những gia đình giàu có. Sự hỗ trợ tài chính mà họ có được đằng sau, cũng như các nguồn lực, tầm nhìn của gia đình mang lại đều hỗ trợ tối đa.
Khoảng cách giữa những đứa trẻ xuất thân khá giả và xuất thân bình thường
Có một video về blogger là sinh viên hàng đầu của Đại học Thanh Hoa, trong video anh chàng chia sẻ: “Chỉ sau khi được nhận vào Đại học Thanh Hoa, tôi mới phát hiện, dù cha mẹ những gia đình bình thường có cố gắng đến đâu cũng khó đào tạo con cái trở thành những tài năng hàng đầu”.
Chàng trai trong video cho biết, anh sinh ra ở một vùng nông thôn nhỏ và đã học tập chăm chỉ để vào được Đại học Thanh Hoa. Sau khi đến Thanh Hoa, anh nhận thấy hầu hết các bạn cùng lớp đều có bố mẹ là giáo viên đại học, doanh nhân hoặc quan chức cấp cao. Có rất ít đứa trẻ miền núi thuần khiết như anh.
Lần đầu tiên tiếp xúc với họ, anh không nghĩ có sự khác biệt gì, nhưng dần dần, anh nhận ra tồn tại khoảng cách rất lớn. Khi mới đi học, anh may mắn được nhận vào “Lớp cơ khí Qian Xuesen” được gọi là “Thanh Hoa ở Thanh Hoa” và anh cảm thấy mình thật đặc biệt. Nhưng sau khi vào, anh phát hiện lớp có 28 học sinh, 80% trong số đó được giới thiệu và không thi tuyển trực tiếp.
Hơn thế, bạn bè xung quanh anh do được gia đình hỗ trợ nên có điều kiện làm nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Một số còn đi thực tập sớm tại 500 công ty hàng đầu cả nước. Họ còn có những khoá du học ngắn hạn tại Harvard, Cambridge,… mà anh chỉ biết ước ao.
Hơn nữa, nhiều người bạn của anh có tầm nhìn xa hơn dưới ảnh hưởng của cha mẹ. Đối với họ, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh chỉ là những điểm dừng họ phải vượt qua. Du học hay khởi nghiệp mới là giai đoạn cao hơn mà họ theo đuổi. Họ biết bản thân thích học gì và đam mê gì từ nhỏ. Cha mẹ họ cũng có khả năng và nguồn lực hỗ trợ cho đam mê nên họ đương nhiên có động lực học tập.
Khoảng cách giữa anh và những người bạn cùng lớp này đã mở ra ngay từ khi mới sinh ra. Như một blogger khác đã nói: Khi bạn nhìn lên những ngọn núi, những người khác đã ở trên đỉnh núi nhìn ra toàn thế giới. Đây là sự thật mà những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình bình thường phải đối mặt.
Đầu tư không đúng cách sẽ sinh ra những đứa trẻ “3 KHÔNG”
Trong những năm gần đây, công cuộc đổi mới giáo dục có chuyển biến lớn. Biết bao bậc cha mẹ trong những gia đình bình thường đã chăm chỉ nuôi dưỡng tài năng cho con ngay từ khi còn nhỏ. Họ gửi con đến lớp học đắt tiền và trại hè, cho con tham gia nhiều lớp học năng khiếu.
Nhưng câu hỏi đặt ra: Liệu việc chi tiêu như thế có thực sự giúp đứa trẻ đạt được thành công trong một bước?
Một cặp vợ chồng ở Hàng Châu quyết định gửi con gái đi du học với mong muốn có tương lai tươi sáng. Để có tiền trang trải học phí và sinh hoạt cho con gái, 2 vợ chồng ngậm ngùi bán đi căn nhà duy nhất.
Không ngờ sau khi con gái trở về, họ mới phát hiện ra lợi ích của việc du học thực chất rất nhỏ. Hơn nữa, việc con gái không học ở trường danh tiếng nên bị nhiều nhà tuyển dụng từ chối. Cuối cùng, con gái chỉ có thể chọn công việc bình thường với mức lương cơ bản.
Không ít bậc cha mẹ chỉ nhìn thấy hào quang đằng sau những ngôi trường danh giá, ép con mình học hành điên cuồng, đăng ký vào lò luyện thi, tham gia các cuộc thi khác nhau, mong sao chép được con đường của những gia đình ưu tú.
Nhiều gia đình bình thường mù quáng lãng phí sức lực và nguồn lực tài chính, hậu quả có thể sinh ra một đứa trẻ “3 không”, Không mục tiêu, không ước mơ và không động lực.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Gardner đã nói: “Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài tiềm tàng, nhưng hướng thể hiện khác nhau. Chỉ khi hiểu được những ưu điểm của trẻ thì trẻ mới có thể được nuôi dưỡng thành người kiệt xuất, thích ứng với sự phát triển của xã hội”.
Vì thế, đối với những gia đình bình thường, cha mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách vạch ra tầm nhìn, nhận thức. Bằng cách phá bỏ rào cản tư duy và tìm ra hướng đi đúng đắn, những đứa trẻ xuất thân từ gia đình bình thường hoàn toàn có thể thành công vang dội.
Sứ mệnh của cha mẹ là luôn sát cánh bên con, khuyến khích, nâng đỡ con, kích thích tiềm năng của con và đưa con đi nhìn thế giới rộng lớn. Cho dù kết quả thế nào đi chăng nữa, các bậc cha mẹ cũng phải hết lòng vì con.
Theo Toutiao