9x lấy bằng Tiến sĩ ở tuổi 28, được nhận vào ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giữa bão sa thải: Từng thi trượt, học lại trước khi có 1 quyết định “đổi đời”
18 tuổi là thủ khoa đầu vào, 22 tuổi là thủ khoa đầu ra Đại học, 28 tuổi lấy bằng Tiến sĩ và làm việc tại ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là những cột mốc đáng nhớ với trong hành trình theo đuổi đam mê Toán học của Thu Nguyệt. 9x nhắc nhiều đến yếu tố may mắn khi nhìn lại chặng đường này của mình, dù thực tế những kết quả ấn tượng trên phải đánh đổi bằng khoảng thời gian sốc văn hóa khi cô mới sang Mỹ, loay hoay tìm lại định hướng phù hợp và nhiều ngày “trầy trật” nộp đơn đến hàng chục công ty giữa bão sa thải.
Thủ khoa “kép” và những cú sốc tại Mỹ
Bố mẹ đều giảng dạy Toán học, Thu Nguyệt được nuôi dưỡng tình yêu với môn học này từ rất sớm. Từ nhỏ đến lớn cô đều học lớp chuyên, tham gia các kỳ thi HSG Toán. Năm 2013, 9x này trở thành thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng với 27 điểm, theo học ngành Sư phạm Toán.
Khi đó cô đã ấp ủ ý định du học Mỹ từ định hướng của gia đình và mong muốn đến một đất nước hoàn toàn mới để thử sức mình. Vậy nên ngay từ năm 2 Đại học, Thu Nguyệt đã thi các chứng chỉ cần thiết bao gồm GRE, GRE Math với TOEFL, chuẩn bị bài luận, thư giới thiệu cũng như các nghiên cứu cho hồ sơ xin học bổng.
Chân dung 9x Đà Nẵng Lê Thị Thu Nguyệt
Bài luận thể hiện được đam mê với ngành Toán học cùng kinh nghiệm giảng dạy, thành tích nghiên cứu đã giúp cô chinh phục thành công học bổng Tiến sĩ toàn phần ngành Toán học của ĐH Indiana (Mỹ). Thu Nguyệt lên đường sang Mỹ với tâm thế háo hức, thế nhưng đây lại là lúc cú sốc đầu tiên đến với cô gái Đà Nẵng.
“Trường đẹp như những gì tôi thấy qua hình ảnh trên mạng trước khi sang Mỹ. Tuy vậy nơi đây lại ít dân cư, ít người Việt, cuộc sống rất buồn. Lúc mới qua vì không có kinh nghiệm nên tôi thuê nhà trống không có đồ đạc lại chưa biết mua sắm ở đâu nên phải nằm ngủ trên sàn đất vài hôm. Chưa kể nhà ở Mỹ xây tách biệt, cả tuần đầu ở một mình tôi sợ không dám tắt đèn lúc ngủ, đến mức cháy cả bóng điện”, 9x hồi tưởng.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi kết quả học tập ở trường của cô cũng không được như kỳ vọng. Chương trình học khác với khi ở Việt Nam, nghe giảng không hiểu, thậm chí một số môn phải thi lại khiến Thu Nguyệt nản lòng, hoài nghi về định hướng trong những năm học Tiến sĩ tiếp theo của bản thân.
Những ngã rẽ mang đến kết quả ngoài mong đợi
Giữa lúc đang mông lung với tương lai, Thu Nguyệt có dịp đến Los Angeles (Mỹ) và vô cùng ấn tượng với sự sôi động của thành phố này. Đó là lúc cô gái Đà Nẵng quyết tâm chuyển trường, chuyển ngành, dù quyết định này khiến Thu Nguyệt phải bắt đầu lại từ đầu quá trình chuẩn bị hồ sơ học Tiến sĩ.
Cô cho biết: “2 năm ở ĐH Indiana tôi đã đỗ hết các kỳ thi bậc Tiến sĩ, chỉ cần ở lại thêm 3 năm nữa thì đảm bảo sẽ tốt nghiệp. Trong khi chuyển trường thì cần thi lại các chứng chỉ đợt trước vì đã hết hạn, tuy không khó như lần đầu nhưng vì vừa học Tiến sĩ trên trường mà vừa dành thời gian chuẩn bị các hồ sơ nên thời gian rất gắt gao. Dù vậy, cảm giác đang ở sai môi trường vẫn thúc đẩy tôi chuyển đi”.
Lần nộp lại hồ sơ Tiến sĩ này, Thu Nguyệt được khá nhiều trường danh tiếng nhận và cấp học bổng bao gồm học phí, bảo hiểm và lương nghiên cứu sinh. Cô lựa chọn ĐH Nam California (Los Angeles, Mỹ) với mức học bổng toàn khóa là 415.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) cho chương trình Toán ứng dụng.
Cuộc sống của Thu Nguyệt thay đổi khi chuyển đến môi trường phù hợp hơn
Thu Nguyệt tâm sự, trước đây cô luôn nhận được sự định hướng từ bố mẹ hoặc người khác còn việc chuyển trường là lần đầu tiên cô tự đưa ra quyết định lớn, để bản thân hẳn rẽ sang một ngã rẽ mới tại xứ cờ hoa.
Lựa chọn được môi trường phù hợp, Thu Nguyệt lấy lại sự tự tin khi học tập tại trường mới. Cô đỗ hết các kỳ thi để đủ điều kiện nghiên cứu ngay trong năm đầu tiên, sớm hơn 1 năm so với nhiều bạn cùng khóa. Trong năm 2, cô gái Đà Nẵng đã có kết quả nghiên cứu đầu tiên xuất bản trên tạp chí đầu ngành và đến hết năm 3, Thu Nguyệt hoàn thành 2 nghiên cứu, đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình học Tiến sĩ vốn kéo dài 5 năm.
Thu Nguyệt cho biết thành tích này cô có được là nhờ may mắn chọn đúng giáo sư hướng dẫn và được thầy hỗ trợ suốt quá trình nghiên cứu. Ngay cả khi Thu Nguyệt lựa chọn không tiếp tục theo định hướng học thuật, giảng dạy ban đầu mà quyết định sẽ làm việc cho doanh nghiệp, người thầy này vẫn ủng hộ cô.
Nắm bắt cơ hội quý giữa bão sa thải
Từ năm 4, 9x này bắt đầu luyện các kỹ năng cần thiết để xin việc như phỏng vấn, coding. Thử thách tiếp tục đến khi thời điểm Thu Nguyệt bắt đầu nộp CV cho kỳ thực tập là hoàng loạt công ty tại Mỹ đang cắt giảm nhân sự.
“Có những vị trí tôi gửi CV nhưng mãi không thấy phản hồi, lên web mới phát hiện họ đã gỡ tin tuyển dụng từ lúc nào. Khi đó thị trường đều không ổn định, tôi phải rải CV khoảng 40-50 công ty, từ công ty lớn như Facebook, Citadel đến các công ty nhỏ. Tỷ lệ được gọi phỏng vấn cao nhưng đến vào vòng cuối họ lại nói không tuyển nữa”, Thu Nguyệt cho biết.
Vậy nên khi được JPMorgan Chase & Co. nhận thực tập ở mảng Nghiên cứu định lượng (quantitative research), cô gái 9x nắm bắt cơ hội này ngay lập tức. Trước đó cô trải qua liên tục 5 vòng phỏng vấn gắt gao, kiểm tra từ kiến thức, kỹ năng đến kinh nghiệm.
Quá trình thực tập tại ngân hàng lớn nhất nước Mỹ giúp Thu Nguyệt học hỏi và làm quen với văn hóa làm việc tại Mỹ. Nhiều năm nghiên cứu trong môi trường học thuật, việc rẽ hướng sang làm việc cho doanh nghiệp với tính chất hoàn toàn khác không phải điều dễ dàng, đòi hỏi 9x phải học lại một số kỹ năng.
Thu Nguyệt trong thời gian thực tập tại JPMorgan
Càng đến những ngày cuối của chương trình thực tập, cô càng áp lực khi nghe tin rất ít thực tập sinh được nhận ở lại làm fulltime. Thu Nguyệt chia sẻ: “Tôi đếm từng ngày cho đến hết kỳ thực tập để biết mình có được nhận hay không. Vì nếu không được nhận thì xin việc sẽ rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt. Những người có kinh nghiệm đã bị layoff và cũng đang tìm việc, làm sao mình mới tốt nghiệp lại cạnh tranh được”.
Cuối cùng Thu Nguyệt nằm trong nhóm 20% thực tập sinh được JPMorgan nhận làm việc chính thức trong tổng số 300 người. Tháng 10/2023, cô gái này quay lại trường để hoàn thành chương trình Tiến sĩ, tốt nghiệp sớm nửa năm so với lộ trình. Hiện Thu Nguyệt đang làm việc tại New York với vị trí Nghiên cứu định lượng, chuyên phân tích dữ liệu và thiết kế các mô hình Toán tài chính.
Thu Nguyệt lấy bằng Tiến sĩ Toán ứng dụng ở tuổi 28
Nhìn lại hành trình 6 năm không ít thử thách nhưng vẫn gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào tại Mỹ, 9x này bộc bạch: “Một kinh nghiệm giúp tôi đưa ra những quyết định lớn đúng đắn, đó là việc không ngại gặp gỡ bạn mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thay vì chỉ quen bạn chung trường, chung ngành, việc có vòng tròn quan hệ rộng giúp tôi có tư duy rộng mở và học hỏi thêm nhiều điều. Từ trải nghiệm của họ, tôi biết mọi thứ đều có thể làm được và có thêm động lực cho bản thân chinh phục điều mình muốn”.