30 tuổi lương từ 40 triệu giảm đột ngột xuống còn 15 triệu: Thấy thương thân bao năm học hành, “chiến đấu” trong nghề
Cắt giảm việc làm, cắt giảm tiền lương, “chia tay” không êm đẹp
Mới đây, một bài đăng trải lòng về việc thu nhập bị giảm đến 70% của một người dùng Threads đang trở thành nơi giải bày chung cho những nhân sự gặp hoàn cảnh tương tự. Cụ thể, cô gái hiện 30 tuổi, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong ngành “hot hit” một thời như Logistics, hiện đang phải nhận mức lương 15 triệu/tháng, trước đó cô có mức lương đầu 4x (nghĩa là từ 40 triệu trở lên).
Lý do vì sao có sự sụt giảm nhiều như vậy trong đồng lương là sau khi bị sa thải, cô không tìm kiếm được cơ hội phù hợp dù đã dành ra hai tháng kiếm việc. Cuối cùng phải chấp nhận mức lương thấp đi đáng kể ở một công ty khác để có đồng ra, đồng vào.
Bài đăng khơi dậy nhiều lo lắng về tình hình của thị trường lao động hiện tại.
Chuyện không của riêng ai, hết nửa phần bình luận là những lời đồng cảm “mình cũng vậy.” Từ 50 triệu xuống còn 18 triệu/tháng, từ đầu 3 chục xuống chỉ còn 7 triệu. Thậm chí, có những người đang có mức lương cao ngất ngưởng (là chứng thực cho kĩ năng và chuyên môn) cũng bị sa thải và đến nay đã thất nghiệp tròn nửa năm. Trường hợp của cô gái, theo nhiều ý kiến bình luận, vẫn còn may mắn khi có thời gian ở nhà ngắn hơn hẳn.
Rất nhiều người tham gia chia sẻ tình trạng còn đáng “báo động” hơn.
Rốt cuộc thì chuyện gì đang xảy ra với thị trường lao động?
Từ 2023 đến nay, làn sóng cắt giảm quy mô diện rộng như bóng đen bao phủ lên tinh thần của người lao động. Theo khảo sát từ Vietnamworks được công bố hồi đầu năm 2024, so sánh với năm trước, cắt giảm lương và sa thải là hai phương thức được doanh nghiệp ưu tiên áp dụng để đối phó với suy thoái kinh tế.
Hệ quả là một loạt “nhân viên” trở thành “ứng viên”, họ cạnh tranh lẫn nhau và với lớp trẻ vừa tốt nghiệp. Dư cung, thiếu cầu. Nhiều người có kinh nghiệm đã 2-3 năm vẫn cắn răng ứng tuyển cho vị trí thực tập sinh để mong có nguồn thu sau nhiều tháng không kiếm được việc làm. Một vài ứng viên còn quyết định làm tạm những công việc bán thời gian ở nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, trong khi vẫn nỗ lực rải đơn ứng tuyển cho hàng chục công ty lớn nhỏ.
Những người ở lại thì bị ảnh hưởng quyền lợi khi công việc tăng lên (vì công ty sa thải nhưng không tuyển mới), lương thưởng thì bị giảm đi đáng kể vì kêu gọi “mong người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn.”
Ảnh minh hoạ
Những lời tâm sự của người lao động trong tình hình kinh tế ảm đạm như hiện tại vốn là “chuyện cơm bữa”. Có những hội nhóm thu hút gần cả triệu thành viên, mỗi ngày đều đều 50-60 bài viết nhờ tư vấn “đi hay ở?” với một công việc có đồng lương bèo bọt, nhưng đó lại là lựa chọn tốt nhất hiện tại. Ở lại thì áp lực, đi rồi thì không biết bao giờ mới có việc mới, phải thất nghiệp và cầm chừng trong bao lâu. Dù là cấp quản lý thâm niên hàng chục năm trời hay thanh niên trẻ tốt nghiệp trường top đầu, ai ai cũng vỡ mộng, bất lực và nghi ngờ về khả năng lao động của bản thân khi liên tục bị từ chối hoặc nhận được lời mời nhận việc dưới mức mong đợi.
Đồng lương bị thu hẹp lại có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động. Với người nào sống một mình còn dễ chống đỡ, những người có người phụ thuộc, việc thu nhập giảm đi 20-30% thôi cũng đã đòi hỏi phải tính toán lại toàn bộ chi tiêu cho gia đình, chứ đừng nói là cắt giảm đến vài chục triệu một tháng.
Trong tình hình ảm đạm ấy, còn nhức nhối hơn khi có nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự yếu thế của người lao động để sa thải trái luật, quyết định không đền bù hay tất toán khi đến ngày trả lương. Tại một hội nhóm gần 400k thành viên trên Facebook, nơi người lao động chia sẻ tâm sự về các công ty tốt xấu, thường xuyên có những đoạn tin nhắn đấu tố công ty, và những mẩu chuyện tréo ngoe khi bị sa thải đột ngột lại còn không được trả công đàng hoàng. Các thành viên trong nhóm từ đó thường hay giúp đỡ nhau đòi những chủ doanh nghiệp nợ lương nhân viên thực hiện đủ nghĩa vụ, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Nhân sự làm việc cầm chừng, doanh nghiệp rơi vào thế khó
Những tưởng khi thị trường lao động đang xoay chuyển như hiện tại, các doanh nghiệp sẽ có “món hời” tận dụng nguồn lao động rẻ. Nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp nhận thấy mặt trái của thực trạng này, truyền miệng nhau khái niệm “mức giá thực sự của lao động rẻ”, nêu bật mặt trái của nguồn nhân lực được trả đồng lương ít ỏi.
Trước nhất, khi không cảm thấy được trả lương xứng đáng, nhân sự không có động lực và lí do để tận dụng hết kỹ năng giúp hoàn thành tốt công việc, hậu là năng suất bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, bản thân họ vì cần tiếp tục trang trải cho cuộc sống, có thể tìm kiếm các công việc làm thêm giờ, từ đó phân tán sự tập trung, không còn chú tâm cho công việc toàn thời gian.
Ảnh minh hoạ
Hơn ai hết, những nhân sự trên đã mếch lòng với đồng lương, và với họ, đây chỉ là “bến đỗ” tạm thời để cầm chừng. Ngay khi nền kinh tế khởi sắc, những người lao động ấy sẽ ngay lập tức tìm kiếm cơ hội tốt hơn để giảm khoảng cách giữa năng lực thực tế và mức lương được trả. Hãy tưởng tượng sẽ tệ như thế nào nếu doanh nghiệp xây dựng đội ngũ chỉ toàn những lao động rẻ, và ngay khi kinh tế tăng trưởng tốt trở lại, họ đồng loạt rời đi?
Với một số doanh nghiệp cần nhân tài, sẵn sàng trả mức lương cao trong một thị trường có mặt bằng chung khá thấp, họ không thể níu được những nhân sự đi tìm kiếm cơ hội ở thị trường màu mỡ hơn. Đơn cử như những tháng gần đây, nhiều người trẻ Việt đổ xô đi làm việc tại Malaysia, Singapore, được trả lên đến 20 triệu/tháng cho vị trí không đòi hỏi nhiều chuyên môn, bằng với cấp quản lý đã có ít nhất 3-4 năm kinh nghiệm nếu xét trong thị trường Việt Nam.
Tựu trung lại là một tình thế mà cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều bất lực. Người sử dụng lao động phải có dòng doanh thu thường xuyên mới có thể mang đến lương thưởng, phúc lợi tốt cho nhân viên, nhưng biết làm sao khi nền kinh tế đang gặp khó khăn chung?
Quyết định sáng suốt nhất thời điểm này
Cho đến hiện tại, thị trường lao động được dự đoán sẽ tiếp tục xu hướng “cầm hơi”, cả người lao động thắt chặt chi tiêu, người sử dụng lao động cố gắng tạo công ăn việc làm với nguồn chi phí thấp nhất có thể để chống chọi lại với suy thoái kinh tế.
Như vậy tức có nghĩa, tình trạng thu hẹp thu nhập sẽ tiếp tục diễn ra, và làn sóng sa thải vẫn chưa dừng lại. Trong tình hình đó, các bạn trẻ thì không khỏi lo lắng có phải kỹ năng mình chưa đủ tốt, cảm thấy phí hoài những năm học hành; các người lao động ở ngưỡng 30 thì lại rất lo sợ mình sẽ phải “nghỉ hưu non” vì những định kiến với tuổi tác. Những ý nghĩ đó dần ảnh hưởng đến sự tự tin khi làm việc, xin việc, dễ xem nhẹ năng lực bản thân và bán sức lao động với mức giá rẻ mạt.
Ảnh minh hoạ
Câu chuyện thu nhập tăng hay giảm, như đã đề cập ở trên, có lẽ không còn phụ thuộc và được điều khiển bởi ý chí của người lao động hay người lao động nữa, mà còn dựa trên tình hình phục hồi của toàn cầu. Thứ mà mỗi người có thể kiểm soát chính là thời gian của bản thân. Trau dồi kiến thức, kỹ năng bằng các khóa học hoặc tự rèn luyện là cách tốt nhất để chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội mới ngay khi kinh tế khởi sắc và giúp bạn nâng cao nhận thức về giá trị của mình trên thị trường.
Dẫu biết bạn không thể tránh khỏi hoang mang, nghi ngờ bản thân khi liên tục nhận “trái đắng” trên con đường sự nghiệp, nhưng điều quan trọng là giữ vững niềm tin và kiên trì với mục tiêu của mình. Những thử thách hiện tại chỉ là tạm thời, và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tin tưởng vào bản thân mới là thứ “khí tài” thật sự không chỉ giúp bạn chống chọi với những suy thoái của hiện tại, mà còn cả những đợt thử thách tiếp theo trong tương lai.