Trượt vòng phỏng vấn vì KHÔNG TRANG ĐIỂM, cô gái tức tối tố nhà tuyển dụng: Hình thức quan trọng đến thế ư?
Melissa Weaver – cô gái trẻ mới đây chia sẻ câu chuyện khiến bản thân ấm ức. Theo đó, cô đã thực hiện một cuộc phỏng vấn khá thành công, cam kết hoàn thành các mục tiêu của công ty nhưng vẫn không nhận được công việc như mong muốn.
Băn khoăn về điều này, cô đã yêu cầu nhà tuyển dụng phản hồi lý do. Câu trả lời cô nhận được là chưa chăm chút ngoại hình của mình. Nhà tuyển dụng đang nói về việc cô ấy không trang điểm khi tham gia buổi phỏng vấn.
Các chuyên gia nhân sự cho rằng định kiến này phổ biến, khiến mọi người bị coi là không xứng đáng với vị trí công việc vì sự kỳ vọng của xã hội. Daniela Herrera, chuyên gia tuyển dụng, đồng thời là đối tác sáng lập Allies in Recruiting chia sẻ: “Điều này xảy ra thường xuyên, đặc biệt là đối với phụ nữ. Những thành kiến về sắc đẹp, ngoại hình đóng vai trò lớn trong cách nhìn nhận và đối xử với phụ nữ ở nơi làm việc”.
(Ảnh minh hoạ)
Tức tối khi bị từ chối vì… không trang điểm
Weaver đã chia sẻ câu chuyện của mình trên TikTok và thu hút hơn 600.000 lượt xem. Cô cho rằng với kiến thức chuyên môn cùng kỹ năng công việc, cô hoàn toàn phù hợp với một vị trí tại công ty công nghệ. Trong buổi phỏng vấn, cô đã trả lời tất cả các câu hỏi được đặt ra. Vì thế nên khi công ty từ chối, cô đã rất sốc.
Weaver bày tỏ: “Tôi thật sự thất vọng, kèm theo sự bối rối. Vì vậy, tôi đã làm một việc mà trước đây chưa bao giờ làm, đó là gửi email yêu cầu nhà tuyển dụng phản hồi lý do”.
Weaver cho biết nhà tuyển dụng đã trả lời rằng, lý lịch của cô “chính xác là những gì họ đang tìm kiếm” và kinh nghiệm của cô hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lo ngại khi Weaver chưa nỗ lực để thể hiện vẻ ngoài của mình.
“Ngày hôm đó, mái tóc của tôi hoe vàng, tôi mặc chiếc áo sơ mi đẹp, bên ngoài là áo blazer, đeo khuyên tai, thoa một chút son môi. Tuy nhiên tôi không trang điểm vì nghĩ không cần thiết”, cô gái cho biết.
Cô cũng đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng: “Việc không trang điểm khi phỏng vấn có khiến bạn trông như không quan tâm đến công việc hay thiếu năng lực không?”.
Phía dưới đoạn video, nhiều người để lại bình luận sôi nổi. Một số người nói rằng vẻ bề ngoài, bao gồm trang điểm, kiểu tóc, màu móng tay và quần áo,… đều quan trọng khi phỏng vấn xin việc. Nhưng những người khác cho rằng việc quan trọng quá mức vào ngoại hình của ứng viên là bất hợp pháp, nên Weaver đã kiện công ty và nhà tuyển dụng vì tội phân biệt đối xử.
Nhiều người bày tỏ sự thất vọng trước những bất công mà phụ nữ vẫn phải đối mặt. “Họ sẽ không bao giờ nghĩ hay nói điều đó với một người đàn ông”, một người bình luận ở video của Weaver.
(Ảnh minh hoạ)
Chuyên gia tuyển dụng nhân sự Daniela Herrera cho biết: “Tôi đã thấy các nhà tuyển dụng từ chối ứng viên dựa trên trang phục họ mặc khi đi phỏng vấn, màu tóc, hình xăm hoặc đặc điểm ngoại hình. Những điều này cũng ảnh hưởng đến quy định nội bộ của công ty, bao gồm cả quyết định về việc ai được thăng chức và mức lương cao hơn”.
Herrera cho biết lý do cho những quan điểm lỗi thời thường bắt nguồn từ việc thiếu đào tạo về tuyển dụng công bằng. “Khi những hành vi gây hấn, thành kiến và khuôn mẫu không được giải quyết, giảm thiểu và kiểm soát ở cấp độ hệ thống, chúng sẽ trở thành một phần của văn hóa nơi làm việc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Herrera còn cho biết thêm, nhiều nhà tuyển dụng sẽ không thấy hợp lý khi từ chối Weaver, bởi họ đặt nhiều giá trị vào những gì “chuyên nghiệp” và những gì không “chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, Michelle Enjoli, huấn luyện viên và diễn giả phát triển nghề nghiệp cho rằng, ngoại hình của Weaver có thể không phải là vấn đề. Cô nói, hầu hết các vị trí tại các công ty đều được thiết lập, chỉ định và việc phỏng vấn chỉ là hình thức lấy lệ. Nhà tuyển dụng đã có người phù hợp cho vị trí đó nên lấy bừa một lý do để từ chối Weaver. “Họ đã không khéo léo để đưa ra phản hồi trung thực cho ứng viên”.
Herrera cho rằng đã đến lúc các công ty phải thường xuyên thay đổi quy trình tuyển dụng vì đây là cách duy nhất để tránh những tình huống như vậy trong tương lai. Tất cả phải trải qua một quá trình phỏng vấn công bằng, được tiếp cận cơ hội toàn diện. Và cách duy nhất để thay đổi chính là nâng cao nhận thức.
Nguồn: BI