5 kiểu nói chuyện điển hình của những người EQ thấp, ai tiếp xúc gần cũng chẳng ưa, cần thay đổi ngay
Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence – EI) thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ) của mỗi cá nhân. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.
Theo chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock, cách giao tiếp có thể phản ánh EQ của một người. Để duy trì EQ cao, một nguyên tắc quan trọng là không nói điều bạn không thực hiện được hoặc không thành thật.
1. “Vào thẳng vấn đề nhanh đi”
Theo Tamaryn de Kock, những mẫu câu đại loại như: “Tôi không có thời gian cho điều này!”, “Tôi không quan tâm!”, “Hãy nói vào vấn đề đi!”… cho thấy sự thiếu tôn trọng và đồng cảm của bạn với đối phương. Bạn có xu hướng phủ nhận mọi thứ và hay cắt ngang lời của người khác.
Ảnh minh họa
2. Phản hồi theo kiểu “sandwich”
Phản hồi theo kiểu “sandwich” là khi một lời phê bình tiêu cực được bao quanh bởi hai lời khen tích cực giống như một chiếc bánh sandwich vậy. Tuy nhiên, phương pháp này thường không mang lại hiệu quả. Thậm chí, nó có thể phản ánh rằng bạn là người có EQ không cao.
Theo chuyên gia tâm lý de Kock, con người thường có khả năng chịu đựng mạnh mẽ hơn những gì ta tưởng. Họ không cần phải nhận lời khen ngợi trước khi đối mặt với chỉ trích. Trên thực tế, lời khen ngợi có thể không gây ấn tượng với người lắng nghe, bởi sự chú ý thường dồn vào phần tiêu cực. Do đó, phản hồi kiểu “sandwich” có thể bị coi là cách giao tiếp kém hiệu quả vì nó không đưa ra phản hồi một cách minh bạch, đơn giản và đúng trọng tâm.
3. Trò chuyện theo kiểu thích kiểm soát
Người có EQ cao thường biểu hiện lòng tin và sự tôn trọng dành cho người khác qua ngôn từ của họ. Ngược lại, người có EQ thấp thường dùng lời lẽ thể hiện sự kiểm soát với mọi người.
Chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock nhấn mạnh rằng việc sử dụng những câu như “Tôi tin bạn”, “Tôi trân trọng bạn” và “Tôi quan tâm đến bạn” có thể tạo dựng một môi trường tâm lý an toàn và phản ánh EQ của người nói. Nhưng điều này chỉ có tác dụng nếu dựa trên lòng tin sẵn có.
“Nhưng chỉ nói thôi là không đủ. Những lời nói này phải song hành với hành động để chứng tỏ bạn thực sự tin tưởng hoặc quan tâm đến một người. Những lười nói trống rỗng bất lợi hơn là có lợi”, chuyên gia nói.
Ảnh minh họa
4. Quan tâm kiểu nửa vời
Khi ai đó gặp vấn đề và bạn thường xuyên đặt ra các câu hỏi như: “Hãy kể tôi nghe về…”; “Làm ơn giải thích cho tôi hiểu…” hoặc “Bạn suy nghĩ thế nào?”… đó là biểu hiện của người có EQ cao khi đang nỗ lực hiểu rõ cảm xúc cũng như quan điểm của người khác.
Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi bạn thực sự quan tâm đến những gì đối phương nói sau đó. Nếu họ chỉ hỏi cho có lệ mà thực tế thì lại lơ là, không chú ý đến câu trả lời, hoặc nhìn chỗ khác trong khi người kia đang nói, thì đây có thể là dấu hiệu của một người có EQ không cao.
5. Không bao giờ xin lỗi
Kiểu xin lỗi mang tính biện hộ như “Tôi xin lỗi nhưng…” hay “Tôi xin lỗi được chưa”… có thể gây mất lòng tin và làm “tổn thương” mối quan hệ của bạn. Người có EQ thấp thường sử dụng những cách nói này. Ngược lại, lời xin lỗi chân thành sẽ mang lại sự cảm thông và thấu hiểu.
Chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock nói: “Thành thật thừa nhận rằng bạn đã phạm sai lầm hoặc có thể đã sai về điều gì đó cho thấy bạn nhận thức được hành vi của chính mình và tác động của chúng đối với người khác. Điều này thể hiện sự khiêm tốn. Hơn nữa, bạn có thể sai nhưng thừa nhận thất bại hoặc điểm yếu của mình sẽ giúp bạn xây dựng lòng tin và sự tin tưởng”.
Ảnh minh họa
Tổng hợp