2 vợ chồng lương 24 triệu đồng, dốc cạn tiền nuôi con ăn học, sinh hoạt phí nhờ bà nội khiến CĐM ngao ngán: Đừng “báo” bà nữa!
Thu nhập mỗi gia đình là khác nhau, cùng với quan điểm chi tiêu, lối sống, sở thích, mục tiêu khác nhau nên mỗi nhà sẽ có cách quản lý, tiết kiệm tiền riêng. Thông thường, các khoản mục tài chính của mỗi nhà sẽ gồm: Nhà ở, sinh hoạt phí, giáo dục, y tế, du lịch, đầu tư, tiết kiệm. Tùy quan điểm mỗi cặp vợ chồng mà mỗi nhà sẽ thiết lập kế hoạch riêng.
Chẳng hạn sẽ có nhà dành nhiều tiền cho giáo dục và đầu tư, trong khi nhà khác lại đề cao phí sinh hoạt và du lịch để cải thiện chất lượng đời sống. Sẽ chẳng có một mẫu số chung cố định nào cho việc chi tiêu trong gia đình.
Học Y chưa chắc đã đổi đời…
Mới đây, chị M. đã chia sẻ trong nhóm “Vén khéo” câu chuyện của gia đình mình, nhờ mọi người đưa ra lời khuyên đảm bảo khoa học, hợp lý.
Chị M. chi biết, 2 vợ chồng chị thu nhập 24 triệu đồng/tháng, không mất tiền thuê nhà nhưng nặng gánh chi phí học tập của các con. Bạn lớn nhà chị học lớp 11, hiện học thêm và học gia sư cùng 2 bạn khác. Ngoài ra, bạn lớn cũng đang học lớp đội tuyển HSG của nhà trường. Còn bạn nhỏ hơn 1,5 tuổi do nhỡ kế hoạch sinh sản, chị có con ở tuổi ngoài 45.
2 vợ chồng chị M. đã lớn tuổi, hiện là công nhân nên không biết làm sao để tăng thu nhập. Hiện tiền ăn của gia đình đang nhờ phần nhiều vào mẹ chồng. Chị chỉ mong các con học tập phấn đấu để sau này đổi đời, không phải làm công nhân vất vả như bố mẹ. Chị mong con lớn sẽ đỗ Đại học Y để tương lai không khó nhọc.
(Ảnh minh họa)
Chị M. thống kế các khoản chi tiêu trong gia đình 1 tháng như sau:
– Tiền học của Linh tổng 13 triệu đồng: Tiền học ở trường 1,2 triệu đồng, tiền học gia sư 4 môn 8 triệu đồng, tiền ăn sáng và ăn thêm 1,2 triệu đồng, tiền tiêu vặt 200.000 VNĐ.
– Tiền học của Sóc tổng là 5.340.000 VNĐ: Tiền học Mầm non 2,5 triệu đồng, tiền bỉm 600.000 VNĐ, tiền sữa 1.240.000 VNĐ, tiền tiêm phòng trung bình 1 triệu đồng.
Chị M. cho biết thêm, hiện tiền ăn uống cho 1 tháng chị gửi bà nội 3 triệu đồng. Nếu thiếu bao nhiêu thì bà nội đỡ đần vì bà bán tạp hóa có ‘đồng ra đồng vào’.
Sau khi nghe câu chuyện, nhiều người có kinh nghiệm đã đưa ra lời khuyên cho chị M. Không ít ông bố bà mẹ cho biết nuôi con học Đại học Y rất tốn kém, mất từ 5 – 7 năm, mỗi năm tốn khoảng 80 – 90 triệu đồng. Ngoài ra, học Y sẽ phát sinh nhiều khoản phí khác như đi thực tập, kiến tập, học lên cao hơn. Vì vậy, để khi con ra trường đi làm, kiếm được đồng tiền đầu tiên cũng mất khoảng gần 10 năm, đó là chưa kể thu nhập sau khi đi làm không cao. Vì vậy, nếu kinh tế gia đình không vững thì không nên cho con học Y.
Ngoài ra, vợ chồng chị M. cũng không nên ỷ lại vào bà nội vì bà cao tuổi sức yếu. Hơn nữa việc bán tạp hóa chẳng lời lãi được là bao, chắc hẳn bà vì thương con thương cháu nên đang cố gồng gánh cả gia đình.
(Ảnh minh họa)
Phía dưới bài viết, nhiều bình luận đáng chú ý được mọi người để lại như sau:
– Vợ chồng chị ngoài 45 tuổi thì bà cũng đã lớn tuổi. Ở tuổi này, mình phải báo hiếu bà chứ, sao lại “báo” bà như vậy. Nhà 4 người mà đưa bà 3 triệu đồng, chị không thấy ngại à. Chị còn ở không mất tiền nhà, tiền điện nước là tốt lắm rồi.
– Mình nghĩ bạn nên cắt bớt tiền học gia sư cho con vì con học đội tuyển ở trường cũng đủ rồi. Học đội tuyển tức là lực học của con cũng ở mức khá giỏi.
– Chị thương con chị thì chị cố gắng làm, đừng thương con mà làm khổ mẹ chị nhiều hơn. Tôi đọc bài mà thương mẹ chồng chị quá. Vẫn biết đó không phải là mẹ đẻ nhưng bà đã tần tảo nuôi chồng chị nên người mà.
– Làm Y cao quý nhưng khó giàu, nếu chị muốn mai sau con giàu sang đổi đời thì có thể tham khảo thêm các ngành khác. Đó là sự thật, chị nên cân nhắc. Chị cũng hay hỏi thêm ý kiến, nguyện vọng của con, đừng đặt kỳ vọng lớn quá kẻo con thấy áp lực.
Nguồn: Group Vén khéo