Đọc sách là một hoạt động bổ ích giúp nâng cao kiến thức, kích thích trí tưởng tượng và nâng cao vốn từ vựng của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thói quen này không chỉ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và tư duy ở trẻ, mà còn kích hoạt não bộ ghi nhớ và liên kết thông tin đã đọc một cách nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với mọi lứa tuổi. Sách chứa nội dung không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí, nhận thức và hành vi của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm khi cá tính và nhận thức của trẻ đang dần được hình thành.
Trẻ nhỏ thường chưa có khả năng phân biệt đúng – sai một cách rõ ràng, do đó, việc tiếp xúc với nội dung không phù hợp với lứa tuổi có thể dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ. Từ những quyển sách có nội dung bạo lực, ngôn từ tục tĩu, hình ảnh nhạy cảm đến các chủ đề phức tạp về tâm lý xã hội… đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy và cảm xúc của trẻ.
Ảnh minh họa
Chẳng hạn, trẻ tiếp xúc quá sớm với sách có nội dung bạo lực có thể trở nên hung hăng. Hình ảnh hay những nội dung về hành vi bạo lực không chỉ làm méo mó cách nhìn nhận của trẻ về thế giới xung quanh mà còn có thể dung túng cho những hành vi không lành mạnh của trẻ. Hay những cuốn sách có ngôn từ tục tĩu có thể khiến trẻ học theo và sử dụng trong giao tiếp hàng ngày mà không nhận thức được hậu quả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường học đường mà còn cả môi trường gia đình và xã hội nói chung.
Sách chứa nội dung không phù hợp với lứa tuổi cũng có thể gây ra stress và lo âu cho trẻ. Khi phải đối mặt với những thông tin hoặc hình ảnh mà trẻ chưa đủ “chín muồi” để nhận thức, trẻ có thể cảm thấy bối rối, sợ hãi, hoặc thậm chí là ám ảnh.
Cách chọn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ việc đọc sách không phù hợp, cha mẹ cần giám sát và lựa chọn kỹ càng sách cho trẻ. Đồng thời, cần có sự hướng dẫn từ người lớn nhằm giúp trẻ hiểu đúng đắn về nội dung đọc được. Việc giáo dục trẻ cách phê phán và phân tích nội dung sách một cách sáng suốt cũng quan trọng không kém để trẻ có thể tự bảo vệ mình khỏi những thông tin độc hại.
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ là một chương mới với những trang sách đầy màu sắc và tri thức. Việc lựa chọn sách phù hợp theo lứa tuổi không chỉ kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ, mà còn góp phần nâng cao khả năng ngôn ngữ và hiểu biết về thế giới mà bé đang sống.
Cha mẹ có thể cho con tiếp xúc với sách vở ngay ở giai đoạn sơ sinh. Mục tiêu ở giai đoạn này không phải là nội dung của sách, mà là việc tạo dựng những khoảnh khắc gắn kết giữa cha mẹ và bé. Những quyển sách với hình ảnh sống động, màu sắc rực rỡ và những minh họa đơn giản sẽ là lựa chọn lý tưởng cho trẻ nhỏ đang bắt đầu khám phá thế giới xung quanh.
Ảnh minh họa
Khi bước vào độ tuổi mẫu giáo, trẻ có thể tương tác nhiều hơn với câu chuyện và sẽ được hưởng lợi từ những cuốn sách có hình ảnh động vật, thực vật và thế giới tự nhiên. Đây cũng là lúc mà bố mẹ có thể giới thiệu các câu chuyện có kết cấu phức tạp hơn, đồng thời dạy trẻ về các giá trị đạo đức và xã hội thông qua việc đọc sách.
Đối với trẻ em độ tuổi đi học, việc tự đọc đã trở nên phổ biến và bé có thể thích thú với những cuốn sách phiêu lưu kỳ thú hoặc khoa học viễn tưởng. Để khuyến khích thói quen đọc sách, cha mẹ có thể tích hợp việc đọc vào cuộc sống hàng ngày. Những việc này không chỉ giúp phát triển khả năng trí tuệ cho trẻ, mà còn nuôi dưỡng tình yêu sách vở từ sớm.
Trong thời đại thông tin bùng nổ, việc chọn lựa nguồn tri thức lành mạnh và phù hợp cho con là điều vô cùng quan trọng, góp phần đặt nền móng cho tương lai của bé. Hãy nhớ rằng, sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là người bạn đồng hành không thể thiếu trong suốt quãng đời trưởng thành của trẻ. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ chọn được những cuốn sách tuyệt vời, góp phần viết nên những trang vàng trong hành trình trưởng thành của con yêu.
Tổng hợp